Có mặt tại một quán sky lounge ở quận 1 từ 20h30, Kim Duyên (29 tuổi) cùng bạn bè tranh thủ chọn chỗ đẹp ở khu vực ngoài trời. Đặc biệt thích ngắm thành phố từ trên cao, cô thường đón giao thừa tại các sky bar nổi tiếng ở TP.HCM.
Năm nay, cô chọn quán bar tầm thấp một chút, song vẫn đảm bảo có view đẹp để ngắm pháo hoa trong khoảnh khắc chuyển giao năm cũ - năm mới.
“Hôm nay, nhóm mình có 4 thành viên. Thực ra bar không bắt buộc đặt chỗ, nhưng tôi vẫn chủ động làm vậy như một thói quen. Nhờ đó, khâu sắp xếp của quán sẽ trơn tru hơn, đặc biệt trong những dịp đông đúc như thế này”, Duyên vui vẻ nói.
Sau giao thừa, Kim Duyên và các bạn sẽ cùng dạo quanh thành phố và đi chơi tới sáng để ăn mừng năm mới. Với cô, đây là cách để “xõa” hết mình, trút bỏ phiền muộn trong thời gian qua và hướng đến những điều tốt đẹp hơn ở tương lai.
Những năm gần đây, giới trẻ có nhiều lựa chọn hơn để vui chơi, giải trí trong các ngày lễ, Tết.
Trong đó, những quán bar sang trọng, sky lounge có tầm nhìn rộng, bao quát xung quanh hoặc không gian riêng tư, nhạc hay là điểm hẹn lý tưởng với nhiều người để đón chào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới.
Tối cuối cùng của năm Nhâm Dần, nhiều quán bar ở TP.HCM nhộn nhịp khách ra vào. Các địa điểm có view hướng ra Bitexco, Landmark 81 - những biểu tượng nổi tiếng của TP.HCM - đều kín bàn từ 22h.
Một số nơi ngừng nhận thêm khách trong đêm 30 Tết, phụ thu hoặc tăng phí dịch vụ để đảm bảo trải nghiệm của khách hàng.
Phụ thu dịp Tết
Mọi năm, Minh Thy (19 tuổi, quận Bình Thạnh), làm việc trong ngành F&B, thường đón giao thừa ở nhà cùng gia đình.
Nhưng năm nay, Thy đổi địa điểm sang quán cocktail bar ở quận 1 để có trải nghiệm mới lạ. Vì thích sự yên tĩnh, cô chọn ngồi ngay cuối quầy bar để quan sát và tận hưởng giây phút một mình.
“Đây là quán ruột của tôi. Tôi thường đến chỗ này khi có tâm sự hay muốn ăn mừng chuyện vui. Hôm nay là 30 Tết nhưng tôi vẫn đi làm vì đặc thù công việc. Sau giờ tan ca, tôi tranh thủ sửa soạn rồi chạy qua đây”, Thy nói.
Chia sẻ về việc đón năm mới một mình, Thy nói cô không cảm thấy cô đơn hay buồn bã mà rất vui vì có thời gian riêng cho bản thân.
“Lúc này cũng là cơ hội để tôi tự nhìn lại trong một năm qua, cần cải thiện điều gì và đã làm tốt ra sao. Bình thường khi có ngày rảnh, tôi cũng thích đi chơi một mình như vậy”, Thy nói thêm.
Theo dự đoán của Hoành Thương (29 tuổi), quản lý Irusu Lounge (trên đường Nguyễn Du, quận 1), lượng khách đến quán sẽ tăng ít nhất gấp đôi ngày thường.
Để đảm bảo chất lượng phục vụ, Irusu phụ thu 100.000 đồng/khách, tương tự như dịp Tết Dương lịch. Đa số đều là khách quen, chịu chơi và chịu chi nên không ai gặp vấn đề gì với khoản phí này.
Nổi tiếng với khu vực bàn ngoài trời có view nhìn ra nhà thờ Đức Bà, nơi này thường xuyên full booking mỗi đợt lễ lớn. Đặc biệt, những dịp thành phố tổ chức bắn pháo hoa, quán bar kiểu Nhật này dễ rơi vào tình huống quá tải.
Nam quản lý cho hay tùy theo tình hình, quán anh sẽ không nhận booking thêm vào đêm giao thừa.
