Đông Nam Á là một trong những khu vực có nền du lịch phát triển nhanh nhất trên thế giới. Trong một thập kỷ qua, ngành du lịch tại khu vực này có những chuyển biến tích cực, song cũng gặp không ít khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19. Giờ đây, ngành du lịch có những bước tiến phục hồi mạnh mẽ.
2014 - 2019
Với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, di sản lịch sử phong phú và văn hóa đa dạng, Đông Nam Á trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với du khách từ khắp nơi trên thế giới. Ngành du lịch tại khu vực này đã phát triển mạnh mẽ trước đại dịch Covid-19 với một sự tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn 2014-2019.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UN WTO - United Nation World Tourism Organization), lượng du khách đến Đông Nam Á tăng từ 96,6 triệu vào năm 2014 lên khoảng 139 triệu vào năm 2019.
Tính riêng trong năm 2019, Philippines thu hút 8,2 triệu du khách nước ngoài, Indonesia là 15,5 triệu và Singapore là điểm đến của hơn 15,1 triệu khách. Đứng đầu trong khu vực là Thái Lan với 39,7 triệu du khách quốc tế.
Ngành công nghiệp không khói chiếm khoảng 12,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đông Nam Á và tạo ra công ăn việc làm cho khoảng 42 triệu người lao động. Đáng chú ý, phần lớn trong số này là phụ nữ làm việc cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho ngành du lịch, theo báo cáo tháng 5/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á.
▸ Chính sách visa linh hoạt
Giải thích cho sự phát triển đáng kể này là chính sách visa linh hoạt và các thỏa thuận hàng không giữa các quốc gia trong khu vực. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, mở ra cơ hội du lịch giữa các quốc gia và thúc đẩy giao lưu văn hóa.
Một ví dụ điển hình là chương trình miễn visa của Thái Lan. Trong nỗ lực thúc đẩy du lịch, Thái Lan đã triển khai chương trình miễn visa cho công dân của 21 quốc gia và vùng lãnh thổ từ ngày 15/11/2018 đến 31/10/2019, tiết kiệm cho du khách 2.000 baht (khoảng 65 USD) và cho phép lưu trú tới 15 ngày.
▸ Hàng không giá rẻ, kết nối nhiều điểm đến
Các thỏa thuận hàng không cũng đã được cải thiện, như việc ký kết nghị định thư số 3 vào ngày 15/11/2019 dưới Hiệp định Vận tải Hàng không giữa các Quốc gia Thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Điều này đã tăng cường kết nối và mở rộng tuyến đường bay mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển và kích thích du lịch trong khu vực.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận sự phát triển của các hãng hàng không giá rẻ, giảm chi phí đi lại và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch.
Theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á vào tháng 5/2023, Đông Nam Á có tổng cộng 21 hãng hàng không giá rẻ, vận chuyển gần 220 triệu hành khách vào năm 2019, chiếm khoảng 55% tổng số hành khách trong khu vực.
Trong số các hãng hàng không giá rẻ tại Đông Nam Á, AirAsia là một trong những hãng nổi tiếng và thành công nhất, phục vụ 84 triệu hành khách vào năm 2019, chiếm 21% tổng lưu lượng vận chuyển trong khu vực. Theo sau là Lion Air với 15% thị phần.
2020 - 2021
Năm 2020 và 2021 là thời kỳ đặc biệt khó khăn đối với ngành du lịch Đông Nam Á do sự lan rộng của đại dịch Covid-19.
Đầu tiên, vào tháng 3/2020, khi số ca nhiễm tăng đột ngột, Philippines đã đưa ra biện pháp quyết liệt nhất bằng việc áp đặt lệnh phong tỏa trên thủ đô Manila, nơi có hơn 12 triệu dân. Mọi hoạt động di chuyển từ và đến thủ đô này, bao gồm cả hàng không, biển và đường bộ nội địa, đều bị tạm ngừng.
Tiếp theo là Malaysia, khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin ra lệnh cấm tất cả người dân Malaysia rời khỏi nước và không cho phép du khách hoặc người nước ngoài nào nhập cảnh vào Malaysia.
Các quốc gia khác ở Đông Nam Á như Singapore, Myanmar và Campuchia cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo thông tin từ tạp chí Economist, so với năm 2019, lượng khách quốc tế đến Đông Nam Á đã giảm đáng kể, lần lượt là 82% vào năm 2020 và 98% vào năm 2021.
