Có thể bạn quan tâm

'Giá cô dâu' càng tăng, tỷ lệ cưới càng giảm

Chính sách một con khiến Trung Quốc rơi vào cảnh dư thừa nam giới. Đàn ông nước này phải tốn rất nhiều tiền để lấy được vợ, ngay cả khi tỷ lệ kết hôn ở nước này giảm mạnh.

Đầu năm, các quan chức ở thị trấn Daijiapu (tỉnh Sơn Đông), nằm ở phía đông nam Trung Quốc, đã tập hợp 30 phụ nữ trẻ nhằm ký cam kết công khai từ chối hét “giá cô dâu” quá cao.

Trong một thông báo trên website, chính quyền địa phương cho biết họ hy vọng rằng mọi người sẽ từ bỏ những phong tục lạc hậu và góp phần “bắt đầu một xu hướng văn minh mới”.

Trong những năm gần đây, sính lễ cưới đã tăng vọt trên khắp Trung Quốc. Mức trung bình ở một số địa phương là 20.000 USD, khiến nhiều gia đình không có khả năng tổ chức đám cưới. Theo truyền thống, nhà trai thường sẽ chi trả loại phí này, New York Times đưa tin.

Giá thách cưới quá cao khiến không ít gia đình rơi vào túng quẫn khi tổ chức hôn lễ. Ảnh minh họa: Qilai Shen/New York Times.

Phụ nữ lại bị đổ lỗi

Để hạn chế hủ tục này, chính quyền địa phương đã triển khai các chiến dịch tuyên truyền, như hội nghị ở thị trấn Daijiabu, nhằm định hướng các phụ nữ trẻ chưa lập gia đình không cạnh tranh lẫn nhau để “hét giá” cô dâu.

Một số quan chức thậm chí áp đặt mức giới hạn cho sính lễ cưới, hoặc thậm chí can thiệp trực tiếp vào cuộc đàm phán riêng tư giữa các gia đình.

Truyền thống cưới hỏi lâu đời này cũng vấp phải sự phản đối ngày càng gia tăng của công chúng. Đối với những người Trung Quốc có trình độ học vấn cao, đặc biệt ở các thành phố, nhiều người coi phí thách cưới là một di tích của chế độ gia trưởng, nơi phụ nữ bị coi như tài sản để bán cho hộ gia đình khác.

Tại các vùng nông thôn, phong tục này cũng không còn được ưa chuộng đối với nông dân nghèo - những người phải tiết kiệm thu nhập trong vài năm hoặc vay nợ chỉ để kết hôn.

Mặc dù vậy, các chiến dịch tuyên truyền của chính phủ bị chỉ trích là củng cố định kiến phân biệt giới tính đối với phụ nữ. Khi bình luận về vấn đề “giá cô dâu”, một số phương tiện truyền thông Trung Quốc thường gọi những phụ nữ yêu cầu mức giá cao là “tham lam”.

Tiền thách cưới không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn chứa đựng những hàm ý sâu xa về giá trị văn hóa, xã hội. Ảnh: CGTN.

Sau khi sự kiện ở thị trấn Daijiabu lan truyền trên mạng xã hội, nhiều bình luận đặt câu hỏi rằng tại sao lại đổ trách nhiệm giải quyết vấn đề lên đầu phụ nữ. Một số khác đã kêu gọi giới chức hãy triệu tập cuộc họp tương tự cho nam giới để dạy họ cách trở thành đối tác bình đẳng hơn trong hôn nhân.

Gonçalo Santos, giáo sư nhân chủng học nghiên cứu về nông thôn Trung Quốc tại Đại học Coimbra (Bồ Đào Nha), nói rằng ở xứ tỷ dân, “phụ nữ là mục tiêu trung tâm” trong hầu hết chính sách nhà nước về hôn nhân.

“Đó là lời kêu gọi mang tính gia trưởng đối với phụ nữ nhằm duy trì trật tự xã hội và sự hài hòa, để hoàn thành vai trò làm vợ và làm mẹ của họ”, ông nhận xét.

Bằng cách nhắm mục tiêu vào phụ nữ, những chiến dịch trên đã bỏ qua thực tế rằng vấn đề này một phần do chính phủ tạo ra. Bốn thập kỷ duy trì chính sách một con, với việc các gia đình thường thích con trai hơn, đã dẫn đến tình trạng chênh lệch giới tính ở xứ tỷ dân và làm gia tăng sự cạnh tranh kết hôn.

Sự mất cân bằng rõ rệt nhất được thể hiện ở khu vực nông thôn, nơi hiện có nam giới nhiều hơn nữ giới 19 triệu người.

Nhiều phụ nữ nông thôn thích kết hôn với đàn ông thành thị để có được giấy phép đăng ký hộ khẩu ở thành phố, giúp họ tiếp cận trường học, nhà ở và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Trong khi đó, những người đàn ông nghèo hơn ở các vùng nông thôn phải trả nhiều tiền hơn để kết hôn, bởi gia đình nhà gái muốn có sự đảm bảo chắc chắn rằng nhà trai có khả năng chu cấp cho con gái của họ. Nhưng thay vào đó, động thái này có thể khiến các gia đình chìm sâu hơn vào cảnh nghèo đói.

“Điều này khiến nhiều gia đình tan vỡ. Cha mẹ tiêu hết tiền và phá sản chỉ để tìm vợ cho con trai họ”, Yuying Tong, giáo sư xã hội học tại Đại học Hong Kong, cho biết.

Phụ nữ tiếp tục bị đổ lỗi, chịu trách nhiệm khi "giá cô dâu" tăng cao. Ảnh minh họa: Sim Chi Yin/NPR.