“Thay vì ở nhà countdown, một số bạn trẻ lại chọn lên bar để đón Tết Quý Mão theo cách mới mẻ, độc đáo. Do vậy, chúng tôi càng muốn tạo điều kiện, hỗ trợ bất kỳ ai có nhu cầu như thế được tận hưởng trọn vẹn niềm vui”, Thương chia sẻ, đồng thời cho biết đã chuẩn bị nhiều phần lì xì và quà đặc biệt dành tặng khách ghé thăm.
Rút kinh nghiệm từ những đợt lễ trước, Chun, chủ quán cocktail bar The Pi (quận 1, TP.HCM), quyết định áp dụng hình thức “first come, first served” (tạm dịch: ai đến trước được phục vụ trước) thay vì yêu cầu booking.
Đây là lần đầu tiên địa điểm này cùng khách đón giao thừa Tết Âm lịch.
"Vào các dịp lễ hội, lượng khách đến quán cao hơn bình thường 40-60%. Hơn nữa, chúng tôi có tệp khách hàng trung thành nên muốn mọi người được tận hưởng cảm giác ấm cúng, dễ chịu thay vì phải thêm bước thủ tục rườm rà”, Chun chia sẻ.
Điểm nhấn của đêm giao thừa tại The Pi là hoạt động phá cỗ tân niên. Chủ quán tự tay chuẩn bị bánh chưng cùng nhiều món ăn đặc trưng ngày Tết như thịt kho, củ kiệu, cải muối. Đúng 0h, cả quán sẽ khui champagne và cùng thưởng thức mâm cơm đầu năm.
“Bản thân tôi và nhiều vị khách quen đều không về quê đón Tết cùng gia đình. Vì vậy, tôi quyết định chuẩn bị kỳ công một chút nhằm mang lại sự ấm cúng và làm vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà trong mỗi người”, Chun nói thêm.
Tận hưởng năm mới từ trên cao
Đứng ở quầy lễ tân, Ngọc Trinh (26 tuổi, quận Bình Thạnh) cùng người yêu đang chờ nhân viên phục vụ xếp bàn. Do không đặt chỗ trước, cả hai khó chọn được view ưng ý. Trước đó, đôi trẻ đã ghé qua một quán bar khác trên đường Sương Nguyệt Ánh (quận 1) nhưng cũng bị báo hết bàn.
“Tôi không ngờ các quán lại nhanh hết chỗ đẹp như vậy. Những năm trước, chúng tôi thường đến các tụ điểm công cộng để xem bắn pháo bông cùng nhau. Nhưng năm nay, cả hai muốn ‘đổi gió’ một chút nên chọn sky lounge”, Trinh chia sẻ.
Vì tới khá trễ, hai bạn trẻ được xếp vị trí ở xa bàn DJ, tầm nhìn không bao trọn view tòa nhà Bitexco. Tuy nhiên, Trinh và người yêu vẫn hài lòng vì có thể trò chuyện trong không gian riêng tư.
Nguyễn Hữu Duy (sinh năm 1992), quản lý của Chill Garden Lounge (đường Nguyễn Công Trứ, quận 1), cho biết anh phải thuê thêm 2 nhân viên thời vụ riêng cho ngày 30 Tết để kịp đáp ứng nhu cầu của khách.
Tổng cộng, quán anh có 8 bạn chạy bàn và 3 bartender sẽ làm việc trong tối giao thừa. Hữu Duy dự kiến số lượng đặt bàn trước sẽ giảm khoảng 30% so với Tết Dương lịch nhưng vẫn đông khách hơn ngày thường.
Sở hữu tầm nhìn “đắt tiền” nhất nhì so với các sky lounge tại TP.HCM, địa điểm này là nơi giải trí quen thuộc của nhiều bạn trẻ. Với mức giá dao động từ 250.000 đồng trở lên, đối tượng khách hàng chính của quán là Gen Z, doanh nghiệp và dân văn phòng có thu nhập cao.
“View quán tôi có thể nhìn trọn vẹn màn pháo hoa. Thời điểm nhộn nhịp nhất là khoảng 21h-22h trở đi. Nhưng hôm nay, khách có thể ngồi đến 1h mới về.
Không có khuyến mãi đặc biệt cho đêm giao thừa nhưng sẽ có bữa tiệc âm nhạc countdown đến nửa đêm. Bên cạnh đó, quán tôi không phụ thu dịp Tết mà tăng phí dịch vụ thêm 5%”, Hữu Duy cho hay.