Doanh nghiệp

Hé lộ trí tuệ nhân tạo đằng sau thành công định giá 66 tỷ USD của Shein

Khi các công ty phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách trong môi trường kinh tế đầy thách thức từ thời kỳ đại dịch, công ty thời trang nhanh Shein lại là một trong những công ty mở rộng nhanh nhất. Và AI chính là chìa khóa vàng để họ tối ưu toàn bộ chuỗi cung ứng từ đó tạo ra doanh thu…

Hé lộ trí tuệ nhân tạo đằng sau thành công định giá 66 tỷ USD của Shein

Shein từng bị ba nhà thiết kế đệ đơn kiện lên tòa án liên bang California vì vi phạm bản quyền, công ty thời trang nhanh đã sao chép tác phẩm của họ và kinh doanh những sản phẩm này.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Shein bị kiện, nhưng lần này, Shein bị cáo buộc là sở hữu một thuật toán “bí mật” có thể thao túng dữ liệu thị trường và kết quả tìm kiếm, từ đó tìm ra những thiết kế xu hướng và sao chép những ý tưởng có hiệu quả thương mại tốt nhất. Hậu quả là khiến việc môi trường cạnh tranh không còn công bằng.

Vụ kiện của Shein gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng AI có trách nhiệm

Ngoài ra, cũng theo các nguyên đơn, thuật toán của Shein còn tạo ra thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm, bao gồm mức độ phổ biến của sản phẩm, đánh giá của khách hàng và xu hướng giá cả. Ngoài ra, bằng cách thổi phồng các số liệu hiệu suất và ngăn chặn phản hồi tiêu cực, người dùng có thể bị đánh lừa về chất lượng và sự phổ biến của sản phẩm.

Shein bị cáo buộc đạo văn thiết kế “hoa nở” (trái) của một trong những nhà thiết kế

Việc thao túng dữ liệu thị trường như vậy sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Người tiêu dùng sẽ đưa ra quyết định mua hàng dựa trên những thông tin không chính xác hoặc sai lệch. Điều này không chỉ gây tổn hại đến niềm tin của người tiêu dùng mà còn phá vỡ động lực cạnh tranh, gây bất công với những doanh nghiệp khác trong ngành.

Chính vì vậy, để giảm thiểu những rủi ro và thách thức tiềm ẩn khi áp dụng công nghệ AI, các chuyên gia một lần nữa yêu cầu thiết lập các quy định về sử dụng AI có trách nhiệm.

Shein: Công ty thương mại điện tử thế hệ mới được điều khiển bằng AI

Trong vài năm qua, Shein đã nhanh chóng trở thành một trong những công ty thời trang phát triển nhanh nhất thế giới. Chìa khóa cho sự thành công này là khả năng sản xuất quần áo nhanh chóng, chi phí sản xuất rẻ, từ đó sản phẩm được cung cấp liên tục trên thị trường với giá cực kỳ thấp.

Một yếu tố quan trọng là khả năng nắm bắt xu hướng cực nhanh chóng của Shein nhờ công nghệ AI, kết hợp cùng năng lực sản xuất cho phép công ty đáp ứng nhu cầu của thị trường một cách dễ dàng. Theo Vox , các nhà phân tích gọi mô hình kinh doanh của Shein là “bán lẻ thời gian thực” vì công ty này thậm chí có thể tạo ra các thiết kế mới chỉ trong vòng ba ngày.

Ngoài việc dự đoán xu hướng thời trang, Shein còn sử dụng AI để đưa ra những khuyến nghị chính xác. Bằng cách phân tích lịch sử người dùng, hành vi duyệt web và sở thích, Shein có thể đưa ra những đề xuất sản phẩm cá nhân hóa cho từng người dùng, cải thiện trải nghiệm mua sắm, gia tăng lòng trung thành của khách hàng từ đó tăng doanh số bán hàng hiệu quả.

