Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.
Với sự tham gia của các lãnh đạo bộ, ngành và địa phương, hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội quý II năm 2023 và thời gian tới...
TP.HCM ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết Nghị định 07 về quản lý trang thiết bị y tế đã cơ bản tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang bị, vật tư y tế. Hoạt động của các bệnh viện từ đó đã cơ bản trở lại bình thường.
Mặt khác, nhiều vấn đề liên quan thanh toán chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, tiếp nhận các trang thiết bị, vật tư được hiến tặng… cũng được giải quyết.
Bà Lan nhắc tới nhiều ví dụ cụ thể như Bệnh viện Việt Đức đã mở lại 5 gói thầu trước đây phải dừng, Bệnh viện Bạch Mai vừa mở được gói thầu trị giá 200 tỷ đồng...
Cuối tuần qua, Bộ đã tiến hành gia hạn đợt 3 giấy phép lưu hành thuốc. Đến nay, hơn 10.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế đã được gia hạn.
Cùng chia sẻ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay thành phố vừa hoàn thành việc mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế trị giá 1.481 tỷ đồng. Các bệnh viện cũng cơ bản thực hiện được việc mua sắm, các khó khăn nhìn chung được giải quyết tuy một số bệnh viện còn lúng túng.
Thông tin thêm về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM, ông Mãi cho biết qua khảo sát, các doanh nghiệp gặp 4 nhóm khó khăn về thị trường thu hẹp (hơn 41% doanh nghiệp). Giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu vốn, thiếu nhân lực cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó khăn.
Thời gian tới, một trong những ưu tiên của thành phố là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về các vấn đề này, đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…
Nghiên cứu việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận bên cạnh những kết quả đạt được, các khó khăn, thách thức còn nhiều.
Theo đó, tình hình kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng chưa được như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, lạm phát cơ bản quý I tăng 5,01% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động tình hình trong nước.
Cùng với đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, một số trung tâm công nghiệp lớn tăng trưởng sụt giảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn, nhất là trong tiếp cận vốn.
Thủ tướng chỉ ra một số nguyên nhân quan trọng như tác động rất nặng nề từ thị trường quốc tế. Đại dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng hậu quả còn kéo dài, không thể giải quyết trong một vài năm, tác động nhiều mặt tới sản xuất kinh doanh.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng một số khó khăn, yếu kém của nội tại nền kinh tế kéo dài nhiều năm nhưng bộc lộ rõ nét sau đại dịch Covid-19. Một số bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu chủ động, chưa kịp thời trong phản ứng chính sách.
"Một bộ phận cán bộ còn trì trệ, trách nhiệm chưa cao, thậm chí né tránh, sợ trách nhiệm, nhất là liên quan tới định giá, đấu thầu, mua sắm", Thủ tướng nói và nhấn mạnh bài học cán bộ bám sát thực tiễn, phản ứng nhanh với tình hình, chủ động, hiệu quả hơn, không né tránh, đùn đẩy.
Trước dự báo tình hình quốc tế còn phức tạp và khó lường, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỷ giá, tăng trưởng và lạm phát, cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình bên trong và bên ngoài.
Các đơn vị liên quan được yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo sinh kế cho người dân. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, môi trường, bảo đảm đời sống của người dân; giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan, không để thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân...
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan ngân hàng yếu kém.
Cơ quan này cũng cần rà soát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở, nhất là gói 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33...
Bộ Tài chính khẩn trương trình chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; báo cáo vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu; hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2022-2023 và đề xuất giải pháp.
Ngoài ra, Thủ tướng tán thành đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc các địa phương thành lập tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án.