Ảnh: Bloomberg

Du lịch

Du khách Trung Quốc đã sẵn sàng 'mở hầu bao' tại Đông Nam Á

Du khách Trung Quốc đang dần quay trở lại Thái Lan sau một thời gian dài vắng bóng. Trong đó có những người chưa từng đặt chân đến Đông Nam Á. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực của sự phục hồi du lịch trong khu vực...

Cuối tháng 2, tại điểm du lịch Tha Phae có niên đại từ thế kỷ 16 tại Chiang Mai, nhiều KOL người Trung Quốc đã xuất hiện và livestream tường thuật chuyến du lịch của họ. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, các hướng dẫn viên du lịch quanh Cung điện Hoàng gia tại Bangkok cũng cho biết nhìn thấy nhiều nhóm khách Trung Quốc ghé thăm. Họ đi theo nhóm nhỏ nhưng chi tiêu phóng khoáng.

Theo bài viết được đăng tải gần đây, SCMP trích dẫn lời ông Picharnyut Rodjananon, 44 tuổi, nhiếp ảnh gia Thái Lan cho biết: “Năm nay là năm tốt nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra vì có nhiều khách du lịch Trung Quốc đến hơn và họ chi tiêu nhiều hơn. Họ không mặc cả hay phàn nàn, họ chỉ muốn chụp thêm nhiều ảnh".

Theo dữ liệu từ Tổng cục Du lịch Thái Lan, số lượng khách du lịch Trung Quốc trong kỳ nghỉ lễ ở mức gần 244.000, vượt dự báo và tăng hơn 6 lần so với năm 2023. Chi tiêu khoảng 8,6 tỉ baht (239 triệu USD) so với 1,3 tỉ baht vào năm 2023. Chính phủ Thái Lan đang hướng tới mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm nay với các động thái như miễn thị thực song phương, giảm giá vé máy bay...

Theo nền tảng du lịch trực tuyến LY.com, khách du lịch Trung Quốc tận dụng cơ hội miễn thị thực mới đến Thái Lan, Malaysia và Singapore trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 8 ngày, khiến lượng đặt phòng cao gấp 9 lần so với cùng tết năm trước. Alipay cũng cho biết, chi tiêu ở Singapore, Thái Lan và Malaysia cộng lại trên nền tảng thanh toán di động Alipay của Trung Quốc đã tăng 7,5% trong khoảng thời gian từ ngày 9 đến 12/2 so với mức của năm 2019 và gần gấp 7 lần so với năm ngoái.

Chính phủ Thái Lan đang hướng tới mục tiêu thu hút 8 triệu lượt khách Trung Quốc trong năm nay.

Malaysia đặt mục tiêu đón 27,3 triệu lượt khách quốc tế năm nay. Tính riêng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Malaysia đón 100.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và đã chi tiêu 1,5 tỉ RM (312,66 triệu USD) ở nước này. Campuchia cũng đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Công viên khảo cổ Angkor. Báo cáo cho biết 16.074 du khách Trung Quốc đã tới thăm Angkor trong hai tháng đầu năm nay, tăng 140% so với 6.690 du khách cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà kinh tế tại HSBC cho biết trong một báo cáo nghiên cứu vào tháng trước rằng, "công dân Trung Quốc vẫn sẵn sàng chi tiêu cho những trải nghiệm liên quan đến du lịch" bất chấp "những cơn gió ngược kinh tế vĩ mô" ở trong nước. Báo cáo nhấn mạnh: "Chúng tôi nghĩ rằng chi tiêu liên quan đến du lịch có thể tiếp tục vượt xa… mức tiêu dùng nội địa nói chung".

Trên Jing Daily, các chuyên gia phân tích dữ liệu kinh doanh về ngành du lịch dự báo sự phục hồi của du lịch của khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục vào năm 2024 và đạt gần mức trước đại dịch năm 2019. Đặc biệt, thống kê lượng khách du lịch toàn cầu đến châu Á - Thái Bình Dương từ ngày 23/12/2023 đến ngày 6/1/2024, ForwardKeys cho biết các hãng hàng không VietJet Air, Air Asia và Thai Air Asia đã vượt quá công suất ghế năm 2019 lần lượt là 105%, 6% và 27%.

Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Malaysia đón 100.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Gary Bowerman, giám đốc công ty phân tích du lịch Check-in Asia có trụ sở tại Kuala Lumpur, Malaysia, cho biết năm 2024 lượng khách Trung đi du lịch "chắc chắn mạnh mẽ hơn" và các xu hướng đi du lịch sẽ gồm du lịch theo nhóm, các cặp vợ chồng trẻ, khách doanh nhân. "Du lịch đêm và nền kinh tế đêm là điều cần phải suy nghĩ nghiêm túc", ông Bowerman nói. “Khách du lịch Gen Z muốn những thứ để làm, tham gia các trải nghiệm chứ không đơn giản là đi chơi”.

Giám đốc công ty Easy Going Travel Services tại bang Tây Australia, Johnny Nee, cho biết, trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024, hoạt động kinh doanh của công ty ông chỉ phục hồi 40% so với mức trước đại dịch. Là một công ty chuyên phục vụ các “tour” du lịch cho khách Trung Quốc, ông Nee chia sẻ Singapore, Thái Lan và Malaysia đã chứng kiến số lượng du khách từ thị trường lớn nhất châu Á tăng vọt, đi kèm với đó là mức chi tiêu vượt quá cả thời điểm trước đại dịch.

Điều này có được là nhờ chính sách miễn thị thực mà các quốc gia này đã áp dụng cho khách Trung Quốc và lợi thế chi phí đi lại, dịch vụ ăn uống, vui chơi… rẻ hơn. Giám đốc điều hành ATEC, Peter Shelley, cho biết thông thường kỳ nghỉ lễ lớn nhất năm của Trung Quốc sẽ là thời điểm bận rộn của ngành du lịch Australia, đóp góp đáng kể vào nguồn doanh thu toàn ngành và các doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, sự chuyển hướng của khách Trung Quốc sang các điểm đến Đông Nam Á đang khiến ngành du lịch tại quốc gia châu Đại dương chậm thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch.

Campuchia cũng đã ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Công viên khảo cổ Angkor.

Ngoài các điểm đến truyền thống ở Đông Nam Á, người Trung Quốc còn lùng sục những chuyến phiêu lưu mới, trong đó Trung Đông là điểm đến Tết Nguyên đán nổi tiếng, với lượng du khách đến Arab Saudi tăng hơn 9 lần so với mức năm 2019 và lượng đặt chỗ tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 60%.

Trong khi đó, trung tâm cờ bạc Macau, nơi duy nhất ở Trung Quốc mà công dân có thể đánh bạc hợp pháp đã đón hơn một triệu khách du lịch Trung Quốc đại lục trong kỳ nghỉ lễ, với tỷ lệ lấp đầy khách sạn trung bình đạt 95%. Dự kiến tổng doanh thu trò chơi hàng ngày sẽ đạt 124 triệu USD, lần đầu tiên sau hơn 4 năm - cao hơn mức 112 triệu USD được tạo ra trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng tháng 10/2023.

Sự thay đổi trong thị hiếu kỳ nghỉ của thị trường lớn này đã được phản ánh trong một số dữ liệu khi khách du lịch tìm kiếm các chuyến đi dựa trên trải nghiệm nhiều hơn, trong đó Alipay báo cáo rằng khách Trung Quốc trên toàn cầu đã chi tiêu nhiều hơn 70% cho thực phẩm và đồ uống so với mức trước đại dịch.

Tuy không dẫn đầu danh sách quan tâm của khách Trung Quốc, dữ liệu của Agoda cũng ghi nhận trong dịp Tết Nguyên Đán, lượng tìm kiếm của khách Trung Quốc về du lịch Việt Nam đã bằng 95% so với trước đại dịch. Từ tháng 1/2023 đến nay, các điểm đến ở Việt Nam được du khách Trung Quốc quan tâm lần lượt là TP.HCM, Hà Nội, Nha Trang, Phú Quốc và Đà Nẵng.

Link bài gốcLấy link
https://vneconomy.vn/du-khach-trung-quoc-da-san-sang-mo-hau-bao-tai-dong-nam-a.htm