Hơn nữa, Shein còn sử dụng AI cho các hoạt động chăm sóc khách hàng. Nhờ hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) và chatbot tiên tiến, Shein có thể nhanh chóng trả lời các câu hỏi của người dùng với những câu trả lời chi tiết cũng như đề xuất làm hài lòng của khách hàng.

Hiện tại, hoạt động kinh doanh của Shein bao trùm hơn 220 quốc gia và khu vực trên toàn cầu, điều này đặt ra cho Shein thách thức về hậu cần trong việc mở rộng quy mô. Để giải quyết vấn đề này, Shein một lần nữa sử dụng AI để lưu kho và phân phối thông minh. Cụ thể, hệ thống trí tuệ nhân tạo giúp họ phân tích dữ liệu đơn hàng và tồn kho trong kho, Shein có thể tự động hóa việc quản lý kho và lên lịch cho các phương tiện giao hàng. Và kết quả là AI thực sự giúp họ nâng cao hiệu quả và độ chính xác của hoạt động hậu cần.

Bằng cách áp dụng AI đúng và trúng các khâu từ thiết kế, sản xuất đến bán hàng, Shein đã nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm người dùng trên toàn bộ chuỗi giá trị. Nói cách khác, Shein không chỉ là một nền tảng thương mại điện tử truyền thống mà còn là một công ty thương mại điện tử thế hệ mới được điều khiển chủ yếu bởi AI.

Giải mã mô hình kinh doanh của Shein

Trong vòng tài trợ mới nhất vào tháng 5 năm nay, Shein đã huy động được 2 tỷ USD, đưa định giá công ty đạt 66 tỷ USD. Vòng cấp vốn này được dẫn đầu bởi Sequoia Capital, Atlantic Investments và Công ty đầu tư Mubadala, quỹ tài sản có chủ quyền của Abu Dhabi.

Quy mô khổng lồ của Shein ngày nay có nguy cơ làm lu mờ sự khởi đầu tương đối khiêm tốn của nó. Được thành lập từ đầu năm 2008, nhưng chỉ đến năm 2015, công ty mới bắt đầu bước vào quỹ đạo tăng trưởng. Doanh thu của công ty đạt khoảng 610 triệu USD vào năm 2016, 1,55 tỷ USD vào năm 2017, 1,99 tỷ USD vào năm 2018 và xấp xỉ 3,15 tỷ USD vào năm 2019.

Shein tăng trưởng bùng nổ

Thậm chí, bất chấp những biến động của đại dịch năm 2020, doanh thu của công ty vẫn tăng vọt lên 9,81 tỷ USD, tăng trưởng theo cấp số nhân. Con số này đạt 15,7 tỷ USD vào năm sau, trước khi đạt mức cao mới khi đạt doanh thu 22,7 tỷ USD vào năm 2022 . Để so sánh điều này, doanh thu hàng năm của Shein vào năm 2022 là khoảng 20% của Alibaba (116,8 tỷ USD) và gần 130% của Pinduoduo (17,8 tỷ USD). Theo những người trong cuộc am hiểu vấn đề, Shein đã đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 40% trong năm nay.

Shein là một trong những công ty thương mại điện tử tiên phong trong mô hình “đơn đặt hàng nhỏ, trả lại nhanh”, nghĩa là họ thử nghiệm thị trường với số lượng đặt hàng ban đầu nhỏ để xem khả năng thành công, nếu sản phẩm hiệu quả, công ty sẽ tăng đơn đặt hàng sản xuất cho mặt hàng đó tại nhà máy.

Không giống như sản xuất theo đơn đặt hàng truyền thống, mô hình linh hoạt này giúp công ty giảm đáng kể hàng tồn kho và thay đổi logic cơ bản của toàn bộ chuỗi cung ứng. Hiện tại, tỷ lệ tồn kho chưa bán được của Shein chỉ là 10%, chỉ gần bằng một nửa so với thương hiệu thời trang nhanh toàn cầu Zara (15%).

