Lexis Czumak-Abreu từng có giấc mơ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng. Mẹ cô, một nhân viên trợ lý bác sĩ, đã truyền cảm hứng cho con gái theo học ngành dự bị y khoa với mục tiêu trở thành bác sĩ phẫu thuật.
Tuy nhiên, sau trải nghiệm thực tập lấy máu tại bệnh viện, Lexis Czumak-Abreu nhận ra đây không phải con đường phù hợp.
"Tôi nhận ra mình không phải người khéo giao tiếp và không phù hợp với môi trường bệnh viện. Dù tôi giao tiếp tốt nhưng bản chất lại khá hướng nội, thích làm việc độc lập", Gen Z chia sẻ. Cô gái sống tại New York (Mỹ) quyết định từ bỏ giấc mơ bác sĩ và trở thành thợ điện.
Chia sẻ với Business Insider, Czumak-Abreu cho biết từ nhỏ cô đã được tiếp xúc với nghề điện khi cha và nhiều nam giới trong gia đình đều là thợ điện. Năm 2015, cô học việc ở công ty điện và bắt đầu làm thêm để có tiền giúp đỡ gia đình.
Dù không theo nghề y, Czimak-Abreu vẫn duy trì việc học ngành dự bị y khoa để hoàn thành chương trình cao đẳng. Song song với đó, cô cũng thử sức với vai trò huấn luyện viên cá nhân sau khi lấy được các chứng chỉ cần thiết.
Nhưng khi đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến, tình trạng giãn cách xã hội đã khiến công việc huấn luyện viên của cô gặp nhiều hạn chế. Trong khi đó, ngành điện lại thuộc nhóm lao động thiết yếu, vẫn hoạt động bình thường. Không muốn rơi vào cảnh thất nghiệp, Czimak-Abreu bắt đầu chuyển sang làm thợ điện toàn thời gian.
Khác với những công việc chỉ quanh quẩn tại một địa điểm như trước đây, mỗi ngày làm thợ điện của Gen Z là một ngày mới mẻ.
"Không có 2 ngày làm việc nào giống nhau. Tôi làm việc 40 giờ/tuần, thường theo khung giờ hành chính từ 9h đến 17h. Đôi khi lịch trình bị thay đổi nhưng chúng tôi luôn được thông báo trước", cô nói.
Điều nữ thợ điện tâm đắc nhất chính là cảm giác hoàn thành công việc. Mỗi công trình là một dự án riêng biệt, có bắt đầu và kết thúc rõ ràng. Điều này khiến Czimak-Abreu cảm thấy mình luôn tiến lên, không bị giậm chân tại chỗ.
Tuy nhiên, nghề thợ điện cũng đi kèm với những thách thức và nguy hiểm. Czimak-Abreu từng bị điện giật nhẹ vài lần, trong đó có một lần bị giật do chạm vào ổ cắm.
"Tai nạn nghề nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi làm việc với các thiết bị nguy hiểm hơn, chúng tôi luôn được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ", Gen Z chia sẻ.
Công việc của thợ điện cũng đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai.
Hiện tại, cô chủ yếu đảm nhận các công trình thương mại như chiếu sáng cột điện hoặc máy phát điện dự phòng cho các thị trấn hay doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cô đôi khi vẫn nhận sửa chữa điện tại nhà dân.
Để theo kịp các đồng nghiệp nam giới và đáp ứng thể trạng tốt cho công việc nặng nhọc, cô gái 27 tuổi phải thường xuyên tập luyện thể hình.
Ngoài ra, Czimak-Abreu cũng phải đối mặt với những định kiến về giới. Đôi khi cô cảm thấy không được đối tác hoặc khách hàng tôn trọng bởi không phải ai cũng thoải mái khi làm việc với một nữ thợ điện.
Có lần, cô bị một nữ khách hàng lớn tuổi yêu cầu nhân viên nam đến thay thế. Từng nhiều lần cảm thấy thất vọng, đến nay, nữ thợ điện không còn quá quan tâm những định kiến này.
Việc không ngừng nâng cao tay nghề đã giúp cô gái trẻ được nhiều người ở vùng phía bắc New York biết đến và công nhận năng lực.
Giờ đây, Gen Z cảm thấy hạnh phúc với công việc, cô mong muốn được tiếp tục học hỏi để làm việc với dòng điện có điện áp cao hơn.
"Dù có những ngày về nhà kiệt sức, nhưng là thợ điện vẫn thú vị hơn nhiều so với việc là nhân viên văn phòng với chuỗi ngày lặp đi lặp lại", cô chia sẻ.
Ảnh: @lextheelectrician