Đầu tư

Hàng loạt bệnh viện tư nhân mọc lên khắp TP.HCM

Làn sóng đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tư nhân đang nở rộ tại thành phố đông dân nhất Việt Nam. Đến hết năm 2022, TP.HCM có 61 bệnh viện tư, chiếm khoảng 20% cả nước.

Một trong những bệnh viện tư nhân được khánh thành mới nhất tại TP.HCM là Hoàn Mỹ Thủ Đức, tọa lạc tại phường Linh Xuân, TP Thủ Đức. Bệnh viện này có tổng diện tích hơn 13.000 m2 và là bệnh viện thứ 15 của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ - một trong những hệ thống bệnh viện tư nhân đầu tiên của Việt Nam, do bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng thành lập từ năm 1999.

Đến nay, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ sở hữu mạng lưới bệnh viện và phòng khám lớn nhất Việt Nam, trong đó có hai trung tâm y khoa Prima mới ra mắt từ năm ngoái, 15 bệnh viện và 6 phòng khám.

Sự bành trướng này được hậu thuẫn bởi Clermont Group của tỷ phú Singapore Richard Chandler. Thời điểm tập đoàn này mua lại năm 2013, Hoàn Mỹ mới có 5 cơ sở. Nhưng đến nay, Clermont Group đã tiến hành thâu tóm hàng loạt bệnh viện, phòng khám khắp cả nước, đồng thời xây dựng không ít cơ sở y tế mang thương hiệu Hoàn Mỹ.

Trong sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân, cần phải kể đến Bệnh viện Quốc tế Columbia Asia ở quận Bình Thạnh, TP.HCM. Đi vào hoạt động từ năm 1998, đây là bệnh viện tư nhân đầu tiên của Việt Nam được đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài.

Hiện hệ thống này đã có 2 bệnh viện và một phòng khám ở TP.HCM và Bình Dương, bên cạnh mạng lưới cơ sở khắp các nước Đông Nam Á. Năm 2019, Columbia Asia Healthcare đã được TPG Capital và Tập đoàn Hong Leong của Malaysia mua lại.

Khu vực quận Bình Thạnh cũng nhộn nhịp với nhiều hệ thống y tế, trong đó có Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park đi vào hoạt động từ cuối năm 2015. Tổng vốn đầu tư được công bố thời điểm đó là 1.200 tỷ đồng. Hiện thương hiệu của Tập đoàn Vingroup đã phát triển thành hệ thống 8 bệnh viện và 2 phòng khám khắp cả nước, riêng tại TP.HCM có 2 cơ sở.

Còn ở phía Đông thành phố có Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) của Công ty CP Bất động sản Tiến Phước khánh thành cuối năm 2018. Nhưng đến năm ngoái, Raffles Medical Group của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong đã công bố mua phần lớn cổ phần với định giá bệnh viện ở mức 45,6 triệu USD.

Trước đó, một thương vụ "sang tay" đáng chú ý khác là Thomson Medical Group của tỷ phú Peter Lim (Singapore) mua lại toàn bộ cổ phần tại Bệnh viện FV (quận 7, TP.HCM) với giá hơn 9.000 tỷ đồng (381,4 triệu USD). Đây được coi là thương vụ lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Đông Nam Á kể từ năm 2020.

Sự phát triển của thị trường y tế tư nhân cũng được thúc đẩy bởi sự mở rộng của nhiều hệ thống phòng khám. Trong đó, một trong những hệ thống đang nổi lên những năm gần đây là Victoria Healthcare, do bác sĩ người Mỹ Mason Cobb và bác sĩ Nguyễn Vĩnh Tường sáng lập từ năm 2005. Đến nay, Victoria Healthcare có tổng cộng 4 phòng khám ở TP.HCM.

Dù vậy, chia sẻ tại một sự kiện mới đây, GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết y tế tư nhân mới chỉ chiếm 7% trong toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam. Ông cho rằng việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các bệnh viện trong nước như thời gian qua sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành y tế.

Vị trí một số bệnh viện, phòng khám lớn ở TP.HCM. Ảnh: Google Maps.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/hang-loat-benh-vien-tu-nhan-moc-len-khap-tphcm-post1454373.html