2022
Sau đại dịch, ngành du lịch Đông Nam Á được xem là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Khi vaccine đã được triển khai trên toàn thế giới, cuộc đua để khôi phục ngành du lịch trong khu vực trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Trong năm 2022, nhiều quốc gia đã áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi du lịch sau đại dịch. Ví dụ, Thái Lan đã tái khởi động chương trình "Test & Go" từ tháng 2, cho phép du khách nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ chỉ cần ở lại một đêm tại khách sạn trong khi chờ kết quả xét nghiệm Covid-19. Chương trình này được mở rộng cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Philippines cũng mở cửa lại cho du khách nước ngoài đã tiêm vaccine từ 157 quốc gia và vùng lãnh thổ có thỏa thuận miễn thị thực. Singapore mở rộng chương trình du lịch miễn cách ly tới một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Hong Kong, Qatar, Saudi Arabia và UAE từ ngày 22/2.
Indonesia đã triển khai chương trình thử nghiệm miễn cách ly cho du khách quốc tế tới Bali từ ngày 7/3.
Malaysia đã mở cửa biên giới hoàn toàn và coi Covid-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/4, cho phép du khách quốc tế đã tiêm vaccine và có chứng nhận PCR âm tính nhập cảnh mà không cần phải cách ly.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, các thị trường trong khu vực như Campuchia, Singapore, Malaysia và Thái Lan đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể về lượng khách quốc tế.
Campuchia đã đón khoảng 35,9 nghìn lượt khách, tăng 12.100%; Singapore đón 33,7 nghìn lượt (+7.925%); Malaysia đón 22,3 nghìn lượt (+3.178,4%); và Thái Lan đón 22,0 nghìn lượt (+1.430,3%) so với một năm trước đó.
2023 - 2024
Theo hãng tin The Nation, năm 2023, Thái Lan dẫn đầu trong khối ASEAN với số lượng du khách nước ngoài với 28,09 triệu khách, tiếp theo là Singapore (12,37 triệu), Việt Nam (12,06 triệu), Campuchia và Philippines đều đón khoảng 5,45 triệu lượt du khách và Brunei nhận 82.109 lượt du khách.
Sự tăng trưởng của lượng khách du lịch đến Đông Nam Á trong năm 2023 có một số nguyên nhân chính.
Đầu tiên là chính sách miễn thị thực cho du khách Trung Quốc. Trong năm 2019, du khách Trung Quốc chiếm hơn 1/4 tổng số du khách đến Thái Lan và là nhóm du khách chi tiêu mạnh nhất tại Singapore với 3 tỷ USD.
Cũng trong năm 2019, Bali - điểm đến nổi tiếng của Indonesia - thu hút 1,2 triệu du khách Trung Quốc, minh chứng cho sự quan trọng của thị trường khách du lịch Trung Quốc đối với Đông Nam Á.
Theo Reuters, chính sách miễn thị thực cho du khách Trung Quốc của các nước Đông Nam Á sẽ thúc đẩy lượng du khách và báo hiệu một sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch.
Theo dữ liệu từ trang web du lịch Trip.com, từ 10-17/2, số lượng du khách Trung Quốc đặt chỗ đến Singapore, Thái Lan và Malaysia đã tăng hơn 30% so với năm 2019. Vào dịp Tết Nguyên Đán, các cơ quan du lịch Thái Lan cho biết gần 30.000 du khách Trung Quốc đến nước này mỗi ngày.
Ngoài ra, việc đặt phòng khách sạn trong khoảng thời gian ngày 10-13/2 tại Bangkok đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi ở Singapore, số lượng đặt phòng đã tăng gấp 9 lần, theo nền tảng du lịch LY.com.
Thứ hai là các chính phủ trong khu vực ASEAN đang dành nhiều sự chú ý hơn vào ngành du lịch nhằm thúc đẩy kinh tế.
▸ Thái Lan
Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự kiến tiếp tục phát triển ngành du lịch với mục tiêu đạt tổng doanh thu 3.500 tỷ baht vào năm 2024. Trong đó, dự kiến thu được 2.500 tỷ baht từ du khách quốc tế và 1.000 tỷ baht từ du khách trong nước.
