Các nền kinh tế phát triển mạnh nhất của châu Á cạnh tranh để đưa về nhân tố mang động lực tăng trưởng kinh tế bậc nhất đã được chứng minh của thế giới: Taylor Swift.
Chỉ một vài quốc gia may mắn đạt được điều đó.
Đến một khu vực rộng lớn nhưng chỉ biểu diễn ở hai nơi
Thay vì tổ chức các concert khắp khu vực, ngôi sao nhạc pop người Mỹ chỉ biểu diễn ở hai quốc gia Đông Á - Nhật Bản và Singapore. Nhiều người hâm mộ Tay Tay (biệt danh của Taylor Swift) trong khu vực cũng đang không ngại khoảng cách để tới Singapore để “cháy hết mình” với thần tượng.
Về phần mình, Singapore đang háo hức chờ đợi cú hích kinh tế được gọi là “Swift-onomics”.
Vấn đề duy nhất là 6 buổi hòa nhạc của Swift tại Singapore đã gây ra nhiều sự ghen tị - và thậm chí là những lời chỉ trích gay gắt trong khu vực.
Tại diễn đàn kinh tế của chính phủ Thái Lan hồi tháng 2, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin nói rằng nước láng giềng Singapore đã trợ cấp cho chuyến lưu diễn của Swift với điều kiện ngôi sao nhạc pop phải bỏ qua phần còn lại của khu vực. Ông Srettha nói nếu biết về điều này, ông đã đưa ra lời đề nghị của riêng mình.
“Mọi ngành kinh doanh từ khách sạn, du lịch cho đến các quán bán thịt nướng chắc chắn đều mong muốn điều đó”, ông nói.
Một số chính trị gia trong khu vực cũng thẳng thừng chỉ trích. “Hàng xóm tốt với nhau không làm như thế”, Joey Salceda, một nhà lập pháp ở Philippines, nói với truyền thông, đồng thời khẳng định động thái này gây bất lợi cho quan hệ ngoại giao giữa Singapore và Manila, The Straits Times đưa tin hôm 29/2. Vị nghị sĩ từ tỉnh Albay này thậm chí yêu cầu Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) chính thức phản đối khoản trợ cấp mà chính phủ Singapore ủy quyền để đổi lấy việc Taylor Swift sẽ chỉ biểu diễn ở Singapore (tại Đông Nam Á) trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới The Eras Tour.
Tại đảo Hong Kong, nơi từ lâu đã cạnh tranh với Singapore để giành danh hiệu thành phố toàn cầu nhất châu Á, nhà lập pháp Regina Ip đã khiển trách các quan chức thành phố vì đã không hành động quyết đoán hơn để thu hút ngôi sao quyền năng như Swift.
“Năm nay cô ấy hát ở Singapore. Chúng tôi đã đánh mất cơ hội đó”, bà Ip nói tại phiên điều trần hồi tháng 1, kêu gọi chính quyền chủ động trong việc đưa các siêu sao về hòn đảo.
Chính phủ Singapore đã thừa nhận cung cấp một khoản tài trợ để hỗ trợ chuyến lưu diễn của Swift, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về quy mô hoặc các điều kiện kèm theo. Calida Soh, phát ngôn viên của Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên Singapore cho biết: “Do bí mật kinh doanh, chúng tôi không thể chia sẻ thêm thông tin chi tiết”.
Bà Linda Bloss-Baum, cựu giám đốc điều hành âm nhạc và là trợ lý giám đốc Chương trình Kinh doanh và Giải trí tại Trường Kinh doanh Kogod của Đại học Mỹ, nhận định: “Có một điều hơi bất thường là Taylor Swift đến một khu vực rộng lớn như vậy và chỉ biểu diễn ở hai nơi”.
Ngược lại, trong chặng tiếp theo của chuyến lưu diễn ở châu Âu, Swift sẽ ghé qua các thành phố lớn và nhỏ trên khắp lục địa, đến 4 thành phố châu Âu vào tháng 5 và 6 thành phố khác vào tháng 6, bao gồm các thành phố nhỏ hơn ở Vương quốc Anh như Liverpool và Cardiff.
Rất nhiều trong số hơn 300.000 vé được bán ở Singapore nằm trong tay những người hâm mộ nước ngoài bay đến, và các khách sạn, nhà hàng ở đảo quốc sư tử nhanh chóng nắm bắt thời cơ thu lời.
Khách sạn năm sao mang tính biểu tượng của thành phố, Marina Bay Sands, tung ra “Gói những giấc mơ cuồng nhiệt nhất”, bao gồm thời gian lưu trú ba đêm, bốn vé VIP và chuyến đi khứ hồi bằng xe limousine từ sân bay. Chi phí: gần 40.000 USD.
