Kiếm tiền

Giới trẻ Nhật Bản không còn làm việc đến chết

Không còn mặn mà với việc dành hết tuổi thanh xuân cho công việc và thăng tiến, bộ phận lớn người trẻ Nhật Bản ưu tiên sự cân bằng của công việc và cuộc sống.

Giới trẻ Nhật Bản đang dần thay đổi quan niệm về công việc và cuộc sống. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

“Karoshi” trong tiếng Nhật là thuật ngữ chỉ tình trạng tử vong do làm việc quá sức, một thực trạng đáng báo động tại đất nước nổi tiếng về văn hoá làm việc khắt khe.

Không khoan nhượng trước vấn nạn tiệc tùng bắt buộc sau giờ làm và hệ thống phân cấp cứng nhắc, thế hệ trẻ Nhật Bản đang chuyển ưu tiên tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Theo khảo sát từ Viện nghiên cứu Nhật Bản, chỉ có 30% thanh niên của quốc gia này hiện coi trọng việc thăng tiến. Số còn lại cho rằng một công việc mang lại ý nghĩa và niềm vui khi làm việc cùng đồng nghiệp mới là ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, dữ liệu của chính phủ cho thấy tỷ lệ nhân viên làm việc hơn 60 giờ một tuần đã giảm đáng kể. So với 2 thập kỷ trước, con số này hiện chỉ còn khoảng 9%, giảm gần một nửa, Channel News Asia đưa tin.

Văn hoá rượu bia sau giờ làm không còn được người lao động trẻ Nhật Bản quan tâm. Ảnh minh họa: Angela Erika Kubo.

“Ngày nào cũng thế, tan làm về nhà tôi mệt mỏi, chỉ muốn đi ngủ", Yuki Sato (24 tuổi) chia sẻ. Nhân viên quan hệ công chúng tại tập đoàn hàng tiêu dùng khổng lồ Kao của Nhật Bản cho biết trung bình cô phải tăng ca đến hai tiếng rưỡi mỗi ngày.

Tốt nghiệp vào năm 2022, ngay thời điểm kinh tế phục hồi sau đại dịch, thế hệ của Sato chứng kiến những biến động lớn do đại dịch gây ra. Sự nghiệp bị gián đoạn, thu nhập bị ảnh hưởng và giá cả thay đổi thất thường... những điều này khiến Gen Z bất an vì cuộc sống không còn ổn định.

Tuy nhiên, đại dịch cũng mang đến một thay đổi tích cực cho văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản, các buổi nhậu nhẹt sau giờ làm bắt đầu được hạn chế hơn.

Các quán bar đóng cửa trong thời gian bùng phát dịch bệnh, thúc đẩy xu hướng không sử dụng rượu bia, đặc biệt là đối với những nhân viên trẻ tuổi, những người coi trọng chất lượng cuộc sống và không ngại đặt ra ranh giới rõ ràng.

Sáng kiến làm việc1 tuần chỉ 4 ngày thay vì 7 ngày được chuyên gia đánh giá hữu ích. Ảnh minh họa: Tokyo Central Japanese Language Schools.

Hiện tại, Sato chủ yếu giao lưu với đồng nghiệp qua bữa trưa. Cô cho rằng đây là dịp trò chuyện, gắn kết với mọi người vừa phát triển kỹ năng cá nhân.

Xu hướng ưu tiên cân bằng giữa công việc và cuộc sống của giới trẻ Nhật Bản không chỉ đơn thuần là mong muốn giảm thời gian làm việc. Theo các chuyên gia, nhu cầu kết nối với đồng nghiệp và xây dựng môi trường làm việc gắn kết cũng là một yếu tố quan trọng.

"Con người khao khát cảm giác được thuộc về một tập thể, được kết nối với những người khác, không chỉ công việc mà còn với cả con người", Tiến sĩ Connie Zheng, Phó Giáo sư Quản lý Nhân sự tại Đại học South Australia, cho biết.

Cô nhận định các quốc gia châu Á dường như vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này. Hiện Nhật Bản là quốc gia đang đi đầu xu hướng.

Điển hình là Microsoft tại Nhật Bản đã thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày. Khảo sát được thực hiện vào tháng 8/2019 đó cho thấy nhân viên hạnh phúc hơn, năng suất tăng 40%, đồng thời các cuộc họp cũng trở nên hiệu quả.

Với người trẻ, một công việc mang lại ý nghĩa và niềm vui khi làm việc cùng đồng nghiệp, mới là ưu tiên hàng đầu. Ảnh minh họa: Ekaterina Bolovtsova/Pexels.

Bất chấp những cải thiện trong văn hóa làm việc và mức lương khởi điểm cao hơn do tình trạng thiếu hụt lao động, giới trẻ Nhật Bản vẫn nằm trong nhóm “những người không hạnh phúc” trong số các quốc gia phát triển, xếp thứ 73 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới mới nhất.

Điều này cho thấy tiêu chuẩn hạnh phúc của giới trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ là cân bằng công việc và cuộc sống. Một số người lựa chọn tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, trong khi số khác ngày càng ưa chuộng các công việc thời vụ thay vì lao động toàn thời gian.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn hài lòng với lựa chọn hiện tại, hy vọng cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân, thậm chí là xây dựng gia đình trong tương lai. Giống như Sato, họ hướng đến lối sống linh hoạt, ưu tiên thực hiện những mong muốn của bản thân theo từng giai đoạn.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/gioi-tre-nhat-ban-khong-con-lam-viec-den-chet-post1471985.html