Vĩ mô

Dự báo kinh tế châu Á 2024: Nhiều nước nới lỏng tiền tệ, Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm, Trung Quốc chậm phục hồi

Bước sang năm 2024, các nhà đầu tư châu Á đổ dồn quan tâm vào các nỗ lực phục hồi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Bên cạnh đó, khả năng hạ lãi suất tại nhiều nền kinh tế châu Á và việc liệu Nhật Bản có tăng lãi suất hay không cũng nhận được sự quan tâm lớn...

Ảnh minh họa: Nikkei/Reuters

Trong báo cáo triển vọng thị trường năm 2024, ngân hàng Nhật Bản Nomura Holdings nhận định kinh tế châu Á sẽ sớm khởi sắc trong năm nay với tăng trưởng tốt hơn nhờ sự phục hồi của ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, ngân hàng này cũng cảnh báo châu Á có thể đối mặt với nửa cuối năm 2024 thách thức hơn khi “suy thoái kinh tế Mỹ xảy ra”. Trong khi đó, ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs dự báo các nền kinh tế châu Á có thể tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho tới tháng 3/2024, trước khi bắt đầu nới lỏng.

Dưới đây là một số dự báo về kinh tế và thị trường châu Á năm 2023, theo tổng hợp của tờ Nikkei Asia.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản tiếp tục phục hồi

Năm 2023, thị trường chứng khoán Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ với chỉ số chứng khoán Nikkei lập kỷ lục 33 năm. Xu hướng phục hồi được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài sang năm nay nhờ lạm phát ở mức vừa phải, lương tăng, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài ổn định, lợi nhuận doanh nghiệp cao và các cải cách trong quản trị doanh nghiệp tại Nhật.

Nguồn: QUICK/Nikkei Asia

Theo Nikkei Asia, các nhà phân tích đang ngóng tin từ các cuộc đàm phán lương diễn ra vào mùa xuân hàng năm bởi việc tăng lương sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm và dịch vụ, từ đó đẩy lợi nhuận tăng lên.

Với các nhà đầu tư tại Nhật Bản, câu hỏi liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm trong năm nay – và nếu có thì khi nào – nhận được sự quan tâm lớn.

“Việc chấm dứt chính sách lãi suất âm, kết quả của việc thoát khỏi giảm phát, là tin tốt đối với thị trường chứng khoán Nhật Bản”, nhóm chiến lược gia về chứng khoán Nhật tại J.P. Morgan nhận định trong một báo cáo vào tháng 12 năm ngoái.

Nhóm chiến lược gia dự báo Chỉ số giá chứng khoán Tokyo (TOPIC) chạm ngưỡng 2.500 điểm vào cuối năm 2024 và kết thúc năm ở mức 2.650 điểm, còn chỉ số Nikkei đạt 35.000 điểm.

Nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm tới tác động của việc đồng Yên mạnh lên – khi lãi suất tăng – bởi năm qua nhiều cổ phiếu xuất khẩu được hưởng lợi từ việc đồng Yên mất giá. Tuy nhiên, MUFG Morgan Stanley nhận định tác động này sẽ không lớn nếu nhìn vào những tiền lệ trước đây.

“Chứng khoán Nhật Bản từng tăng điểm khi đồng Yên tăng giá so với USD và tỷ giá Yên-USD không tác động đáng kể tới Chỉ số giá chứng khoán Tokyo”, MUFG Morgan Stanley nhận định trong báo cáo vào tháng 12/2023.

Nhiều nền kinh tế châu Á hạ lãi suất

Trong khi Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa từ năm ngoái, nhiều nền kinh tế châu Á khác được dự báo sẽ “nối gót” với việc hạ lãi suất trong năm nay.

Goldman Sachs dự báo ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn so dự báo trước đó. Hiện ngân hàng này dự báo Mỹ sẽ hạ lãi suất “tương đối sớm” trong năm nay.

“Indonesia, Đài Loan và Hàn Quốc sẽ bắt đầu hạ lãi suất trong quý 2, theo sau là Ấn Độ, Australia và New Zealand vào quý tiếp đó”, các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo trong một báo cáo gần đây.

Goldman Sachs dự báo ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế mới nổi châu Á sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sớm hơn so dự báo trước đó - Ảnh: Bloomberg

Trong một báo cáo khác, ngân hàng Mỹ dự báo Nhật Bản có thể chính thức chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 10/2024.