Khách sạn này cho biết hơn 90% khách mua các gói độc quyền đều đến từ nước ngoài. Trang web đặt phòng du lịch agoda cho biết lượng tìm kiếm chỗ ở tại Singapore đã tăng vọt 160 lần so với mức thông thường sau khi đợt bán vé bắt đầu vào mùa hè năm ngoái.
Khi du khách nước ngoài đến, chào đón họ tại Sân bay Changi của Singapore là một sự kiện âm nhạc do các nghệ sĩ cover địa phương dẫn đầu, được gọi là “sự kiện Swifties lớn nhất từ trước đến nay ở Singapore”. Swifties là cách gọi cộng đồng người hâm mộ của Taylor Swift.
Ai cũng muốn có Swift-onomics
Không có lạ khi nhiều nơi còn lại trong khu vực cảm thấy ghen tị với sự may mắn này của Singapore.
“Eras Tour” của Swift đã trở thành động lực lớn cho các thành phố đang tìm cách thoát khỏi tình trạng uể oải hậu Covid-19 của ngành khách sạn. Hiệu ứng này đôi khi được gọi là Swift-onomics, trong khi nó cũng được một số chuyên gia gọi là Taylor-nomics. Một nghiên cứu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội của Colorado đã tăng thêm 140 triệu USD nhờ hai buổi biểu diễn của Swift vào năm ngoái. Chicago và Minneapolis đã phá kỷ lục về công suất phòng khách sạn khi Swift biểu diễn vào năm 2023. Ngay cả những người không có vé cũng đổ xô đến các thành phố diễn ra Eras Tour để được gần gũi với thần tượng của mình.
Nhiều chuyên gia kinh tế bắt đầu nghiên cứu một cách nghiêm túc tác động của các concert nhạc pop gần đây. Mối quan tâm mới về tác động của ngành có thể bắt nguồn từ năm ngoái, khi một nhà kinh tế tại Danske Bank (Đan Mạch) đã xác định “Renaissance World Tour” của Beyoncé ở Stockholm (Thụy Điển) là nguyên nhân khiến lạm phát cao hơn dự kiến, do giá khách sạn và nhà hàng tăng trong bối cảnh lượng người hâm mộ Beyoncé ở Bắc Âu đổ về.
Ngân hàng Nomura ước tính hiệu ứng tổng hòa của 6 buổi hòa nhạc Coldplay vào tháng 1 và 6 buổi hòa nhạc của Taylor Swift vào tháng 3 có thể đóng góp 300 triệu USD vào doanh thu du lịch của Singapore trong quý đầu tiên của năm. Theo Trip.com, lượng đặt chỗ cho các tour du lịch và điểm tham quan ở Singapore đã tăng mạnh.
“Trong khi thương mại vẫn chưa hoàn toàn khởi sắc, Singapore tất bật biến ‘kinh tế hòa nhạc’ thành động lực tăng trưởng mới của mình”, ngân hàng HSBC cho biết.
Tuy nhiên, George Moran, nhà kinh tế châu Âu của Nomura, cho biết ông hoài nghi việc thu hút Swift mang lại một mô hình kinh tế mới. “Là một chiến lược tăng trưởng dài hạn, đó không phải là thứ bạn có thể dựa vào - thu hút các ngôi sao nhạc pop - tôi không nghĩ vậy”, ông bày tỏ quan điểm.
Dù đây có là chiến lược tăng trưởng dài hạn hay không, các doanh nghiệp địa phương vẫn đang thu lợi đáng kể. Cửa hàng bánh ngọt Baker's Brew ở Singapore cho biết họ đã nhận được khoảng 40 hoặc 50 đơn đặt hàng cho các loại bánh ngọt và bánh nướng nhỏ theo chủ đề Taylor-Swift, mới ra mắt cách đây hai tuần. Một chiếc bánh 25 cm với tượng kẹo mềm Taylor Swift có thể ăn được có giá khoảng 225 USD.
Monique Tendencia, Giám đốc tiếp thị và thương mại điện tử của tiệm bánh cho biết: “Đưa concert này về Singapore là một bước đi thông minh. Nhiều người đến đây vì Taylor Swift nhưng họ lại tìm hiểu về thương hiệu bánh của chúng tôi”.
Một Swiftie người Indonesia 22 tuổi đã thất vọng khi biết nữ nghệ sĩ bỏ qua quê hương Jakarta của cô. Audilla Ferialdi quyết định biến nó thành chuyến du lịch Singapore của gia đình. Cô mua vé máy bay giá rẻ cùng bố, mẹ và chị gái.
“Tôi nghĩ ‘Hãy dùng một mũi tên bắn trúng 2 đích”, cô nói. Tổng cộng chi phí khách sạn, nhà hàng, phương tiện đi lại và vé máy bay, cô ước tính gia đình - cùng với một người bạn đi cùng - sẽ đổ khoảng vài nghìn đôla vào nền kinh tế địa phương.