Hạ tầng

Huyện sẽ có sân bay 16 tỷ USD, là nơi giao nhau của 3 tuyến cao tốc

Mục tiêu của huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) trong tương lai là trở thành thành phố sân bay đầu tiên của cả nước.

Long Thành có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi giáp thành phố Thủ Đức, Biên Hòa (Đồng Nai) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Huyện có diện tích 431 km2, gấp đôi Thủ Đức. Dân số của huyện đạt 356.000 người (tính đến 2019), mật độ dân số 826 người/km2.

Trên địa bàn huyện hiện đang triển khai dự án sân bay Long Thành trị giá 16 tỷ USD. Đây là công trình trọng điểm của quốc gia, có vốn đầu tư giai đoạn một lên đến 5 tỷ USD. Dự kiến, sân bay sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Huyện Long Thành là giao điểm của 3 tuyến cao tốc đã và đang được xây dựng là TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành và Biên Hoà - Vũng Tàu. Trong đó, tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được đưa vào sử dụng. Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được khẩn trương thi công. Dự án có tổng mức đầu tư 31.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, nó sẽ kết nối huyện Long Thành với TP.HCM, Long An. Trong ảnh là gói thầu A7 nằm trên địa bàn hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch.

Ngoài ra, vào ngày 18/6, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công. Sau khi hoàn thành, nó sẽ kết nối các tuyến cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành, hình thành trục giao thông xương sống giải quyết kẹt xe trên QL51.

Ngoài ra, huyện Long Thành cũng chủ trương xây dựng 2 tuyến giao thông (T1, T2) phục vụ thi công các hạng mục quan trọng như nhà ga hành khách, đường cất, hạ cánh… chi phí dự kiến hơn 4.800 tỷ đồng. Theo quy hoạch, đường T1 có chiều dài 3,8 km sẽ kết nối sân bay Long Thành với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và đường tỉnh 25C. Đường T2 dài 3,5 km kết nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Ngay khi dự án sân bay Long Thành được phê duyệt, thị trường bất động sản Long Thành trở thành tâm điểm đầu tư. Trong ảnh là dự án khu đô thị STC Long Thành đang đẩy nhanh tiến độ, đất tại khu vực này có giá dao động từ 2,8 đến 3,5 tỷ đồng.

Ngoài khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, nhiều dự án khu đô thị cũng được xây dựng nhanh trong thời gian gần đây như Gem Sky (Đất Xanh), Aqua City (Novaland), Biên Hòa New City (Hưng Thịnh)...

Trong quy hoạch xây dựng huyện Long Thành đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực xung quanh sân bay sẽ hình thành 3 đô thị lớn gồm: đô thị Long Thành, đô thị Bình Sơn và đô thị Phước Thái. Riêng vùng đô thị Bình Sơn rộng gần 124 km2 sẽ gắn với hoạt động của sân bay Long Thành, là trung tâm thương mại - dịch vụ - tài chính, trung tâm dịch vụ logistics, kho vận quốc tế và là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không của vùng, quốc gia, quốc tế.

Trên địa bàn huyện Long Thành có 5 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích gần 20 km2 gồm: An Phước, Gò Dầu, Long Đức, Long Thành, Lộc An - Bình Sơn. Trong đó, KCN Lộc An - Bình Sơn có nhiều lợi thế về hạ tầng khi chỉ cách sân bay Long Thành 10 km, nằm gần QL51, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài ra, trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030, huyện sẽ tăng thêm gần 49 km2 đất công nghiệp.

Năm 2021, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện Long Thành đạt trên 2.700 tỷ đồng, tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn tỉnh. Huyện phát triển thế mạnh cây công nghiệp lâu năm (cao su, điều, tiêu…) và cây ăn trái (sầu riêng, thanh long, xoài…). Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp xứng tầm với đô thị sân bay trong tương lai, huyện còn xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Link bài gốcLấy link
https://markettimes.vn/huyen-se-co-san-bay-16-ty-usd-la-noi-giao-nhau-cua-3-tuyen-cao-toc-33193.html