Quản lý các nhà cung cấp B2B như một công ty B2C

Thông thường, các nhà sản xuất quần áo truyền luôn ưu tiên hợp tác với các nhà cung cấp lớn, ổn định. Ngược lại, Shein thường hợp tác với các nhà cung cấp nhỏ hơn mình, đôi khi chỉ là các nhà máy xưởng.Chiến lược này chủ yếu xuất phát từ việc các nhà máy lớn không có khả năng đáp ứng nhu cầu của mô hình “đơn hàng nhỏ, trả lại nhanh”.

Tuy nhiên, việc quản lý các nhà cung cấp quy mô nhỏ hơn có thể đặt ra những thách thức riêng. Để giải quyết những vấn đề này, Shein đã xây dựng nền tảng “nhà máy đám mây”, về cơ bản là hệ thống chuỗi cung ứng số hóa, sử dụng tính năng đặt giá thầu dựa trên nền tảng để cộng tác với các nhà cung cấp của mình.

Shein đã tạo ra nền tảng nhà cung cấp B2B trực tuyến với hàng trăm nhà cung cấp vải và phụ kiện, giúp các bên không chỉ giao dịch nguyên liệu và phụ kiện một cách thuận tiện mà hơn hết giúp các nhà cung cấp dễ dàng chấp nhận các đơn đặt hàng từ trang web của Shein. Tất cả quy trình đều được khép kín trên nền tảng của Shein

Shein tập trung toàn lực vào tiếp thị kỹ thuật số

Với sự phổ biến của hoạt động tiếp thị trên mạng xã hội và phát trực tiếp, Shein tập trung vào 3 yếu tố quan trọng: mạng xã hội, những người có ảnh hưởng và thuật toán đề xuất.

Shein không chỉ thiết lập tài khoản trên các nền tảng lớn ở nước ngoài như Facebook, Twitter, Instagram, Pinterest và TikTok mà còn tạo hơn 80 tài khoản phụ phù hợp với các thị trường khu vực khác nhau. Điều này tạo thành một ma trận tài khoản trong đó tài khoản chính hướng lưu lượng truy cập đến các tài khoản phụ. Mỗi tài khoản phụ phục vụ một đối tượng mục tiêu cụ thể, tạo điều kiện cho sự khác biệt trong chiến lược tiếp thị.

Để khuyến khích người dùng truy cập thường xuyên vào trang web và ứng dụng di động Shein, công ty đã giới thiệu nhiều trò chơi tương tác với người dùng và hệ thống tính điểm. Người dùng tích lũy điểm khi đăng nhập thường xuyên, tham gia trò chơi, chia sẻ nội dung và tham gia thảo luận. Những điểm này có thể được sử dụng trực tiếp để đổi lấy chiết khấu khi mua sản phẩm từ Shein, với 100 điểm tương đương khoảng một 1 USD.

Shein dạy chúng ta điều gì về AI

Khi định giá và vốn hóa thị trường tiếp tục giảm, việc sa thải nhân viên chắc chắn đã trở thành thông lệ. Tất cả các ngành đều đang phải vật lộn với những thách thức và triển vọng đáng lo ngại của nền kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, việc đổi mới với những chiến lược đột phá dựa trên công nghệ là cách hiệu quả nhất để tối ưu mô hình hoạt động của doanh nghiệp.

Mặc dù sau vụ kiện, Shein có thể đã bị chỉ trích, nhưng thành công của họ đã nhấn mạnh một sự thật: khi AI được áp dụng đúng cách, nó sẽ là một trong những chất xúc tác tốt nhất để tạo ra lợi nhuận cho doanh doanh nghiệp…

Link bài gốcLấy link
https://vneconomy.vn/techconnect//he-lo-tri-tue-nhan-tao-dang-sau-thanh-cong-dinh-gia-66-ty-usd-cua-shein.htm