Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), số lượng du khách đến nước này trong tháng 11/2023 là 2,44 triệu người, tăng 2,6 lần so với một năm trước đó và vượt 2 triệu người trong 6 tháng liên tiếp. Số lượng khách du lịch từ tháng 1 đến tháng 11/2023 là 22 triệu lượt.
Một trong những nguyên nhân khiến lượng khách nước ngoài tới Nhật Bản tăng vọt là nhờ tác động của việc đồng Yên xuống giá. Theo tờ Nikkei Asia, trong năm nay, đồng tiền của nước này nhiều lần vượt qua mức "then chốt" 150 Yên/USD, đạt mức thấp kỷ lục. Ngoài ra, đồng Yên cũng đạt mức thấp kỷ lục 111,6 so với đồng đô Singapore (SGD) vào ngày 13/11 – mức thấp nhất kể từ năm 2010, theo công ty dữ liệu tài chính Market Watch.
So với thời điểm đồng Yên giữ giá cao, việc du lịch Nhật Bản không thể coi là một chuyến du lịch "giá rẻ", do mức chi tiêu và mức sống tại đây tương đối cao. Do đó, tận dụng lúc đồng Yên xuống giá, nhiều người đã lựa chọn Nhật Bản là điểm đến, đồng thời cũng không ngại chi tiền cho các dịch vụ trong chuyến đi. Theo dữ liệu của JNTO, số tiền du khách nước ngoài chi tiêu tại Nhật Bản trong quý III năm nay đã vượt mức trước đại dịch và đạt mức cao kỷ lục.
“Ăn theo” lượng khách du lịch, số liệu tháng 11/2023 do Hiệp hội Cửa hàng Nhật Bản công bố cho thấy, doanh số bán hàng miễn thuế hàng tháng đạt mức cao kỷ lục 39,49 tỷ Yên (279 triệu USD) nhờ du khách nước ngoài, gấp 2,3 lần so với cùng tháng năm trước. Takashimaya gần đây cũng đã điều chỉnh tăng dự báo tổng doanh thu hoạt động trong năm tài chính tính đến tháng 2 nhờ chi tiêu mạnh mẽ của khách du lịch nước ngoài. Công ty kỳ vọng thu nhập ròng kỷ lục 30 tỷ Yên, tăng 7,8% so với năm tài chính trước.
Theo một phát ngôn viên Takashimaya, khách du lịch đang mua các mặt hàng cao cấp từ các thương hiệu như Louis Vuitton, Chanel và Hermes vì “đồng Yên yếu khiến việc mua sắm tại Nhật Bản có vẻ như một món hời”. Du khách nước ngoài cũng không phải đóng thuế tiêu dùng của Nhật Bản.
Tương tự, Isetan Mitsukoshi Holdings cũng cho biết doanh số bán hàng miễn thuế của công ty đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng 11/2023 sau khi cũng tăng trong tháng 10/2023, với sự quan tâm đặc biệt cao của người tiêu dùng đối với túi xách, trang sức và đồng hồ hạng sang. Tính đến giữa tháng 12/2023, doanh số bán hàng miễn thuế của Isetan Mitsukoshi Holdings đang trên đà vượt qua doanh số bán hàng từ tháng 11/2023. Công ty dự đoán lợi nhuận ròng là 37 tỷ Yên cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3.
Sự phục hồi của ngành du lịch Nhật Bản cũng khiến lợi nhuận của các công ty dịch vụ bùng nổ. Chẳng hạn, báo cáo tài chính mới nhất của Tokyo Disneyland cho thấy lợi nhuận ròng từ tháng 4 đến tháng 9 đạt 54,5 tỷ Yên (36 triệu USD), lập kỷ lục về lợi nhuận ròng cao nhất trong 40 năm kể từ khi công viên mở cửa. Đồng thời, lợi nhuận ròng của ba công ty đường sắt lớn gồm JR East và JR Tokai cũng tăng gấp 3 lần. Lợi nhuận ròng của hãng hàng không All Nippon Airways tăng 4,8 lần.
Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Nhật Bản dự đoán, với mùa du lịch mùa đông, cùng với các dịp nghỉ lễ năm mới, lượng khách du lịch đến Nhật Bản dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới. Ông Ong Hanjie, giám đốc quan hệ công chúng và truyền thông tại công ty du lịch Singapore EU Holidays, cho biết các câu hỏi và đặt chỗ cho các chuyến tham quan Nhật Bản mà công ty du lịch nhận được hiện nay đều dành cho các kỳ nghỉ lễ cho đến tận tháng 8/2024. “Tôi khuyên những ai có ý định sang Nhật nên lên kế hoạch trước một chút. Nếu không, họ có thể phải chịu chi phí đi lại rất cao và có thể thất vọng. Tôi nhận thấy giá khách sạn ở Nhật Bản có thể tăng hàng ngày”, ông Ong cho hay.
Ông Jeremiah Wong, giám đốc truyền thông tiếp thị cấp cao của Chan Brothers Travel của Singapore, cho biết khi đồng yên chạm mức thấp kỷ lục, công ty của ông đã ghi nhận lượng yêu cầu đặt mua các gói tour đến Nhật Bản trong dịp Tết Nguyên đán và mùa xuân năm 2024 tăng 30%. Ông Wong thông tin tới tờ The Star: chỉ trong 2 tháng cuối năm 2023, lượng khách du lịch đến Nhật Bản đã tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022.
“Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đối với các quyết định du lịch là không thể phủ nhận, giúp du khách tăng sức mua đối với thực phẩm, mua sắm và các chi phí khác ở nước ngoài. Mặc dù sự gia tăng này không thể chỉ do đồng Yên yếu hơn vì Nhật Bản từ lâu đã trở thành điểm đến mùa đông hàng đầu của người Singapore, nhưng đồng Yên yếu hơn lại đóng vai trò như một động lực bổ sung”, ông Wong cho hay.
Trước tình hình này, tháng trước, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận phương án điều chỉnh luật liên quan đến miễn thuế tiêu dùng chủ yếu đối với người nước ngoài đến Nhật Bản du lịch hoặc công tác trong thời gian ngắn. Nỗ lực này là nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách miễn thuế thông thoáng để mua hàng giá rẻ sau đó quay vòng bán lại nội địa, gây thất thu thuế của chính phủ.
Hiện tại, có khoảng 53.000 cửa hàng trên khắp đất nước Nhật Bản được phép bán hàng miễn thuế, tăng gấp 10 lần so năm 2013. Cùng với việc đồng yen Nhật thấp và các biện pháp kiểm soát biên giới đã được dỡ bỏ hoàn toàn, nhu cầu mua hàng miễn thuế của du khách quốc tế đang gia tăng nhanh chóng. Điều này đòi hỏi sự cần thiết phải có một giải pháp kiểm soát hiệu quả để tránh tình trạng thất thu thuế tiêu dùng.
Dù vậy, cũng có ý kiến cho rằng, việc thắt chặt các quy định về mua hàng miễn thuế, bao gồm kiểm tra toàn bộ sản phẩm trước khi xuất cảnh sẽ gây thêm phiền toái và làm giảm tính hấp dẫn của thị trường du lịch Nhật Bản vốn đang trên đà phục hồi mạnh mẽ từ sau đại dịch Covid-19.