Trước một siêu thị nằm trên đường Pasteur (phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM), Thiện (30 tuổi) giơ điện thoại lên xác nhận địa điểm vừa giao hàng.
Con đường này là "địa bàn" của Thiện với trung bình 100 đơn cho 2 ca sáng, chiều. Khi Tri Thức - Znews đến nơi, Thiện vừa hoàn thành đơn thứ 40 của buổi sáng, trong túi còn trên dưới 15 đơn.
Shipper thường được chia thành 3 kiểu: Giao đồ ăn, giao thư từ và vận chuyển hàng hóa. Shipper vận chuyển hàng hóa gồm shipper theo app (nhận từng đơn, giao đơn nào xong đơn đó-PV) và shipper bưu cục (nhận lượng đơn lớn để giao dần-PV).
Thiện là shipper vận chuyển hàng từ bưu cục, chạy ngược xuôi đợt sát Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân.
Vài trăm đơn mỗi ngày
Mỗi ngày, Thiện mất nửa giờ chạy xe từ nhà ở quận 11 lên quận 1 để nhận và giao hàng - chủ yếu là quần áo - đến các địa điểm rải rác đường Pasteur.
"Hôm nay là cuối tuần nên tôi không thể giao một số đơn có địa chỉ nhận hàng ở công ty. Đặc thù của khu vực Bến Nghé là nhân viên văn phòng nghỉ từ chiều thứ 6, thứ 2 mới đi làm trở lại để nhận hàng. Khu dân cư hoặc quán ăn thì luôn có người nhận", Thiện nói.
Giao hàng 4 năm nay, Thiện nắm đường sá trong lòng bàn tay, biết rõ giờ khách có thể xuống nhận hàng. Khó khăn lớn nhất của Thiện dạo gần đây là lượng hàng nhiều, thao tác mỗi lần giao - nhận mất thời gian.
Vài ngày nữa là đến Tết, Thiện bày tỏ: "Số lượng hàng tăng thì thu nhập của anh em shipper ít nhiều được cải thiện. Tuy nhiên, tôi chưa sắm sửa gì cho bản thân và gia đình vì ưu tiên phục vụ khách hàng. Sắp tới, tôi dự định về quê ở Đồng Nai sau cả năm lao động vất vả".
Tại cổng sau của khu công nghiệp PouYuen (quận Bình Tân, TP HCM), nơi có nơi Nam (32 tuổi) và H. (38 tuổi, người xin giấu tên vì sợ ảnh hưởng tới công việc khác đang làm) đang ngồi đợi những khách cuối cùng của buổi sáng ra nhận hàng.
“Sao khách này mãi chưa ra nhận? Gọi lại đi” - H. - shipper “quen mặt” ở khu PouYuen - nói với Nam đang “ôm” 6, 7 đơn chưa có người nhận.
6h30 hàng ngày, Nam lên bưu cục nhận hàng lần một, giao đến đầu giờ chiều thì về kho nhận hàng lần hai và kết thúc công việc lúc 20h. Theo chia sẻ của Nam, lượng đơn cuối năm tăng mạnh, dao động 100-300 đơn/ngày.
Về thời gian nghỉ ngơi, Nam bày tỏ: “Chúng tôi không có thời gian nghỉ trưa cụ thể, nhưng luôn tranh thủ giao sớm về sớm, bất đắc dĩ mới ‘ôm’ đơn sang hôm sau".
Khi còn làm cùng chỗ với Nam, H. cũng giao bình quân 170 đơn/ngày; con số này tăng gấp đôi đối với khu vực có mật độ dân số cao. Hiện tại, H. đã có công việc chính, chỉ nhận hỗ trợ bán thời gian cho một đơn vị vận chuyển khác đợt cận Tết.
Lịch nghỉ Tết năm nay ở chỗ Nam chia thành 2 nhóm: nhóm nghỉ từ 7/2 (28 tháng Chạp) cho đến hết 12/2 (mùng 3 Tết) và nhóm nghỉ từ 8/2 (29 tháng Chạp) cho đến hết 13/02 (mùng 4 Tết).
