Qua các cuộc phỏng vấn với 25 nhà đầu tư, tác giả William Green tin rằng họ là những nhân vật kiệt xuất, có thể dạy chúng ta nhiều điều hơn là làm giàu.
Phần lớn những cuốn sách viết về đầu tư thường tập trung vào con đường tìm kiếm thành công đến từ tiền bạc, giàu có. Tuy nhiên, cuốn Giàu có hơn, khôn ngoan hơn, hạnh phúc hơn của nhà báo William Green lại chỉ ra rằng tiền cũng quan trọng, nhưng nó không phải là yếu tố cốt lõi làm nên cuộc sống dư dả.
Nói cách khác là thành công không chỉ giới hạn ở những con số trong tài khoản ngân hàng hay việc bạn giàu có cỡ nào, mà nó còn ở quãng đường bạn đi bao xa để trở thành con người mà bạn mong muốn. Và quãng đường đó chính là: hành trình phát triển bản thân, sống và hưởng thụ đúng nghĩa / hành trình để đạt được sự viên mãn trong cuộc sống của bạn.
Bài học từ những gã khổng lồ
Trong cuốn sách, dựa trên những cuộc phỏng vấn trong suốt 25 năm với các nhà đầu tư tài ba, William Green không chỉ chỉ ra cách thức đầu tư để thành công mà còn chia sẻ những bài học kinh nghiệm để đạt được sự viên mãn trong cuộc sống.
“Tôi đã dành ra hàng trăm giờ đồng hồ để phỏng vấn hơn 40 nhà đầu tư ở khắp mọi nơi, từ Los Angeles cho đến London, từ Omaha cho đến Mumbai. Trong số họ, bạn sẽ gặp những nhân vật kiệt xuất đã và đang quản lý hàng nghìn tỷ đôla cho hàng triệu khách hàng. Tôi hy vọng, những nhà đầu tư phi thường này sẽ khai sáng và làm phong phú thêm cuộc sống của bạn”, Green viết.
Green cũng tin rằng những nhà đầu tư vĩ đại nhất có thể dạy chúng ta nhiều điều hơn là làm giàu. Họ là những nhà tư tưởng tự do, thực dụng, luôn tìm kiếm mọi hiểu biết sâu sắc có thể mang lại cho họ lợi thế cả trên thị trường lẫn cuộc sống. “Tôi tin rằng những gã khổng lồ đích thực của giới đầu tư có thể giúp chúng ta giàu có hơn, khôn ngoan hơn và hạnh phúc hơn”. Green quả quyết.
Giàu có hơn, khôn ngoan hơn, hạnh phúc hơn cố gắng làm sáng tỏ hai câu hỏi tổng quát (Theo tác giả đây cũng là những câu hỏi khởi nguồn cho cuốn sách này): Những nguyên tắc, cách thức, hiểu biết, thói quen và đặc điểm tính cách nào giúp các nhà đầu tư thành công nhất đánh bại thị trường trong thời gian dài và trở nên giàu có một cách ngoạn mục? Quan trọng hơn, làm thế nào chúng ta có thể học hỏi công thức thành công của những bậc thầy đầu tư này để tạo nên thành công cho riêng mình?
Cái nhìn cá nhân và triết lý sống của các nhà đầu tư
Từ khởi nguồn trên, qua từng chương sách (sách gồm 8 chương, không tính phần mở đầu và kết luận), tác giả lần lượt đưa chúng ta gặp gỡ và tham gia vào cuộc trò chuyện với những nhà đầu tư tài ba. Từ những cuộc trò chuyện này, chúng ta được tiếp cận cái nhìn cá nhân độc đáo và triết lý sống của mỗi nhà đầu tư, cũng như hành trình dẫn đến thành công mà họ đã trải qua.
Green cho biết ông nhận thấy một điều thú vị rằng rất nhiều nhà đầu tư mà ông có cơ hội gặp gỡ là những người lôi cuốn và khác biệt đến kỳ lạ. Việc được trò chuyện với họ là cơ hội không thể tốt hơn để dung nạp kiến thức.
