Đoạn đường Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu dọc bờ kè biển Mũi Né (Phan Thiết) được mệnh danh là "thủ phủ resort" khi có hàng chục resort được xây dựng tại đây. Nhờ vậy, người dân sở hữu mặt bằng trên đoạn đường này cũng hưởng lợi cùng với lượng khách du lịch lớn. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 ập đến, hoạt động kinh doanh nơi đây bị ảnh hưởng nặng nề và đến nay vẫn chưa hoàn toàn hồi phục.
Một tiểu thương kinh doanh đồ lưu niệm tại đây cho biết khoảng 40-50% cửa hàng trên tuyến đường này hiện vẫn chưa hoạt động trở lại. Người này cho rằng lượng khách của họ chủ yếu là khách nước ngoài, đặc biệt là khách Nga. Tuy nhiên, do chiến tranh Nga - Ukraine vẫn chưa kết thúc, bên cạnh đó kinh tế thế giới khó khăn mà lượng khách đến đây vẫn còn thưa thớt, chủ yếu là khách nội địa.
"Du khách Việt ít khi quan tâm đến đồ lưu niệm, chủ yếu khám phá Mũi Né là chính. Mặt khác, mua bán online hiện rất phát triển, du khách trong nước cũng không nhất thiết phải tay xách nách mang cồng kềnh để đem quà về. Do vậy mới xảy ra tình trạng tạm đóng cửa nhiều mặt bằng tại đây", tiểu thương này giải thích lý do không bán được hàng.
Thực tế, nhiều nhà hàng, quán ăn, cửa hàng kinh doanh trên cung đường này hiện vẫn trong tình cảnh "cửa đóng then cài" với những vật dụng ngổn ngang. Trong khi đó, những cửa hàng, quán ăn hoạt động trở lại chủ yếu mở cửa vào buổi tối do ban ngày đoạn đường này rất vắng vẻ.
Trong bối cảnh này, nhiều chủ mặt bằng buộc phải giảm giá thuê, thậm chí hạ giá lên tới 50% so với thời điểm trước dịch Covid-19 bùng phát.
Trao đổi với Zing, chủ một mặt bằng kinh doanh 7x25 m trên đường Nguyễn Đình Chiểu cho biết hiện giá thuê đã giảm gần một nửa nhưng không mấy người quan tâm. "Mặt bằng này trước đây tôi cho thuê 25 triệu đồng/tháng, bao gồm một số máy móc spa. Giờ đây chỉ đang rao cho thuê 15 triệu đồng/tháng, nếu khách thuê có thiện chí tôi có thể giảm hơn. Tuy nhiên, khi lượng khách ổn định và cửa hàng kinh doanh tốt tôi sẽ lấy giá thuê cao lên", chị nói.
Một mặt bằng có tổng diện tích 320 m2 nằm trên tuyến đường này đang được rao cho thuê với 200 triệu đồng/tháng cũng trong tình trạng tương tự. Chủ nhà cho biết đã giảm 50 triệu/tháng so với trước dịch, nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê. "Tôi có thể giảm giá thêm cho khách thuê trong năm đầu tiên, còn nếu ký dài hạn hơn, giá thuê sẽ dao động theo lượng khách du lịch", chị nói với Zing.
Không chỉ cửa hàng, quán ăn, một số resort tại đây cũng trong tình trạng vắng vẻ du khách. Trong đó, một số nơi buộc phải tối ưu chi phí vận hành bằng cách chỉ hoạt động vào những ngày cuối tuần, bên cạnh đó, vẫn có một số resort đã phải rời đi, không còn khai thác vị trí đắc địa này.
Coco Beach (Mũi Né, Phan Thiết) được xem là resort đầu tiên ở Việt Nam khi đi vào hoạt động từ năm 1995. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khu nghỉ dưỡng này đã phải đóng cửa, dừng hoạt động.
Sau 3 năm, khi mọi thứ bắt đầu "bình thường mới", nơi này vẫn trong trạng thái "cửa đóng then cài" khiến người làm du lịch tại đây không khỏi tiếc nuối.
Hiện những phòng bên trong khu nghỉ dưỡng đã được dỡ bỏ. Tại khuôn viên, hồ bơi hiện đọng đầy nước mưa, bắt đầu phủ rêu xanh. Đồng thời, những cây dừa bên trong resort cũng không còn được chăm chút.
Trong khi đó, đại diện Resort Seahorse thừa nhận phải nỗ lực mới giữ được công suất thuê phòng 50%. "Hiện công suất phòng tại resort vẫn chưa hồi phục hẳn, từ Tết Nguyên đán tới nay, chúng tôi cố gắng lắm mới đạt công suất 50%", ông Trần Anh Thi - Giám đốc điều hành Seahorse - nói với Zing.
Để làm được điều này, bà Ngô Khánh Hân - FOM tại Resort Seahorse - cho biết resort đã đưa ra nhiều ưu đãi hơn để thu hút khách. "Vì thị trường nước ngoài chưa có nên mình phải đánh mạnh vào khách của các tỉnh lân cận, đưa nhiều chương trình khuyến mãi. Hiện giảm giá thì cũng có, nhưng khách Việt họ thích có combo ăn uống trong đó, có thể là mình sẽ không tặng tất cả bữa ăn trong ngày, nhưng sẽ có 1-2 bữa chính, hoặc tặng kèm theo các dịch vụ massage", bà Hân nói.
Thời gian tới, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khánh thành vào dịp 30/4-1/5 được xem là cú hích cho du lịch tỉnh Bình Thuận nói chung, Mũi Né nói riêng khi thời gian di chuyển từ TP.HCM chỉ khoảng 2 giờ. "Sau cao tốc chắc chắn khách du lịch sẽ đến Mũi Né nhiều hơn, đặc biệt là lượng khách từ TP.HCM", ông Thi khẳng định.
Đại diện resort này khẳng định so với năm ngoái, lượng khách đặt phòng dịp lễ 30/4 năm nay đã tăng mạnh. Hiện tại, lượng khách đặt phòng vào ngày 29-30/4 đã đạt 100%, còn ngày 1-3/5 là 70%. Ngoài hưởng lợi từ việc cao tốc khánh thành, kỳ nghỉ dài cũng là nguyên nhân khiến lượng khách du lịch tăng cao.
Tương tự, nhiều resort nổi tiếng ở Mũi Né như The Anam, The Cliff Resort and Residences, Anantara Mui Ne Resort, Mường Thanh Holiday Mũi Né đều đã kín phòng trong dịp lễ.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, cho biết toàn tỉnh dự kiến đón khoảng 160.000 lượt khách tham quan, lưu trú trong dịp lễ 30/4-1/5 năm nay. Con số này vẫn thấp hơn giai đoạn trước dịch Covid 19 với 175.000 lượt khách vào năm 2019, nhưng đã tăng vượt trội so với 3 năm gần đây là 2022 (80.000 lượt), năm 2021 (60.000 lượt) và năm 2020 (35.000 lượt).