H. cho biết thêm anh em shipper có xu hướng sắm Tết trực tuyến để tiết kiệm chi phí, nhưng hiện vẫn tập trung "cày" nốt chứ chưa sắm sửa nhiều.
Trên đường Vành Đai Trong gần đó, shipper tên Nhân (49 tuổi) của dịch vụ vận chuyển trong ngày cũng đang chờ khách lấy hàng.
“Mỗi ngày cầm trong tay 100 đơn là bình thường. Con số này còn ít hơn lượng hàng của đồng nghiệp trẻ”, ông Nhân cười khi chia sẻ với Znews.
Hàng hóa được đẩy về bưu cục vào 4 thời điểm: Sáng sớm, 10h, 14h và 16h. Đỉnh điểm một phiên có 20-30 đơn, đẩy tổng hàng hóa ông Nhân phải giao lên cả trăm đơn.
Tuy nhiên, ông không tránh được trục trặc trong quá trình giao hàng, phần vì lượng đơn tăng đột biến, phần vì app quản lý còn nhiều bất cập. Đây là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến tốc độ giao hàng của nhân viên.
Shipper giao thư, giấy tờ như Thanh (34 tuổi) và Cơ (28 tuổi) cũng nhận 70, 80 đơn/buổi sáng, nhưng không cần thu phí COD (khoản tiền người mua thanh toán khi nhận được hàng-PV) như hình thức vận chuyển hàng hóa.
Ca làm của cả hai kéo dài từ 7h30-21h. "Chúng tôi giao hết thư trong buổi sáng thì mới được thưởng năng suất, quá giờ sẽ bị xem xét trừ vào lương cuối tháng", Thanh và Cơ chia sẻ trong lúc đợi xe trung chuyển thư đã về trễ gần một tiếng rưỡi.
Không có thưởng Tết, bỏ tiền túi ra "ôm" hàng
Shipper là nhóm đối tượng đóng góp trực tiếp vào quá trình lưu thông hàng hóa, nhất là trong thời đại thương mại điện tử phát triển. Tuy nhiên, họ thường xuyên “nằm giữa chịu trận” vì gặp trường hợp thái độ khách hàng không tốt, chờ đợi lâu, “bom hàng”, lừa đảo…
Đặc biệt, với lượng đơn quá tải trước Tết, H. (38 tuổi) đánh giá chế độ lương, thưởng cho shipper chưa tương xứng với công sức bỏ ra.
H. cho biết sàn thương mại điện tử mình từng làm không có chế độ thưởng Tết, trừ việc được nghỉ vào các ngày lễ trong năm. Một sàn khác được H. đề cập cũng không thưởng cho nhân viên giao hàng, nhưng “ép” tỷ lệ đơn phải giao lên đến 96%.
Oái oăm hơn, vì muốn đạt tỷ lệ đơn cao, nhiều shipper buộc phải hoàn tất đơn trong ngày dù thực chất chưa có người nhận đơn (vì nhiều lý do: không liên lạc được, hẹn ngày khác…-PV), nên họ đành bỏ tiền túi để xác nhận đơn hàng thành công. Đến cuối cùng, khách không nhận hàng thì shipper coi như… mua sản phẩm.
Vừa mở app lên, ông Tám (64 tuổi, shipper của một đơn vị giao hàng siêu tốc) "nổ đơn" liên tục. Tuy không so được với những người lấy hàng trực tiếp từ bưu cục, song lượng hàng ông Tám nhận đợt này cũng gấp đôi ngày thường - hơn 20 đơn.
Ngoài số lượng tăng lên, ông Tám cho biết khối lượng hàng hóa cũng nặng hơn. Có lần, ông chở tổng cộng 120 kg vải may đồ Tết đến mức tay lái xiêu vẹo, suýt xảy ra tai nạn trên đường.
Sát Tết, ông Tám cho rằng công ty sẽ thưởng thêm 5.000, 10.000 đồng/cuốc xe, nhưng hy vọng này chỉ le lói bởi dịch vụ vận chuyển có xu hướng giảm giá cước để “kéo” khách.
Tài xế lúc này chịu thiệt thòi với cước phí thấp vẫn hoàn thấp, trong khi chiết khấu một cuốc xe tương đối cao, từ 24%-30%.
