"Nhờ có vị trí địa lý chiến lược cùng các chính sách kinh tế năng động, dân số trẻ am hiểu công nghệ và nhu cầu địa phương hóa dữ liệu, Việt Nam đang trở thành một trung tâm quan trọng cho trung tâm dữ liệu ở châu Á", bà Celina Chua, Giám đốc Giải pháp khách hàng Trung tâm dữ liệu APAC tại JLL khẳng định.
Thực tế, báo cáo mới đây của JLL đã chỉ ra rằng Việt Nam hiện chiếm ưu thế trong việc phát triển thị trường trung tâm dữ liệu. Bên cạnh các động lực từ phía thị trường, Chính phủ cũng hỗ trợ thông qua việc phê duyệt và triển khai Quy hoạch Điện VIII, cũng như Luật Viễn thông 2023 sắp sửa có hiệu lực từ tháng 1/2025.
Ưu tiên đến Việt Nam để phát triển trung tâm dữ liệu
Tại Việt Nam, thị trường trung tâm dữ liệu vẫn đang được các nhà cung cấp viễn thông trong nước như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom, CMC Telecom, HTC Telecom International (ECDC) và QTSC Telecom thống trị.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thị trường đã bắt đầu có sự tham gia của các doanh nghiệp quốc tế. Đơn cử là trung tâm dữ liệu công suất 20 MW của Gaw Capital tại Khu công nghệ cao TP.HCM dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2026, dự án công suất 30 MW của Worldwide DC Solution hay dự án trung tâm dữ liệu trị giá 70 triệu USD được phát triển bởi gã khổng lồ viễn thông Nhật Bản NTT và DQ Tek của Việt Nam.
"Hiện tại, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây chưa thành lập trung tâm dữ liệu riêng của họ ở Việt Nam, tuy nhiên việc Google, Amazon Web Services (AWS), Microsoft, Tencent và Alibaba xem xét phát triển chỉ là vấn đề thời gian", báo cáo của JLL nhấn mạnh.
Ngày càng nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu, đặc biệt từ Mỹ, dự kiến theo chân Alibaba, tăng tính cạnh tranh của thị trường và đa dạng hóa các dịch vụ.
JLL
Đáng chú ý, Alibaba mới đây đã công bố kế hoạch thành lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam.
"Điều này cho thấy xu hướng ngày càng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây toàn cầu, đặc biệt từ Mỹ, dự kiến theo chân, tăng tính cạnh tranh của thị trường và đa dạng hóa các dịch vụ", JLL đánh giá.
Chia sẻ với Nikkei Asia, ông Đặng Minh Tâm, Trưởng nhóm kiến trúc sư giải pháp tại Alibaba Cloud cho biết Alibaba muốn đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam nhằm bắt kịp nhu cầu tại một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực.
"Việt Nam là thị trường rất nhiều tiềm năng, còn quá nhiều dư địa để phát triển", ông Tâm nhấn mạnh.
Trong một báo cáo về thị trường châu Á - Thái Bình Dương (APAC) của Savills được công bố vào cuối năm ngoái, đơn vị này cũng cho biết Việt Nam là một trong 10 thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi của toàn cầu năm 2023.
"Việt Nam đang ở vị trí ưu tiên trong danh sách các quốc gia mà nhà đầu tư và nhà vận hành đang tìm hiểu khi xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường.
Báo cáo của chúng tôi cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng tận dụng các cơ hội này, với sự hỗ trợ ngày càng tăng từ Chính phủ và nhu cầu ngày càng lớn về các dịch vụ kỹ thuật số, giúp định hình một tương lai đầy hứa hẹn cho ngành này tại đây", bà Celina Chua nhấn mạnh.
Đồng Nai và Bình Dương sẽ có lợi thế
Theo báo cáo này, những doanh nghiệp muốn mở trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đều nhắm đến các khu đất có vị trí gần trung tâm các thành phố lớn để tận dụng hệ thống cáp quang sẵn có.
Họ đồng thời xem xét các vấn đề về đất đai, nguồn cung ứng điện và khả năng nâng cấp cơ sở hạ tầng địa phương để có thể cung cấp công suất bổ sung thông qua các trạm biến áp riêng.
Do đó, JLL tin rằng Đồng Nai và Bình Dương sẽ chứng kiến sự phát triển của nhiều dự án trung tâm dữ liệu trong tương lai nhờ đất đai trù phú, nguồn điện tốt, thời gian thuê dài hạn và cơ sở hạ tầng tốt.
Hiện Việt Nam có 30 trung tâm dữ liệu trên khắp cả nước. Trong đó, VNPT và Viettel là 2 đơn vị chiếm ưu thế.
Ở miền Bắc, hầu hết công suất hoạt động hiện tập trung tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc và trung tâm TP Hà Nội, với một phần nhỏ công suất được phân bố rải rác trong thành phố.
Trong khi đó, phần lớn các trung tâm dữ liệu tại miền Nam lại đang đặt gần quận 7, quận 12 và khu vực quận 9 cũ (nay thuộc TP Thủ Đức) của TP.HCM. Tuy nhiên, thời gian gần đây một số dự án mới đã bắt đầu xuất hiện ở Củ Chi (TP.HCM) và Bình Dương.
Xét về chi phí, giá thuê đất trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đang rơi vào khoảng 200-650 USD/m2. Trong khi đó, giá thuê đất khu công nghiệp chỉ ở mức 100-350 USD/m2.
Sự chênh lệch 30-50% này không chỉ diễn ra tại riêng Việt Nam mà trên toàn khu vực. Tuy nhiên, thống kê của JLL cho thấy giá thuê đất làm trung tâm dữ liệu ở Việt Nam đang ở mức cao so với các nước Đông Nam Á khác như Indonesia, Thái Lan, Philippines.
Nhìn chung, chi phí xây dựng trung tâm dữ liệu ở Việt Nam dao động trong khoảng 6-13 triệu USD mỗi megawatt, tùy các thoả thuận đặc thù và chi phí xây dựng khác nhau ở các địa phương.
So với toàn châu Á, JLL cho biết Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đang phải đối mặt với chi phí xây dựng leo thang, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục là những lựa chọn thay thế tiết kiệm hơn để phát triển các trung tâm dữ liệu.