Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước nằm trên địa bàn huyện Nhà Bè, được thành lập vào năm 1996. Đây là KCN lớn nhất TP. HCM với tổng diện tích lên đến 16,86 km2 (gấp 2 lần quận 1, theo sách giới thiệu của công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước). Toàn bộ khu công nghiệp thuộc khu vực chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp cảng của thành phố.
Sau hơn 25 năm phát triển, KCN Hiệp Phước thu hút 201 dự án. Tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD; trong đó có 45 dự án FDI, vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD. Các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Âu. Trong ảnh là nhà máy công nghệ cao Schindler Việt Nam, rộng 10.000 m2 (thuộc KCN Hiệp Phước - giai đoạn 2) được khánh thành vào năm 2019 với tổng kinh phí 8 triệu USD. Đây cũng là một trong những công ty sản xuất thang máy 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam.
Tại KCN Hiệp Phước, ngành cơ khí chế tạo - điện tử viễn thông chiếm 21%, vật liệu xây dựng chiếm 11%, công nghiệp chế biến thực phẩm chiếm 10%; ngoài ra còn các ngành khác như giấy, nhựa, hóa chất, dược phẩm, cảng biển, logistics… Trong ảnh là Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (CALOFIC) với chuyên môn sản xuất dầu thực vật, sở hữu các thương hiệu như Neptune, Simply, MEIZAN, Cái Lân…. Năm 2007, CALOFIC khánh thành nhà máy sản xuất dầu ăn thứ 2 (sau Quảng Ninh) tại KCN Hiệp Phước với công suất tinh chế 600 tấn/ngày.
Ngoài ra, vào năm 2018, KCN Hiệp Phước cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) chọn thí điểm xây dựng Khu công nghiệp sinh thái. Theo đó khái niệm “cộng sinh công nghiệp” - chất thải của doanh nghiệp này sẽ là đầu vào của doanh nghiệp khác được áp dụng. Ví dụ như khí nóng sinh ra trong quá trình sản xuất dầu thực vật, thay vì xả lên trời thì sẽ được dẫn qua đường ống đến nhà máy khác để tạo ra nhiệt lượng. Trong ảnh là khu nhà trung hòa, nhà máy sản xuất dầu thực vật Cái Lân. Đến nay, nhiều mô hình đang tiếp tục bổ sung, đăng ký triển khai tại KCN Hiệp Phước như phụ phẩm của nhà máy thạch cao trở thành nguyên liệu của nhà máy sản xuất xi măng.
KCN Hiệp Phước gồm 3 giai đoạn. Đến nay, giai đoạn I của KCN Hiệp Phước có diện tích hơn 3,11 km2 đã được lấp đầy khoảng 94%. Giai đoạn II của KCN Hiệp Phước với quy mô 5,97 km2 đã cho thuê được hơn 10% diện tích. Đặc biệt, KCN Hiệp Phước có 3 cảng biển quốc tế nằm ngay trong nội khu, gồm cảng Container Quốc tế Trung tâm Sài Gòn (SPCT), Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, Cảng Tân Cảng - Hiệp Phước, tổng diện tích 3,85 km2.
Hệ thống cảng quốc tế và hải quan tại chỗ giúp doanh nghiệp tại KCN Hiệp Phước tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hoá. Các cảng nước sâu nối vào hệ thống đường thủy nội địa và quốc tế qua luồng Lòng Tàu và Soài Rạp đi các cảng biển quốc tế, qua sông Vàm Cỏ đi vào hệ thống sông Cửu Long đến các tỉnh ĐBSCL và đi qua Campuchia.
Ngoài ra, từ KCN Hiệp Phước có thể dễ dàng tiếp cận đến các tỉnh ĐBSCL thông qua các tuyến đường vành đai số 3 và số 4 cũng như hệ thống đường cao tốc liên vùng phía Nam. Trong ảnh là cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Tuyến đường dài hơn 57 km, vốn đầu tư 31.000 tỷ đồng.
Năm 2020, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (UCCI) thực hiện 2 dự án giao thông kết nối trực tiếp đến KCN Hiệp Phước. Trong đó, dự án xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến KCN Hiệp Phước có vai trò quan trọng, tạo điều kiện kết nối hệ thống cảng nội địa thành phố với cảng nước sâu Soài Rạp thông qua các trục đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ. Toàn tuyến có chiều dài 2,2 km, rộng 25,5 m.
Trong tương lai, KCN Hiệp Phước sẽ nằm trong bức tranh tổng thể của đô thị cảng Hiệp Phước với quy mô 39 km2. Đây sẽ là khu đô thị mới đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị thành phố ra biển.
Bản đồ KCN Hiệp Phước 3 giai đoạn. Nguồn: Khu công nghiệp Hiệp Phước.