Cũng thuộc kiểu shipper như ông Tám, An (24 tuổi, shipper khu vực quận 1, quận 3) thường nhận 25 đơn mỗi ngày, đỉnh điểm một cuốc đổ về 3 đơn liên tục. Với mỗi đơn giao thành công, An mất 28% cước phí vào tay công ty.
Tuy nhiên, đơn đầu tiên trong ngày không như ý khi số điện thoại khách đưa bị lỗi, An chờ nửa giờ vẫn chưa có người nhận hàng. Báo cáo tổng đài, An nhận được câu trả lời là mang hàng về trả cho công ty, coi như shipper mất công chạy xe nhiều lượt (nhận hàng, giao hàng và trả hàng-PV) nhưng không được tiền cuốc đó.
Những shipper ế đơn
Trái với tình cảnh "chạy không kịp thở" của những người làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, shipper thuộc nhóm giao đồ ăn qua app bị giảm đơn, tăng thời gian trống trong giờ làm việc, khiến họ vạ vật chờ đợi dưới thời tiết nắng nóng.
Khoảng 15h, anh Q. (40 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM) ngồi uống nước tại một quán cóc đầu đường Cư xá Phú Lâm (quận 6). “Ế lắm! Nên tôi mới có thời gian ngồi nói chuyện, bấm điện thoại”, anh Q. cười, thẳng thắn đáp.
Hai tháng nay, shipper này nhận trung bình 10, 11 đơn/ngày - con số này đã giảm gần một nửa so với tháng 8/2023. “Khu vực quận 6 chia làm ba khu nhỏ: 6A, 6B và 6X. Riêng 6X là khu vực tôi chạy thường xuyên thì ít đơn hơn so với hai nơi còn lại. Việc phân chia khu vực cũng tùy thuộc công ty nên chúng tôi không can thiệp”, anh Q. chia sẻ.
Anh Q. ra khỏi nhà đều đặn vào 10h55 hàng ngày, 16h thì về ăn cơm và nghỉ ngơi một lát trước khi bắt đầu ca tối kéo dài từ 17h55 đến 23h. Khi nhận bất cứ đơn nào, anh chạy hết tốc độ để giao nhanh cho khách, nếu không sẽ bị công ty phạt bằng cách giam đơn.
Về tiền thưởng, Q. cho biết mình nhận 500.000 đồng nếu chạy đủ 12 ca/tuần, mỗi ca kéo dài 5 giờ. Nếu chạy thêm chủ nhật, Q. sẽ được 30.000 đồng/ca. Như vậy, Q. có thể kiếm gần 600.000 đồng/tuần.
Shipper vốn là công việc tay trái của Q. khi tình hình công ty cũ khó khăn. Tuy nhiên, với thu nhập của shipper sụt giảm kéo dài, Q. dự định qua Tết sẽ tập trung làm công việc chính khác.
“Shipper lúc trước kiếm được lắm. Giờ thì tình hình kinh tế khó khăn, khách hàng tiết kiệm mà nhiều người thi nhau làm shipper, thành ra việc đã ít lại còn bị chia đều”, anh Q. bộc bạch.
Lát sau, một nữ đồng nghiệp của anh Q. tên là Ngọc (người xin được đổi tên vì sợ ảnh hưởng thu nhập) chạy xe tới.
Ngọc thường chạy khu vực 6B - theo lời Q. thì đây là khu vực tấp nập hơn “địa bàn” của anh. Tuy nhiên, nữ shipper cho biết số đơn mình nhận không nhiều hơn Q. là bao - chỉ khoảng vài đơn. Như hôm nay, Ngọc nhận được 13 đơn trong vòng 5 giờ.
Nhiều khi, cô ngồi đợi gần 3 tiếng vẫn chưa có đơn nào.
“6B chỉ có shipper chạy 8 tiếng (10h55-19h) may ra mới kiếm được, chứ còn (làm) 5 tiếng thì… thua”, cô bày tỏ.
Một lát sau, Ngọc có thêm đơn hàng mới, trong khi Q. trở về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi nửa tiếng trước khi làm ca tối với hy vọng kiếm thêm chút đỉnh bù cho cả ngày ế ẩm.