Vĩ mô

Hàn Quốc cần lao động, nhưng người lao động chỉ muốn kiếm tiền rồi về

Mặc dù dự kiến tiếp nhận số lao động nhập cư kỷ lục trong thời gian tới, Hàn Quốc vẫn chưa có chính sách quản lý nhập cư hiệu quả.

Hàn Quốc vẫn chưa có chính sách quản lý nhập cư hiệu quả. Ảnh: Hankyoreh.

Theo Korean Herald, không còn là một lựa chọn, chính sách thu hút người nhập cư là điều cấp thiết. Nếu không, Hàn Quốc sẽ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng khi dân số già nhanh và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Khó khăn của người nhập cư

“Những bộ phim truyền hình Hàn Quốc hay các idol K-pop có thể là một trong số những lý do bạn đến Hàn Quốc, nhưng thực tế không hào nhoáng như vậy. Tôi mong bạn không ở lại đất nước này quá lâu. Nếu tìm được một công việc ở đây, bạn nên tiết kiệm tiền và rời khỏi Hàn Quốc càng sớm càng tốt”, một người Canada từng là giảng viên tại một trường đại học ở Seoul đã chia sẻ trong buổi nói chuyện vào đầu năm nay dành cho các sinh viên nước ngoài mong muốn tìm được việc làm ở Hàn Quốc.

Sau khi tốt nghiệp một trường đại học công lập ở Canada, người này đến Hàn Quốc và làm giáo sư hơn ở đây hơn 15 năm nhưng chưa bao giờ thích nghi được với cuộc sống xã hội nơi đây.

Là lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng đồng nghĩa bạn không thể tham gia công đoàn. Mỗi lần thương lượng tiền lương, người này đều cân nhắc việc quay trở lại Canada.

Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ "tuyệt chủng" khi dân số già cao và tỷ lệ sinh thấp. Ảnh: The Star.

Cơn giận dữ thực sự đã bùng lên trong đại dịch Covid-19. Chính phủ Hàn Quốc đã phải triển khai gói cứu trợ khẩn cấp cho thường trú nhân và người nhập cư kết hôn với công dân nước này. Tuy nhiên, hầu hết cư dân quốc tế không nhận được hỗ trợ này.

Những người lao động nhập cư đảm nhiệm các công việc trên khắp Hàn Quốc thường gặp khó khăn trong việc thích nghi và làm việc hòa hợp với người Hàn Quốc. Khi thời gian tạm trú được cấp chính thức kết thúc, nhiều người trong số họ đã gia nhập hàng ngũ những cư dân không có giấy tờ.

Một thành viên của Ủy ban Chính sách Di cư, thuộc tổ chức tư vấn cho Bộ Tư pháp cho biết: “Những người lao động khi nhập cư vào sẽ được phân bổ trên các khu vực pháp lý khác nhau của chính quyền địa phương. Khi có vấn đề phát sinh, chính phủ để các công ty và chính quyền địa phương giải quyết”.

Người nhập cư bất hợp pháp vẫn tiếp tục tăng

Các chính sách của Bộ Tư pháp Hàn Quốc đối với cư dân quốc tế có 2 trọng tâm chính: thu hút lao động tài năng và trấn áp những người nhập cư không có giấy tờ. Tính riêng trong năm nay, Hàn Quốc đã thực hiện 3 cuộc truy quét những người cư trú bất hợp pháp, với hàng chục nghìn người bị trục xuất hoặc tự nguyện rời đi mỗi lần.

Nhiều người cư trú không giấy tờ bị trục xuất khỏi Hàn Quốc. Ảnh: The Japan Times.

Tuy nhiên, số lượng cư dân không có giấy tờ vẫn tiếp tục tăng. Theo thống kê hàng tháng của Bộ Tư pháp, khi chính phủ tiến hành cuộc trấn áp đầu tiên vào tháng 3, đã có 414.045 cư dân không có giấy tờ hợp lệ. Sang đến tháng 10, con số đó đã lên tới 430.389.

Udaya Rai, chủ tịch Công đoàn Người di cư, cho biết: “Số lượng cư dân không có giấy tờ tiếp tục gia tăng ngay cả khi chính phủ trấn áp họ rất mạnh mẽ. Điều này cho thấy sự thất bại trong các chính sách của chính phủ đối với người nhập cư”. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “xem xét để đảm bảo quyền ở lại đất nước, thay vì bắt giữ và trục xuất”.

Với hơn 430.000 người cư trú không có giấy tờ hiện sống ở Hàn Quốc, chính phủ hiện đã công bố kế hoạch tiếp nhận thêm 165.000 lao động nhập cư vào năm sau.

Bất chấp tình hình nghiêm trọng, phản ứng của chính phủ về vấn đề nhập cư vẫn rất tự mãn.

Sau khi được thành lập vào ngày 25/11/2022, ủy ban chính sách nhập cư của Bộ Tư pháp đã không tiến hành một cuộc họp nào. Mãi cho đến gần đây, khi các ý kiến được đưa ra trong cuộc kiểm toán quốc hội, ủy ban chỉ tổ chức đúng một cuộc họp duy nhất.

Chính phủ Hàn Quốc vẫn rất tự mãn về chính sách thu hút người nhập cư tài năng trong thời gian tới. Ảnh: The Korean Times.

Trong một báo cáo hoạt động đầu năm nay, Bộ đã công bố kế hoạch thành lập một “cơ quan di cư” chuyên dụng mới để đóng vai trò là “nơi kiểm soát chính sách di cư”. Cho đến nay, chưa có kế hoạch nào được trình bày để thành lập tổ chức này.

Hiện vẫn chưa có thông tin về kế hoạch cơ bản lần thứ tư về chính sách đối với người nước ngoài (2023–2027), dự kiến sẽ được Bộ trưởng Tư pháp soạn thảo 5 năm một lần theo Đạo luật Khung Xử phạt với người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc.

Liệu Bộ Tư pháp có thể thành công trong chính sách thu hút lao động quốc tế tiềm năng đến Hàn Quốc đồng thời giảm số lượng cư dân không có giấy tờ? Đây vẫn còn là một câu hỏi trong thời gian tới.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/han-quoc-can-lao-dong-nhung-nguoi-lao-dong-chi-muon-kiem-tien-roi-ve-post1447799.html