Ảnh: Wow Korea

Du lịch

Khám phá cung điện hoàng gia “hút” doanh thu cho du lịch Hàn Quốc

Di sản được phục hồi không còn là một khu khảo cổ thiếu sức sống, mà mang lại những giá trị vô giá, thu hút giới trẻ, đồng thời góp phần xuất khẩu văn hóa tại chỗ, nâng tầm thương hiệu quốc gia…

Việc Gucci lựa chọn Cung điện Gyeongbokgung để ra mắt BST Resort mới của mình có thể càng khiến cho di sản này thu hút du khách tham quan. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chỉ tính riêng địa điểm này đã có khoảng 10 triệu khách quốc tế đến thăm quan mỗi năm, đem lại doanh thu hàng chục tỷ won riêng từ tiền bán vé.

KINH PHÍ KHỔNG LỒ VÀ HƠN NỬA THẾ KỶ PHỤC DỰNG

Tọa lạc tại trung tâm của Seoul với diện tích lên tới 400.000m2 Cung điện là hiện thân của sự thống trị, uy nghiêm của triều đại Joseon (1392 - 1910) và là biểu tượng lịch sử, văn hóa của đất nước Hàn Quốc. Trong hơn 600 năm tồn tại, cung điện đã bị phá hủy nhiều lần do những biến cố về chính trị và chiến tranh. Năm 1990, chính phủ Hàn Quốc đã khởi động Dự án trùng tu cung điện Gyeongbok với quy mô lớn.

Theo Cục Di sản văn hóa, trong giai đoạn đầu của dự án (1990 - 2000), với tổng kinh phí là 157,2 tỷ won (133,5 triệu USD), khoảng 89 tòa nhà đã được trùng tu. Hiện tại, dự án trùng tu đang trong giai đoạn thứ hai, dự kiến sẽ khôi phục thêm 80 tòa nhà và hoàn thành vào năm 2030. Toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2045.

Cung điện Gyeongbokgung (Cảnh Phúc cung ) là công trình được xây dựng lần đầu tiên năm 1395 với tên gọi Gyeongbok có nghĩa là một lời cầu phúc dành cho nhà vua, con cháu và toàn thể bách tính. Trong đó, Điện Cần Chính và Quảng Hòa Môn là trục chính của công trình và các khu vực còn lại sẽ được xây bất đối xứng. Điện Cần Chính chính là khu vực đặt ngai vàng của vua và là nơi diễn ra việc thiết triều.

Nằm giữa hồ sen nhân tạo, Khánh Hội Lâu được xem là nơi đẹp nhất. Địa điểm này chính là nơi diễn ra các buổi yến tiệc trong cung vào những dịp như tiếp đãi các sứ thần, tổ chức tiệc khi quốc gia có chuyện đại sự, ban thưởng hoặc làm lễ cầu mưa, từng được đại diện trên tờ tiền 10.000 won của Hàn Quốc (Sê-ri 1983-2002).

Chỗ ở của Vương hậu có một khu vườn thượng uyển cực xinh đẹp nằm phía sau. Khu vườn này có cột hình lục giác được điêu khắc tỉ mỉ để tạo nên những hình ảnh lân phượng, chim chóc và hoa lá cực kỳ đẹp mắt và tinh xảo. Nơi đây còn có rất nhiều loài hoa khác nhau tạo nên một khung cảnh thơ mộng, hữu tình. Ngoài các khu vực chính của cung điện còn có hai bảo tàng lớn về văn hóa hoàng cung của triều đại Joseon và về văn hóa dân gian từ thời xưa của người Hàn Quốc.

Có nhiều hoạt động thú vị dành cho du khách khi tham quan từ miễn phí đến tính phí như chiêm ngưỡng nghi lễ đổi gác tại cung điện. Trong thời xưa, việc đổi lính canh tại các khu vực trong cung điện Gyeongbokgung sẽ thực hiện theo một nghi lễ rất đặc biệt. Ngày nay, khi du khách đến địa điểm này họ sẽ được tận mắt xem nghi lễ đổi gác được tái hiện bởi các diễn viên được tái hiện tại cổng chính của cung điện là cổng Gwanghwamun (Quảng Hòa Môn) bắt đầu từ 10h sáng hàng ngày diễn ra trong vòng 15 phút. Cứ mỗi giờ đồng hồ trôi qua nghi lễ sẽ được thực hiện một lần và phiên đổi gác cuối cùng sẽ diễn ra vào 15h cuối ngày.