Trong khi đó, báo cáo triển vọng đầu tư năm 2024 của Invesco nhận định Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm lãi suất 0,1 điểm phần trăm trong vài tháng tới, và Bắc Kinh sẽ tung thêm các biện pháp kích thích tài khóa.

Về thị trường trái phiếu châu Á, Nikko Asset Management dự báo thị trường này sẽ thu hút vốn mạnh trong năm 2024.

“Năm 2024 có thể là năm mang lại lợi nhuận cao và biến động ít hơn đối với trái phiếu chính phủ châu Á, khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ ổn định hơn và bắt đầu giảm”, báo cáo triển vọng kinh tế năm 2024 của Nikko Asset Management viết. “Trái phiếu chính phủ Ấn Độ có thể được hưởng lợi khi được đưa vào Chỉ số Trái phiếu Chính phủ JPMorgan - Các thị trường mới nổi tháng 6 năm nay”.

Trước đó, Goldman Sachs dự báo việc được đưa vào chỉ số trên có thể giúp thị trường trái phiếu Ấn Độ thu hút hơn 40 tỷ USD trong vòng 1 năm rưỡi. Trong khi đó, trái phiếu chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ được đưa vào Chỉ số phiếu chính phủ thế giới FTSE Russell trong đợt đánh giá vào tháng 9 năm nay. Việc này được dự báo sẽ mang lại cho thị trường này khoảng 60 tỷ USD.

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục chậm phục hồi

Nomura nhận định con đường phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn nhiều chông gai trong năm mới dù Bắc Kinh đã tung ra một loạt biện pháp kích thích tăng trưởng. Ngân hàng này cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt một đợt sụt giảm tăng trưởng nữa vào mùa xuân.

Theo khảo sát với 25 nhà kinh tế của Nikkei, Nikkei Asia và Nikkei Quick News, các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc đạt 4,6% trong năm nay, tương đương với dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Con số này giảm so với mức tăng trưởng dự báo 5,2% của năm 2023.

Invesco dự báo thị trường bất động sản Trung Quốc diễn biến theo hình chữ L (đi ngang) trong năm 2024 - Ảnh: Bloomberg

Ngân hàng Morgan Stanley của Mỹ cũng cho rằng tăng trưởng GDP danh nghĩa của Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực.

“Trước tiên, chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức trong việc quản lý tổng cầu và áp lực lạm phát do việc giảm đòn bẩy tài chính của các chính quyền địa phương cũng như bảng cân đối kế toán của các doanh nghiệp bất động sản”, ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Morgan Stanley, nói trong một chương trình phát thanh vào tháng 12 năm ngoái. “Dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, bao gồm việc phát hành 1.000 tỷ Nhân dân tệ (140 tỷ USD) trái phiếu chính phủ vào cuối tháng 10, những thách thức từ việc giảm đòn bẩy tài chính sẽ rất lớn, do đó con đường phía trước vẫn rất chông gai”.

Về thị trường bất động sản, Invesco cho rằng vẫn chưa xuất hiện các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường này.

“Chúng tôi dự báo thị trường bất động sản Trung Quốc diễn biến theo hình chữ L (đi ngang) trong năm 2024, do tình trạng yếu kém vẫn tiếp diễn và tồn kho vẫn ở mức cao kỷ lục tại các thành phố cấp thấp. Đó là chưa kể tới việc các kênh tái cấp vốn của các nhà phát triển bất động sản tư nhân vẫn đang bị thắt chặt”, Invesco cho biết trong báo cáo triển vọng đầu tư năm 2024.

Cảnh báo về một đợt suy giảm kinh tế mới vào mùa xuân, Nomura cho rằng năm 2024 sẽ là “năm bước ngoặt thực sự đối với Trung Quốc”.

“Doanh số nhà mới vẫn ở mức thấp. Chúng tôi cho rằng sau mùa xuân năm 2024, Bắc Kinh có thể hỗ trợ tài chính cho các công ty phát triển bất động sản lớn để họ bàn giao nhà 'đã bán nhưng chưa hoàn thiện'. Đây sẽ là động thái đánh dấu bước ngoặt thực sự với thị trường bất động sản Trung Quốc”, ngân hàng Nhật Bản nhận định.

Link bài gốcLấy link
https://vneconomy.vn/du-bao-kinh-te-chau-a-2024-nhieu-nuoc-noi-long-tien-te-nhat-ban-cham-dut-lai-suat-am-trung-quoc-cham-phuc-hoi.htm