Lifestyle

Kế hoạch Tết ảm đạm vì vé máy bay đắt kỷ lục

Chỉ tính riêng vé máy bay khứ hồi đã tốn gần 15 triệu đồng, vợ chồng Thu Hiền (quê Nghệ An) quyết định sẽ đợi ra Tết mới về thăm gia đình.

Trước Tết 3 tháng, Thu Hiền (27 tuổi, Nghệ An) - đang làm việc tại Bình Dương - đã theo dõi giá vé về quê. Theo đúng lịch, cô và chồng sẽ về quê vào ngày 27 tháng Chạp và đi làm lại vào mùng 6 Tết.

Mới kết hôn gần một năm, Hiền có khá nhiều dự tính khi lần đầu ăn Tết ở nhà chồng. Nhưng kế hoạch của hai vợ chồng đổ bể vì giá vé máy bay cao kỷ lục.

"Xem trên app bán vé, tôi nhẩm tính tiền vé hai chiều cho hai vợ chồng là khoảng 14,4 triệu đồng. Đó là chưa tính đến chi phí di chuyển từ Bình Dương lên sân bay ở TP.HCM và từ sân bay Vinh về nhà. Con số ấy cao quá sức tưởng tượng của tôi", Hiền nói với Tri Thức - Znews.

Vợ chồng Hiền quyết định sẽ ăn Tết xa nhà. Cô dự tính sau kỳ nghỉ lễ mới sắp xếp thời gian về thăm gia đình hai bên.

Đôi vợ chồng trẻ không phải những người duy nhất chịu áp lực bởi giá vé máy bay cao kỷ lục. Thêm vào đó, khó khăn kinh tế, thu nhập giảm trong thời gian này càng đè nặng, khiến những người đi làm ở xa càng thêm lo lắng chuyện về quê ăn Tết.

Thu Hiền dự định ăn Tết xa nhà vì vé máy bay quá đắt. Ảnh: NVCC.

"Chưa bao giờ thấy giá vé đắt như vậy"

Theo khảo sát của Tri Thức - Znews vào đầu tháng 12, vé máy bay trong những ngày 9/2/2024 (29 tháng Chạp) đến 16/2/2024 (mùng 7 Tết Giáp Thìn) chặng TP.HCM - Hà Nội dao động từ 6,1 triệu đến 7,1 triệu đồng/lượt.

Vé của Vietjet Air có giá 6,1 triệu đồng trong khi Bamboo Airways và Vietnam Airlines đưa ra mức giá lần lượt là 6,5 triệu và 7,1 triệu đồng.

Theo Google Flight, giá vé máy bay Tết đang ở mức cao và đắt gấp 3-4 lần ngày thường.

Mức giá các hãng hàng không đưa ra không chênh lệch nhau nhiều nhưng đều ở mức cao, nhất là với các chặng bay chính từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Lần đầu tiên Tố Trân thấy vé về Tết đắt như năm nay. Ảnh: NVCC.

Tố Trân (nhân viên công ty truyền thông tại TP.HCM) cho biết cô rất "sốc" khi nhìn giá vé máy bay về quê Quảng Nam.

Cô dự định về quê vào ngày 2/2/2024, tức 22 tháng Chạp, và giá vé thấp nhất hiện tại là 2,5 triệu đồng. Năm ngoái, cô cũng về cùng khoảng thời gian này nhưng giá chỉ dao động 1,8-1,9 triệu đồng.

"6 năm đi học, đi làm ở Sài Gòn, chưa bao giờ tôi phải mua vé về quê đắt như vậy", Trân nói với Tri Thức - Znews.

Năm nay, kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến thu nhập nên với Tố Trân, số tiền đó cũng trở thành gánh nặng.

Tuy nhiên, cô không có nhiều lựa chọn. Nếu đi tàu hoặc xe khách, chi phí cũng khá cao và tốn thời gian, vì mất 17 tiếng cô mới về đến nhà. Trân cũng sợ cảnh say xe.

Vì vậy, dù vé máy bay đắt, cô cũng đành cố gắng chi thêm tiền để mua. "Đi máy bay vẫn là tiện lợi nhất. Tốn thêm một khoản tiền, đổi lại tôi có nhiều thời gian ở chơi với gia đình hơn", cô chia sẻ.

Khó khăn chồng chất

Thu Hiền tâm sự giá vé máy bay cao chỉ là một trong những yếu tố "cộng dồn" áp lực khiến hai vợ chồng quyết định không về dịp Tết.

Năm nay, cô mới chuyển việc, thu nhập giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, mới kết hôn nên vợ chồng cũng cần tiết kiệm tiền cho những kế hoạch tương lai.

"Tôi rất buồn vì không thể về quê ăn Tết. Trừ năm 2021, vì dịch bệnh nên tôi không về được, còn năm nào cũng muốn sum họp gia đình. May mắn là gia đình hai bên đều thông cảm cho vợ chồng tôi", Hiền nói.

Chi đang theo dõi giá vé, hy vọng sẽ giảm để mua. Ảnh: NVCC.

Lâm Chi (28 tuổi) cũng chưa dám mua vé về Hà Nội ăn Tết vì giá quá cao. Chi dự tính sẽ bay về trong khoảng ngày 24-28 tháng Chạp, giá vé thấp nhất hiện tại đã là 3 triệu đồng với giờ bay xấu, lúc nửa đêm.

Chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn làm việc từ tháng 8 năm nay, cũng là năm đầu tiên cô đi làm xa nhà, cô thừa nhận phải trải qua không ít khó khăn. Và mua vé Tết chính là "cú sốc" tiếp theo cô nhận được.

"Những năm trước, con đường về ăn Tết của tôi là từ công ty về nhà. Thậm chí, tôi toàn là người rời văn phòng muộn nhất vào ngày làm việc cuối cùng của năm. Năm nay tôi thấy đường về quê 'xa' quá", Chi bày tỏ.

Năm nay, Lâm Chi chuyển công ty, tốn kém nhiều khoản hơn khi vào Sài Gòn làm việc. Giữa tình hình kinh tế khó khăn, công ty đã có một số đợt cắt giảm nhân sự cuối năm, cô thừa nhận không dám trông chờ có thưởng Tết.

"Mọi năm, thưởng cuối năm chính là tiền tiêu Tết. Nhưng năm nay, không dám mong có thưởng, nhưng vẫn phải tính toán mua quà cáp về nhà, tiền vé đã chiếm một khoản lớn rồi", Chi chia sẻ những nỗi lo của mình.

Dù vậy, Chi nói rằng mình sẽ về nhà ăn Tết chứ không ở lại Sài Gòn. Bởi với cô, đoàn tụ gia đình là điều quan trọng nhất. Hiện tại, cô liên tục theo dõi giá vé trên app với hy vọng săn được vé rẻ hơn.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/ke-hoach-tet-am-dam-vi-ve-may-bay-dat-ky-luc-post1448901.html