Ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt trong thời gian qua.
Giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã có mức tăng trưởng khoảng 3 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, chiếm khoảng 3,5% tổng sản phẩm quốc gia (GNP). Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy ngành du lịch Việt Nam đang tăng trưởng và phát triển.
Thái Lan vốn là điểm du lịch nổi tiếng và quan trọng của khu vực châu Á. Tuy nhiên, ngành du lịch chỉ đóng góp khoảng 2,4% cho nền kinh tế quốc gia. Tôi chắc chắn rằng du lịch Việt Nam có khả năng vượt lên Thái Lan trong thời gian tới.
Nhân tố mới trên đường đua
Thái Lan từ lâu đã được biết đến với hình ảnh một điểm đến du lịch. Thậm chí, nhiều người còn coi đây là chuẩn mực của sự hiếu khách ở các nước châu Á. Xứ chùa Vàng đã tận dụng điều này và làm rất tốt việc quảng bá du lịch trong nhiều năm.
Việt Nam lại là nhân tố mới gia nhập đường đua du lịch. Tuy nhiên, chúng ta đang học hỏi rất tốt việc làm du lịch, xây dựng hình ảnh từ các nước láng giềng. Song, du lịch Việt Nam cũng đang tận dụng nhiều công nghệ và phương tiện truyền thông như một hình thức quảng bá.
Điểm đặc biệt và quan trọng nhất là Việt Nam hiểu rõ những lợi thế của mình trong công cuộc phát triển ngành công nghiệp không khói.
Minh chứng rõ ràng nhất có thể thấy là ngày càng nhiều điểm đến thăng hạng trong mắt bạn bè quốc tế, từ vịnh Hạ Long đến đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương - hay những bãi biển hoang sơ ở Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng và các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Điều này càng thể hiện được tiềm năng du lịch của Việt Nam và tôi hoàn toàn chắc chắn rằng việc Việt Nam vượt qua Thái Lan chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tuy là người đến muộn trong cuộc chơi du lịch, Việt Nam lại đang biết cách mở rộng và phát huy nhiều thế mạnh hơn nữa. Trong khi đó, du lịch Thái Lan đã phần nào bị đình trệ.
Nhiều hệ thống khách sạn quốc tế như IHG, Marriot và Accor đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam khi đã mở loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp. Đây sẽ trở thành một lợi thế cho ngành du lịch.
Nhiều lợi thế chưa phát huy
Theo tôi, Việt Nam vẫn có thể học hỏi cách Thái Lan làm du lịch ở một số khía cạnh như thời tiết nắng ấm (sun), du lịch biển (sea), mua sắm (shopping), các chương trình biểu diễn (show) và dịch vụ (service).
Xét về hai yếu tố sun và sea, Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.200 km cùng nhiều bãi biển đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển hơn nữa.
Tiếp theo là khía cạnh shopping. Với việc các trung tâm thương mại quốc tế thành lập cửa hàng tại Việt Nam và sự đa dạng của các sản vật địa phương nổi tiếng như đồ sơn mài, thủ công mỹ nghệ, Việt Nam không khó để xây dựng khía cạnh này.
Đặc biệt, Việt Nam sở hữu nền văn hóa đa dạng, có thể được biểu lộ qua các màn trình diễn truyền thống độc đáo (show).
Thái Lan chắc chắn mang đến sự hiếu khách hơn nhờ văn hóa dịch vụ sẵn có. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không thua kém. Với nhiều trường đại học nước ngoài và quốc tế cung cấp ngành học liên quan tới khách sạn quốc tế, tôi dự đoán người Việt Nam sẽ hướng đến dịch vụ (service) nhiều hơn khi làm du lịch.
Khía cạnh du lịch tình dục (sex) chắc chắn được loại trừ. Đây không phải là hình ảnh mà Việt Nam muốn định hình và bán cho du khách tiềm năng.
Cần kế hoạch phát triển
Việc Thái Lan áp dụng thu phí khách quốc tế từ tháng 6 sẽ không làm cản trở đến việc phát triển du lịch của quốc gia này.
Tuy nhiên, cũng cần xem xét rằng dịch vụ du lịch của xứ chùa Vàng đã trở nên bình thường hóa trong những năm qua. Điều này khiến du khách không còn thấy hứng thú khi quay lại Thái Lan.
Du khách luôn tìm kiếm điểm đến tiếp theo và sự mới lạ của những nơi này. Việt Nam chắc chắn phù hợp với những khách du lịch muốn khám phá sự mới mẻ về các điểm tham quan, văn hóa và cả ẩm thực.
Tôi tin rằng một chiến lược tốt cho du lịch Việt Nam ở thời điểm hiện tại là cho phép khách du lịch thoải mái đến đây mà không cần trả phí.
Hãy để họ trải nghiệm lòng hiếu khách của Việt Nam và xây dựng nhóm du khách quen. Cơ quan quản lý cần liên tục theo dõi và đánh giá lượng khách du lịch quay trở lại.
Khi Việt Nam đã phát triển được tệp khách yêu mến nhất định, Việt Nam sẽ dần thay thế Thái Lan trở thành quốc gia hiếu khách tiêu biểu châu Á. Đạt được điều này, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng phí du lịch với du khách quốc tế. Khi đó, mọi người sẽ không xem đây là rào cản so với trải nghiệm tuyệt vời mà họ được tận hưởng tại nước ta.
Tại thời điểm này, du lịch Việt Nam có thể hướng đến đối tượng du khách đang tìm kiếm trải nghiệm chân thực, mộc mạc và gần gũi với thiên nhiên.
Đối với nhóm khách cao cấp, Việt Nam cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đạt chất lượng quốc tế như các nhà hàng đạt sao Michelin, trung tâm mua sắm và bán lẻ cao cấp, sân golf đẳng cấp thế giới và công viên giải trí...
Việt Nam cũng cần sở hữu một nền văn hóa coi trọng dịch vụ và thành thạo tiếng Anh (ngôn ngữ kinh doanh của thế giới). Ở thời điểm hiện tại, có thể Việt Nam chưa sở hữu những điều đó, tuy nhiên Chính phủ và các công ty tư nhân đã có nhiều bước tiến lớn. Chỉ bằng cách đó, Việt Nam mới có thể nắm bắt được thị trường cao cấp và thu được nhiều tiền hơn từ du lịch.