Giới trẻ cũng đặc biệt thích thuê những bộ Hanbok truyền thống của Hàn Quốc ngay tại cửa ra vào cung điện, sau đó vào bên trong chụp những bức hình kỷ niệm. Trong khi đó, phòng ăn Sojubang là nơi du khách sẽ được thưởng thức bàn ăn hoàng gia với tên gọi Surasang - tái hiện lại 12 món ăn mà các vị vua thời Joseon ăn hằng ngày. Hơn thế nữa khi dùng bữa tại đây, du khách còn có thể thưởng thức buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống của Hàn Quốc. Sự kết hợp độc đáo giữa ẩm thực và âm nhạc sẽ giúp du khách như hóa thân thành những người đang sống ở triều đại Joseon và hiểu rõ hơn về cuộc sống trong cung điện xa hoa này.

NHIỀU DỊCH VỤ DU LỊCH ĐẮT KHÁCH

Nằm ở phía tây của Cung điện Gyeongbokgung, làng Seochon là một trong những khu phố cổ nhất ở Seoul và có từ thời Joseon cách đây khoảng 500 năm. Những người yêu thích lịch sử và văn hóa sẽ hài lòng khi biết vẫn còn những ngôi nhà truyền thống Hàn Quốc đích thực nằm trong khu phố này, từng là nơi sinh của vị vua huyền thoại Sejong (vị vua thứ 4 của triều đại Joseon và là người phát minh ra bảng chữ cái Hàn Quốc).

Hanok là ngôi nhà kiểu cổ xưa của người Hàn Quốc, kiến trúc chú trọng vào vị trí ngôi nhà và khung cảnh xung quanh. Có khoảng 600 ngôi nhà hanok còn tồn tại từ đầu thế kỷ 20 nép mình trong những con hẻm cổ kính và những con phố nhỏ thoáng đãng của khu phố yên tĩnh này. Nhiều bạn trẻ Hàn Quốc đã nhìn thấy hanok nhưng chưa từng trải nghiệm. Họ thường thích đến các khách sạn sang trọng, nhưng khi muốn có một trải nghiệm đặc biệt, họ lại chọn dành một ngày trong nhà hanok với bạn bè.

Theo thời gian, khu phố cũng dần phát triển thành một nơi sôi động hơn, với các cửa hàng và quán ăn thú vị thu hút khách du lịch tò mò đến khu vực này. Nhiều doanh nghiệp cũng “bén duyên” với bầu không khí độc đáo của ngôi làng và chung tay bảo tồn di sản của Seochon.

Nhiều chủ cửa hàng nhấn mạnh rằng điều khiến Seochon khác biệt với các cơ sở du lịch khác là nó mang đến trải nghiệm lối sống địa phương đích thực. “Khác với những ngôi nhà hanok lớn ở Làng văn hóa Bukchon Hanok, những ngôi nhà ở Seochon là nơi người dân Seoul sinh sống. Cảnh quan thiên nhiên, các điểm tham quan du lịch, nhà hàng, quán cà phê và quán bar sẽ cùng tồn tại một cách tự nhiên để mang đến trải nghiệm toàn diện”.

Tương tự như Gyeongbok, nhiều cung điện khác trong quần thể hoàng cung tại Seoul cũng được Hàn Quốc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả. Các chuyên gia UNESCO cho rằng, Hàn Quốc sở hữu nhiều di sản có giá trị với nhân loại. Công tác gìn giữ và bảo tồn các “kho tàng” văn hóa này của Hàn Quốc đang được thế giới đánh giá cao theo những tiêu chuẩn khách quan. Điều này góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch của Hàn Quốc và thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài đến đây.

Kết quả phân tích của Công ty xử lý thanh toán Hàn Quốc (BC Card) công bố mới đây cho thấy, du khách Việt Nam có mức chi tiêu bình quân đầu người cao nhất trong số du khách quốc tế ở Hàn Quốc với gần 200.000 Won (khoảng 150 USD) cho 1 lần quẹt thẻ tín dụng. Tiếp đến là du khách Nhật Bản với 188.000 Won, du khách Trung Quốc với 171.000 Won, du khách vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) 126.000 Won và du khách Mỹ với 109.000 Won.

Link bài gốcLấy link
https://vneconomy.vn/kham-pha-cung-dien-hoang-gia-hut-doanh-thu-cho-du-lich-han-quoc.htm