Du lịch

Khách quốc tế trở lại nhưng du lịch nghỉ dưỡng khó bùng nổ

Theo chuyên gia, thị trường khó bùng nổ trong năm nay, đồng thời khuyến nghị chủ đầu tư khách sạn, resort cần đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhiều tệp khách trong thời gian tới.

Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, nhiều chủ khách sạn ở TP.HCM cho biết đại dịch Covid-19 vừa qua đã để lại nhiều hậu quả quá nặng nề. Sau 2 năm đóng cửa vì đại dịch, cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú du lịch bị xuống cấp trầm trọng.

Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tăng và việc siết tín dụng khiến hầu hết chủ khách sạn gặp khó trong đầu tư sửa chữa, thay mới. Điều này dẫn đến nhiều khách sạn vừa và nhỏ không thể đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy định, không thể cạnh tranh, khiến khó khăn càng thêm chồng chất.

Nơi phục hồi, nơi vẫn chật vật

Thực tế, bà Nguyễn Thị Thúy Loan - đại diện hệ thống khách sạn A25 cho hay đến tận bây giờ lượng du khách vẫn chưa ổn định như trước, doanh thu vẫn đang sụt giảm.

“Chỉ có những ngày cuối tuần là doanh thu của chúng tôi nhích lên một chút. Còn đầu tuần thì hầu như không có khách, rất vắng”, bà nói.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp còn khẳng định đại dịch Covid-19 kéo dài khiến cho nhiều nhân sự phải nghỉ việc, chuyển ngành nghề hoặc về quê không quay trở lại.

Nhiều chủ khách sạn ở trung tâm TP.HCM không cầm cự được đã phải rao bán mặt bằng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Trong khi đó, một số chuỗi khách sạn lớn lại đón nhận những tín hiệu tốt hơn từ thị trường. Chia sẻ với Zing, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital xác nhận khách sạn Wink Hotel Saigon Centre thường xuyên hoạt động với công suất phòng đạt hơn 90% kể từ cuối năm 2022 là dấu hiệu cho thấy du lịch vẫn đang là ưu tiên hàng đầu.

Tương tự, ông Rajit Sukumaran, Giám đốc Điều hành IHG Hotels & Resorts thị trường Đông Nam Á và Hàn Quốc dựa trên dữ liệu từ STR cho biết công suất phòng khách sạn ở Việt Nam đang tăng đều đặn, cụ thể công suất phòng khách sạn tháng 1 tại Việt Nam tăng hơn 120% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Từ giai đoạn đại dịch, ngày càng nhiều khách thực hiện các chuyến đi khám phá các điểm đến trong nước. Chúng tôi nhận thấy các điểm đến nghỉ dưỡng IHG tại Đà Nẵng và Phú Quốc tiếp đón nhiều nhóm khách nhiều thế hệ hoặc nhiều gia đình đi chung với nhau", ông nói với Zing.

Vị lãnh đạo Indochina Capital cho rằng năm ngoái Việt Nam đã lập kỷ lục về số lượng khách du lịch nội địa với hơn 100 triệu người, vượt qua con số 85 triệu của năm 2019. Điều này một phần do tâm lý du lịch “trả thù” của khách nội địa sau khi phải ở nhà quá lâu trong suốt thời gian dịch bệnh.

Cùng chung quan điểm này, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC còn bổ sung nguồn khách nội địa cũng như Hàn Quốc đang hỗ trợ quá trình khôi phục tại một số thị trường ven biển như Đà Nẵng, với các khu nghỉ dưỡng ghi nhận mức công suất phòng vượt 50%.

Trong khi đó, Nha Trang vẫn chật vật do thị trường khách du lịch Trung Quốc chưa quay trở lại như trước. Một lý do khác làm nặng nề tình trạng này hơn là lượng nguồn cung phòng rất lớn tại đây, sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ trước đại dịch.

Việc quá phụ thuộc vào một thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro do đặc tính dễ biến động của ngành du lịch.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC

Hai vị chuyên gia này đều nhìn nhận việc Trung Quốc cho phép tổ chức lại các đoàn khách du lịch đến Việt Nam từ ngày 15/3 là điểm sáng cho thị trường, tuy nhiên với thực trạng lượng khách quốc tế trong năm 2022, Việt Nam nên tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn khách Trung Quốc.

Bất động sản nghỉ dưỡng khó bùng nổ trong năm nay

Theo ông Michael Piro, trong năm nay Việt Nam sẽ không thể chứng kiến sự bùng nổ mà phải cần nhiều thời gian hơn nữa.

"Để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi, số lượng khách du lịch quốc tế cần tăng trưởng mạnh mẽ. Dù chiếm chưa đến một phần tư tổng lượng khách du lịch trong năm 2019, nhưng khách du lịch nước ngoài đã mang lại doanh thu 421.000 tỷ đồng cao hơn hẳn so với doanh thu khách nội địa", vị này dẫn chứng.

Ngoài ra, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam hiện dư thừa nguồn cung với các sản phẩm dưới chuẩn, từ biệt thự nghỉ dưỡng đến căn hộ condotel. Do đó, vị này dự báo đến năm 2024, thị trường bất động sản tại Việt Nam mới có thể quay trở lại mức trước đại dịch Covid-19.

Ông Rajit Sukumaran cũng đánh giá tương lai của ngành du lịch và khách sạn tại Việt Nam vẫn rất tươi sáng. Trong khi đó, ông Mauro đánh giá Việt Nam vẫn chưa có sự đa dạng về sản phẩm lưu trú, du lịch cũng như cần nâng cấp chất lượng dịch vụ.

"Thị trường đang ngày càng cạnh tranh gay gắt, cần những nhà đầu tư nắm bắt tốt các xu hướng, nhu cầu của du khách", ông nói.

Bất động sản nghỉ dưỡng khó bùng nổ trong năm nay. Ảnh: Quỳnh Danh.

Do vậy, ông cho rằng những mô hình mới, đáp ứng nhu cầu của tệp du khách trẻ trong nước và quốc tế như poshtel, khu phức hợp nghỉ dưỡng với các tiện ích giải trí, khách sạn dịch vụ chọn lọc, mô hình co-living và co-working... là những mô hình có thể cân nhắc tại thị trường Việt Nam.

Đồng thời, Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm năng để phát triển những dự án hạng sang tại các trung tâm thành phố cũng như các điểm du lịch nghỉ dưỡng.

Về việc tiếp cận nguồn vốn của các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, ông Mauro cho biết vẫn có nhiều quỹ và nhà đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm, tìm kiếm các sản phẩm đầu tư phù hợp tại Việt Nam.

"Việc phát triển các sản phẩm biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng theo mô hình condotel là một kênh tiếp cận nguồn vốn tốt, tuy nhiên quá trình này cần được hoạch định cẩn trọng để đem lại giá trị cho cả chủ đầu tư, chủ sở hữu và khách lưu trú", ông đánh giá.

Theo ông, các chủ đầu tư nên chú trọng đến khía cạnh chất lượng của dự án thay vì đơn thuần tập trung vào quy mô. Điều này sẽ giúp dự án có thể gia tăng giá trị theo thời gian.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/khach-quoc-te-tro-lai-nhung-du-lich-nghi-duong-kho-bung-no-post1411520.html