Một nữ nhân viên đem về doanh thu 50 triệu USD cho Gucci vừa lên tiếng cáo buộc thương hiệu xa xỉ này ép nhân sự làm việc suốt ngày đêm. Đồng thời, cô cũng hứng chịu sự phân biệt đối xử vì tuổi tác và sức khỏe tinh thần.
Khi phàn nàn về môi trường làm việc độc hại, nữ nhân viên lập tức bị sa thải.
Trong vụ kiện đang chờ xử lý tại toà án liên bang Chicago (Mỹ), Tracy Cohen khẳng định sự nghiệp 18 năm của cô ở Gucci chỉ là một trong những ví dụ phản ánh văn hoá làm việc độc hại tại đây, theo The Guardian.
Làm việc ngày đêm
Trong vụ kiện trên, Cohen đề cập đến 8 lần lãnh đạo Gucci bóc lột sức lao động ở Trung Quốc từ năm 2010 đến 2022. Ban lãnh đạo ép buộc phụ nữ mang thai phá thai và phớt lờ các cáo buộc liên quan đến quấy rối tình dục.
“Đây là hành vi kéo dài trong nhiều năm. Tôi tin rằng Gucci phải chịu trách nhiệm cho hành động đó”, Tamara Holder, luật sư của Cohen, nói.
Hiện nay, cả Gucci và công ty mẹ Kering đều không bình luận về vụ kiện này.
Tracy Cohen gia nhập cửa hàng Gucci tại Chicago (Mỹ) từ năm 2006 với tư cách cộng tác viên bán hàng. Khi đó, nhân sự này ở độ tuổi 38. Cô trở thành nhân viên bán hàng số 1 tại đây vào năm 2018, đóng góp 15% doanh thu hàng tháng của cửa hàng, có thành tích vượt trội hơn 20 đồng nghiệp.
Để đáp lại nỗ lực của Cohen, công ty hứa tìm thêm cho cô một trợ lý, đồng thời tài trợ các chuyến du lịch quốc tế, đem đến cơ hội tham dự show thời trang ở Milan (Italy), Los Angeles và New York (Mỹ).
Tuy nhiên, trên thực tế, công việc của Cohen yêu cầu cô sử dụng thiết bị di động suốt ngày đêm. Cô phải làm thêm giờ không lương và tránh nghỉ phép.
Sau khi thể hiện sự kiệt sức, lo lắng và chán nản trong công việc, Cohen bị lãnh đạo xúc phạm là “điên rồ” và “già nua”. Công ty cũng tặng chuyến du lịch đã hứa với cô cho các đồng nghiệp trẻ hơn. Hơn nữa, Gucci tăng chỉ tiêu doanh số của Cohen, khiến cô thêm áp lực.
Vào tháng 9/2022, nữ nhân viên bán hàng này tìm kiếm sự giúp đỡ bằng cách gửi email cho chủ tịch Gucci Marco Bizzarri. Tuy nhiên, lãnh đạo không phản hồi.
Không nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên, Cohen nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Cơ hội Việc làm bình đẳng (EEOC) của liên bang. Cô cáo buộc Gucci phân biệt đối xử với người lao động dựa trên tuổi tác và giới tính.
Bị sa thải
Thương hiệu thời trang xa xỉ chính thức đình chỉ hoạt động của Cohen vào tháng 7/2023. Lý do đình chỉ công tác không được nêu rõ. Cohen cho rằng hành động này mang tính chất trả thù các khiếu nại về nhân quyền của cô.
Trong thời gian đó, nữ nhân viên bán hàng vẫn hoàn thành tốt công việc, giúp Gucci thu về 80.000 USD từ khách hàng thân thiết. Sau khi Cohen chấp hành lệnh đình chỉ, nhà mốt này quyết định sa thải cô vào tháng 10/2023.
Cửa hàng Gucci tại Chicago giao 80.000 USD hàng hoá sau khi Cohen bị sa thải. Như vậy, hoa hồng bán hàng về tay quản lý và đồng nghiệp của cô.
Theo một nghiên cứu tại Đại học Massachusetts Amherst (Mỹ), Cohen nằm trong số 63% nhân sự mất việc sau khi khiếu nại với EEOC về doanh nghiệp của họ.
Nhân viên bán hàng này yêu cầu bồi thường thiệt hại, cho rằng người sử dụng lao động cũ đã thực hiện các hành động như phân biệt đối xử, trả thù, cố ý gây tổn thất về tinh thần và không xử lý lương, thưởng công bằng.
Theo luật sư Tamara Holder, các luật sư của Gucci đã tìm cách đe doạ, yêu cầu Cohen rút đơn khiếu nại nếu không muốn nhận những biện pháp trừng phạt pháp lý nặng nề.