Jack Bogle nhà sáng lập quỹ Vanguard đang quản lý 6,2 nghìn tỷ đôla, đồng thời cũng là biểu tượng của quỹ đầu tư chỉ số đã trò chuyện với Green về những bài học đầu tư từ thuở sơ khai mà ông tiếp thu được từ người thầy và cũng là của mình, đó là Walter Morgan: “Đừng chạy theo đám đông, cũng đừng mạo hiểm quá mức… Hãy giữ cho chi phí bỏ ra ở mức thấp” và “Đám đông luôn luôn sai”.
Peter Lynch, nhà quản lý quỹ lừng lẫy của Fidely thì kể cho Green cách ông trở nên thành công là nhờ nỗ lực hơn người. Ông cũng đề cập đến tính chất khó lường của thị trường và sự khiêm nhường cần có của một nhà đầu tư: “Bạn đạt rất nhiều điểm A và B ở trường, nhưng có thể nhận toàn điểm F trên thị trường chứng khoán. Và nếu chỉ cần đúng được 6 đến 7 trên tổng số 10 lần thì bạn đã thành công rồi”.
Bill Miller - người đầu tiên đánh bại chỉ số S&P 500 (chỉ số S&P 500) trong 15 năm liên tiếp thì nói với Green rằng, đầu tư là một quá trình tính toán xác suất không ngừng nghỉ: “Tất cả chỉ là xác suất. Không có gì là tuyệt đối.
Tiếp theo, phải kể đến Bill Ruane - một trong những nhà đầu tư chứng khoán thành công nhất thế hệ của ông - đã chia sẻ với Green bốn tôn chỉ mà ông đã lĩnh hội từ Albert Hettinger từ những năm 1950. “Những nguyên tắc ấy tuy đơn giản nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tôi… Chúng định hình phần lớn các triết lý sống của tôi kể từ đó đến nay… Và chúng cũng là những lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể đưa ra cho mọi người”.
Đầu tiên Ruane cảnh báo “Đừng bao giờ vay tiền mua cổ phiếu” bởi vì “chúng ta thường không hành động một cách lý trí bằng những khoản tiền vay mượn”. Điều thứ hai “Hãy cẩn thận với các tác động”. Tức là hãy thận trọng khi thấy thị trường trở nên điên cuồng, bởi khi đó đám đông đang hoảng loạn hoặc đang đổ xô đi mua vào các cổ phiếu, bất chấp những định giá bất hợp lý.
Điều thứ ba, hãy bỏ ngoài tai những dự đoán về thị trường. Lý do Ruane tin chắc rằng không ai biết thị trường biến động ra sao… Điều quan trọng là tìm ra một ý tưởng đầu tư hấp dẫn và lựa chọn mã cổ phiếu có giá trị thấp hơn giá trị nội tại của doanh nghiệp đó”. Nguyên tắc thứ tư (đối với Ruane là quan trọng nhất) là hãy đầu tư vào một số cổ phiếu mà bạn đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đến mức bạn có được mặt lợi thế về mặt thông tin với những cổ phiếu đó.
Tiếp đó, Green còn dẫn chúng ta vào các cuộc trò chuyện với Warren Buffett, Charlie Munger, Christopher Davis, Ed Thorp, Francis Chou, Francois Rochon, John Templeton…
Qua các cuộc trò chuyện với các nhà đầu tư này, Green cho biết ông dần hiểu ra một điều rằng, họ chính là những cá nhân kiệt xuất với khối óc vượt ra ngoài chuẩn mực xã hội. Họ không ngần ngại chất vấn và thách thức những giới hạn thông thường. Họ hưởng lợi từ chính những nhận thức sai lệch và những lỗi lầm của người khác - những người có cách suy nghĩ chủ quan, thiếu lý trí, cẩn trọng.
“Trên thực tế, một trong những lý do quan trọng của việc học hỏi các nhà đầu tư được kể trong cuốn sách này, đó là họ không chỉ dạy cho chúng ta làm thế nào trở nên giàu có mà còn cả cách cải thiện lối tư duy và ra quyết định”, Green viết.