Thị trường tiêu dùng

'Ghìm cương' giá vàng

Giá vàng tăng dựng đứng không chỉ khiến nhà đầu tư "sốt ruột" mà còn khiến cơ quan quản lý "đau đầu". Hàng loạt giải pháp được đưa ra với mục tiêu chính là "ghìm cương" giá vàng.

"Mấy ngày gần đây các giải pháp Ngân hàng Nhà nước đưa ra có xoay chuyển được tình hình, nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi vì rất phức tạp. Chính phủ, Thủ tướng rất đau đầu vấn đề vàng", Phó thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu cho thấy biến động của thị trường vàng trong nước thời gian qua đang là mối quan tâm rất lớn của Chính phủ và các cơ quan quản lý.

Để ổn định thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng đã đưa ra một loạt chỉ đạo với Ngân hàng Nhà nước cùng các Bộ, ngành liên quan để tăng cường biện pháp quản lý thị trường.

Liên tục ra chỉ đạo "nóng"

Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết thị trường vàng trong nước thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế, chênh lệch giá vàng trong nước với quốc tế thường xuyên ở mức cao.

Nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng mạnh thời gian qua đến từ biến động tăng cao của giá vàng thế giới. Hiện tại, giá vàng thế giới tăng hơn 14% so với đầu năm.

Bên cạnh đó, nguồn cung vàng trong nước hạn chế cũng khiến giá vàng có mức chênh lệch cao so với quốc tế.

Nêu giải pháp, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết trước mắt, vì thiếu nguồn cung nên NHNN sẽ tiếp tục tăng cung cho thị trường. Nhà điều hành đã cho mở lại kênh đấu thầu vàng miếng SJC sau gần 11 năm tạm ngưng.

Đến nay, NHNN đã tổ chức 6 phiên đấu thầu vàng miếng SJC, khối lượng chào thầu là 16.800 lượng/phiên. Trong đó, đã có 3 phiên đấu thầu thành công để cung ứng ra thị trường gần 15.000 lượng vàng miếng.

Thời gian tới, cơ quan này cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu để tăng nguồn cung, ổn định giá cả, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng quốc tế.

Đồng thời, NHNN cũng sẽ phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai công tác thanh tra đối với các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng.

“Hiện các đơn vị chức năng của NHNN đang tiến hành khảo sát thực tế để bảo đảm việc thanh tra hiệu quả. Dự kiến ngày 16/5 sẽ hoàn thành khảo sát”, đại diện NHNN thông tin.

Giá vàng miếng SJC liên tục tăng phá đỉnh thời gian gần đây. Ảnh: giavangvietnam.

Để kiểm soát thị trường vàng, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp cùng các Bộ Công an, Tài chính, Công Thương và Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra, kiểm tra thị trường.

“Chậm nhất cuối tuần này phải công bố quyết định thanh tra”, Phó thủ tướng yêu cầu NHNN.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh qua công tác thanh, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm cần chuyển ngay hồ sơ cho công an xử lý theo quy định.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương phải triển khai ngay các biện pháp để giải quyết bất cập của thị trường vàng, bảo đảm thị trường vận hành ổn định với giá vàng miếng ở mức hợp lý.

Tuy nhiên, vàng miếng lại là sản phẩm đặc biệt, vừa có tính chất hàng hóa, vừa có tính chất tiền tệ. Do đó, NHNN có trách nhiệm can thiệp, bình ổn thị trường, tạo sân chơi bình đẳng để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng...

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép vàng theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cùng với NHNN, các đơn vị quản lý cần chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh, mua bán vàng miếng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật như hóa đơn chứng từ về thanh toán, kiểm soát các giao dịch mua bán theo đúng quy định.

Chuyên gia hiến kế "ghìm cương" giá vàng

Chia sẻ tại buổi họp với lãnh đạo Chính phủ và NHNN mới đây, các chuyên gia cho rằng ngoài biện pháp tăng cung vàng miếng, để hạ nhiệt thị trường, có thể xem xét giảm giá chào thầu để thu hút thêm các thành viên tham gia, từ đó tăng lượng vàng đấu thầu được qua mỗi phiên.

Về lâu dài, đề xuất cho rằng cần sửa Nghị định 24/2012 theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Chuyển sang quản lý vàng miếng là vàng chất lượng 9999, còn vàng trang sức thì coi là hàng hóa bình thường.

Các chuyên gia cho rằng vàng miếng là loại sản phẩm đặc biệt, vừa có tính chất hàng hóa, vừa có tính chất tiền tệ nên nhu cầu mua - bán của người dân là chính đáng. Ảnh: Đức Anh.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam - cho biết quy luật thị trường là giá vàng Việt Nam phụ thuộc vào giá thế giới.

Theo ông, Việt Nam không có nguồn vàng khai thác nên phải nhập khẩu nguyên liệu vàng. Điều này khiến khi giá vàng thế giới tăng thì giá vàng trong nước sẽ tăng theo.

Tuy nhiên, giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm chênh lệch lên tới gần 20 triệu đồng/lượng, điều này tới từ thực tế hơn 10 năm nay NHNN không đưa thêm vàng ra thị trường, dẫn đến tình trạng khan hiếm vàng miếng.

Ngoài ra, một lượng không nhỏ vàng miếng SJC trong lưu thông trước đó còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Việc khan hiếm nguồn hàng đã dẫn đến chênh lệch quá lớn giữa giá vàng thế giới và trong nước.

Để giải quyết dứt điểm, ông Khánh cho rằng NHNN có thể ủy quyền cho doanh nghiệp uy tín, có năng lực tài chính được phép nhập vàng nguyên liệu.

“Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã có văn bản xin cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp là Tập đoàn DOJI, Công ty SJC và PNJ rất bài bản, trong khuôn khổ của Nghị định 24/2012 từ tháng 8/2023. Phía cơ quan quản lý có thể kiểm soát bằng cách giới hạn số lượng nhập khẩu, không tràn lan, để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và tạo nguồn cung dồi dào, cân bằng cung - cầu. Không cho nhập khẩu vàng sẽ không giải quyết được vấn đề”, ông Khánh nhấn mạnh.

Về lâu dài, cần phải sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam

Chuyên gia tài chính, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng để ổn định giá vàng, NHNN phải tổ chức rất nhiều phiên đấu thầu và những phiên đấu thầu đó phải làm tốt chức năng đưa một lượng vàng lớn vào thị trường.

“Nhưng về lâu dài, việc xóa độc quyền vàng miếng SJC vẫn là giải pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm”, ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia kinh tế đề xuất xem xét phát hành chứng chỉ vàng bởi NHNN. Cơ chế này cho phép nhà điều hành thu hút vàng từ người dân dựa trên cơ sở tự nguyện, sau đó phát hành chứng chỉ vàng với thời hạn linh hoạt.

Ngoài ra, cấp quản lý có thể xem xét thành lập một sàn giao dịch vàng quốc gia. Đây là tiền đề để các giao dịch vàng được thông suốt và minh bạch. Khi có một sàn giao dịch vàng, lúc đó có thể tính đến vấn đề mua - bán vàng từ tài khoản cũng như xuất hiện thêm các sàn phái sinh, tức là mua - bán vàng tương lai.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/ghim-cuong-gia-vang-post1475553.html