Lý do giá cô dâu tăng cao

Một số quan chức thừa nhận khả năng hạn chế của họ trong việc loại bỏ phong tục trao sính lễ rước dâu - thứ mà nhiều gia đình coi là dấu hiệu của địa vị xã hội.

Theo các nhà nghiên cứu về phong tục này, ở các vùng nông thôn, hàng xóm có thể sẽ bàn tán về những phụ nữ yêu cầu giá sính lễ rẻ, thắc mắc liệu có điều gì không ổn với cô dâu đó hay không.

Truyền thống này cũng liên quan đến thái độ cố hữu về vai trò là người chăm sóc gia đình của phụ nữ.

Ở một số địa phương, khoản tiền này vẫn được coi là để mua sức lao động và khả năng sinh sản của cô dâu từ cha mẹ cô ấy. Sau khi kết hôn, người phụ nữ thường được kỳ vọng sẽ về ở với nhà chồng, mang thai và đảm đương việc nhà, nuôi con và chăm sóc nhà chồng.

Nhưng khi chi phí sinh hoạt tăng cao, một khoản “giá cô dâu” cao có thể là một cách đảm bảo rằng những nhà thu nhập thấp phải gả con gái đi có thể xây dựng khoản tiết kiệm nhằm đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Mặt khác, khi các bậc phụ huynh cao tuổi ngày càng sống thọ hơn nhờ sự phát triển của y học, một số phụ nữ đòi hòi sính lễ lớn nhằm bồi thường cho việc trở thành người chăm sóc họ.

Sính lễ cưới còn được quan niệm là phí mua sức lao động và khả năng sinh sản của cô dâu. Ảnh minh họa: Olivia Martin-McGuire.

Do đó, theo các nhà xã hội học, một cách hiệu quả hơn để chính phủ hạn chế truyền thống này là tăng ngân sách cho việc chăm sóc trẻ em và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Liu Guoying (58 tuổi), một người mai mối ở thành phố Nam Xương, thủ phủ của tỉnh Giang Tây, nơi nổi tiếng với giá cô dâu có thể vượt quá 50.000 USD, cho biết khi ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc trì hoãn hoặc tránh xa hôn nhân, kỳ vọng của cha mẹ họ về các khoản tiền thách cưới cũng thay đổi.

Một số phụ huynh rất muốn con gái mau chóng kết hôn, đến nỗi họ sẵn sàng giảm tiền, miễn là con rể tương lai đối xử tốt với con gái họ.

Một thế hệ phụ nữ mới, có trình độ học vấn cao hơn cha mẹ họ, cũng có thể đóng một vai trò trong việc thay đổi thái độ xung quanh vấn đề này. Một cuộc khảo sát năm 2020 với khoảng 2.000 người ở Trung Quốc cho thấy các cặp vợ chồng có học vấn cao thường ít trả sính lễ hơn, bởi họ tin rằng yêu nhau là đủ.

Muốn kết hôn vì tình yêu

Nhưng với Luki Chan (27 tuổi), đã tốt nghiệp đại học, rất khó để cô thoát khỏi áp lực truyền thống cưới hỏi đã tồn tại từ lâu ở quê hương.

Cô lớn lên ở vùng núi Phúc Kiến, một tỉnh ở phía đông nam Trung Quốc, nơi giá cô dâu thường cao. Mẹ Chan mong rằng sẽ nhận được ít nhất 14.000 USD tiền thách cưới từ nhà trai khi con gái kết hôn, nhằm chi trả cho khoản học phí của cô.

Hiện Chan đang xây dựng sự nghiệp ở Thượng Hải với tư cách là một nhà sản xuất rạp hát. Cô cũng trong quá trình làm thủ tục đăng ký kết hôn với bạn trai người Đài Loan mà chưa bàn luận với gia đình.

Tiền sính lễ đắt đỏ trở thành một trong những vấn đề gây cản trở các cuộc hôn nhân tại Trung Quốc. Ảnh minh họa: CFP.

Chan sợ rằng nếu cha mẹ phát hiện ra, họ sẽ đòi tiền sính lễ. Với cô, sính lễ cưới chẳng khác phí bán con gái là bao.

Nhiều câu chuyện khác về “giá cô dâu” cắt cổ cũng nhận được sự quan tâm của công chúng trong thời gian qua.

Mùa hè năm ngoái, một người đàn ông “cầu xin” chính quyền địa phương hãy điều chỉnh các khoản “sính lễ rước dâu” ở ngôi làng Bách Hương (tỉnh Hà Bắc), nơi nhiều nông dân sống trong cảnh nghèo đói.

Ba tuần sau, một nhóm điều tra viên được điều đến nhà bạn gái của người đàn ông này. Cô gái cho biết cha mẹ cô chỉ đồng ý gả cô với mức giá khoảng 40.000 USD. Cô đã thuyết phục gia đình giảm giá nhưng bất thành, còn nhà trai cũng đã trả một nửa số tiền này.

Sau “những nỗ lực tuyệt vời giữa các bên”, giới chức cho biết phía nhà gái đã đồng ý giảm tiền sính lễ xuống khoảng 9.000 USD và trả lại 11.000 USD cho nhà trai. Việc hoàn tiền diễn ra tại văn phòng chính quyền địa phương, dưới sự chứng kiến của các nhà chức trách.

“Chúc đôi uyên ương có một cuộc sống hạnh phúc!”, trích phần kết báo cáo của quan chức địa phương về sự việc này.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/gia-co-dau-cang-tang-ty-le-cuoi-cang-giam-post1416363.html