Thị trường tiêu dùng

Hãng trang phục thể thao hưởng lợi nhờ cơn sốt pickleball

Trang phục, dụng cụ tập luyện pickleball là "miếng bánh béo bở" của các hãng thời trang, nhất là khi môn thể thao này đang chinh phục lượng lớn người chơi với tốc độ nhanh chóng.

Pickleball, môn thể thao kết hợp nhiều đặc điểm của quần vợt, bóng bàn và cầu lông, trở thành một xu hướng trong thời gian gần đây. Thị trường thiết bị, trang phục pickleball nhanh chóng “ăn theo” môn thể thao này, nhanh chóng trở nên sôi động với sự tham gia của nhiều nhãn hàng. Trong 3 năm qua, tổng giá trị lĩnh vực thiết bị quần vợt, bóng bàn, cầu lông và pickleball tăng trưởng gấp 6 lần tại Mỹ, theo The Guardian.

Sydney Steinaker, một vận động viên pickleball tại Mỹ, thường xuyên đăng tải video tham gia môn thể thao này trên mạng xã hội. Cô cho biết phụ kiện và trang phục pickleball ngày càng phong phú. Steinaker đã nhìn thấy những đôi giày màu neon, váy bồng xoè và tất cao cổ trên sân tập. Người chơi bộ môn này cũng tương đối đa dạng, bao gồm sinh viên, luật sư, đầu bếp hay người lao động về hưu. Sau khi trở thành môn thể thao phát triển nhanh nhất trong lịch sử Mỹ, pickleball ngày càng gia tăng sức hút tại Anh. Số lượng sân chơi bộ môn này ở Anh lên đến con số hơn 200. Câu lạc bộ Pickleball England cũng đặt mục tiêu đạt 25.000 thành viên vào năm 2025.

Theo Lara Mead, đồng sáng lập thương hiệu Varley (London, Anh), pickleball có nhiều điểm khác biệt so với quần vợt, đòi hỏi thiết bị, trang phục khác. Nhãn hàng Varley mới ra mắt bộ sưu tập váy áo, bao gồm chân đầm xếp nếp, quần giả váy, đồ dệt kim,... Thương hiệu sử dụng phương pháp tiếp thị qua người có sức ảnh hưởng, nhanh chóng nhân rộng sự phổ biến của trang phục tập luyện pickleball.

Sau 4 tháng ra mắt, bộ sưu tập đồ tập pickleball mang đến doanh số lớn cho Varley. Nhận ra xu hướng này, các thương hiệu trang phục thể thao danh tiếng nhanh chóng nhập cuộc, cùng chia sẻ “miếng bánh béo bở”. Nike và Fila tập trung phát triển áo quần phục vụ thi đấu chuyên nghiệp. Trong khi đó, các nhãn hàng trẻ nỗ lực làm mờ ranh giới giữa tập luyện và giải trí, giúp trang phục pickleball trở nên thoải mái, trẻ trung hơn. Nhà thiết kế Norma Kamali nhanh chóng nắm bắt xu hướng này, trình làng dòng pickle dress được làm từ chất liệu vải thun co giãn, thấm hút mồ hôi. Thiết kế liền thân này có 2 kiểu dáng: bất đối xứng và cúp ngực.

Lara Mead cho biết thêm rằng trang phục dành cho người chơi pickleball phải đảm bảo yếu tố thoải mái và an toàn. Vì người mặc phải vận động liên tục, thương hiệu của Mead chỉ sử dụng chất liệu thấm hút mồ hôi tốt. Chân đầm, váy đều được bổ sung quần short che chắn phía bên trong, tránh tạo ra tình huống nhạy cảm. Áo ngực cũng có khả năng hỗ trợ nâng đỡ, tránh gây ra tình trạng khó chịu khi hoạt động. Bên cạnh những chức năng cần thiết, nhãn hàng cũng tập trung mang đến kiểu dáng trang phục đẹp, đề cao tính thẩm mỹ. Như vậy, người chơi không chỉ mặc trên sân mà còn có khả năng diện những bộ đồ này khi đi ăn trưa, hẹn cà phê sau đó.

Tuy nhiên, khi pickleball trở nên phổ biến hơn, các giải đấu chính thức diễn ra, trang phục thi đấu cũng bắt đầu được quy định. Các vận động viên chuyên nghiệp tham gia giải đấu PPA Masters được yêu cầu diện trang phục màu trắng. Một số đội tuyển bắt đầu thiết kế áo thi đấu và đồng phục, thể hiện tinh thần tập thể, tạo dấu ấn riêng.

Sydney Steinaker cho rằng sự quy chuẩn hoá trang phục luyện tập là xu hướng tất yếu. Sự chuyên nghiệp hoá đã diễn ra đối với nhiều môn thể thao từ trước đến nay. Tuy nhiên, quy định đồ tập có thể nhận về sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng người chơi. Pickleball là sự kết hợp giữa giải trí và thể thao, dành cho cộng đồng. Sự độc đáo của bộ môn này là gắn liền với phong cách sống của người tham gia. “Pickleball có tính chất độc đáo. Quần áo chơi môn thể thao này vì thế cũng độc đáo, đa dạng”, Steinaker nói.

Ảnh: Staud, @mitgramm, @_hatmitmit_

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/pickleball-gay-sot-do-tap-cung-an-theo-post1469144.html