TAT cũng đặt kỳ vọng vào việc phục hồi thị trường du lịch Trung Quốc vào năm 2024, với mục tiêu thu hút 8,2 triệu lượt du khách Trung Quốc và thu nhập 450 tỷ baht.
Mặc dù đạt được con số tăng trưởng khá ấn tượng, chỉ có khoảng 3,5 triệu du khách Trung Quốc đến Thái Lan vào năm 2023, theo SCMP.
TAT cũng đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bằng cách tập trung vào việc phát triển các thị trường đa dạng, đặc biệt là Malaysia, Ấn Độ, Nga và Đài Loan, cũng như các thị trường mới nổi và tiềm năng khác.
▸ Indonesia
Chính phủ Indonesia cũng chuẩn bị thành lập một Quỹ Du lịch với mục tiêu khởi đầu là 2.000 tỷ rupiah (khoảng 129 triệu USD) trong năm đầu tiên, được tài trợ hoàn toàn từ ngân sách quốc gia. Mục đích của quỹ này là hỗ trợ các sự kiện du lịch và quảng bá thương hiệu quốc gia.
Ông Sandiaga Uno, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, cũng đã cam kết rằng chính phủ sẽ phân bổ nguồn lực cho các sự kiện đủ điều kiện trong năm 2024, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả địa phương và toàn quốc.
▸ Singapore
Mới đây, hôm 25/1, Singapore và Trung Quốc đã ký thỏa thuận miễn thị thực hai chiều cho công dân của hai nước, có thời hạn là 30 ngày. Điều này mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai quốc gia.
Trong năm 2024, Sở Du lịch Singapore (STB) kỳ vọng doanh thu du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững nhờ vào việc nâng cấp mạng lưới hàng không và chính sách visa chiến lược. Dự kiến Singapore sẽ đón khoảng 15-16 triệu du khách và đạt mức doanh thu du lịch ước tính 26-27,5 tỷ SGD.
Đồng thời, hàng loạt concert sẽ được tổ chức tại Singapore để thu hút du khách quốc tế, bao gồm chuyến lưu diễn thế giới "H.E.R" của IU vào tháng 4, Live concert 2024 của Bruno Mars, cũng như chuyến lưu diễn đầu tiên tại châu Á của CNBLUE sau 7 năm.
Gần đây nhất, trong tháng 3, show diễn duy nhất của nữ ca sĩ người Mỹ Taylor Swift tại khu vực Đông Nam Á đang tạo ra sức mạnh kinh tế và làm "náo loạn" trên thị trường vé máy bay và các cơ sở lưu trú tại Singapore.
▸ Malaysia
Theo SCMP, năm 2023, số lượng du khách Trung Quốc đến Malaysia chỉ đạt khoảng 1,5 triệu du khách, ít hơn một nửa so với số 3,1 triệu người đã đến vào năm 2019.
Trong dịp Tết Nguyên Đán năm nay, lượng khách du lịch đến Malaysia đã tăng 53,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ chính sách miễn thị thực cho du khách từ Trung Quốc và Ấn Độ từ ngày 1/12/2023.
Cách đây không lâu, vào ngày 19/2, Malaysia đã mở thêm một đường bay thẳng mới từ Batam đến Kuala Lumpur, dự kiến sẽ thúc đẩy hơn nữa lượng khách du lịch từ Indonesia tới Malaysia. Nước này cũng tự tin đón 27,3 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2024.
▸ Lào
Tại Lào, chiến dịch Năm Du lịch Lào 2024 được khởi động với chủ đề "Thiên đường văn hóa, thiên nhiên và lịch sử". Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã kêu gọi sự hợp tác trên toàn quốc để tổ chức Năm Du lịch Lào 2024, với mong muốn hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Ông Sonexay Siphandone nhấn mạnh: "Đây là cơ hội để giới thiệu văn hóa và truyền thống phong phú của Lào với thế giới, tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách".
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào, Suanesavanh Vignaket, cũng nêu rõ rằng sự kiện này cũng là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế. Lào kỳ vọng sẽ thu hút ít nhất 2,7 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2024, tạo ra doanh thu ước tính khoảng 401 triệu USD.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.
> Xem thêm: Sách cho người xê dịch
Du lịch Đông Nam Á Du lịch Đông Nam Á Thái Lan Indonesia Malaysia Singapore ASEAN