Du lịch

Khám phá Thổ Lâu của Phúc Kiến – nơi không chỉ chống cướp bóc mà còn ngăn cả động đất tàn phá

Kiến trúc độc đáo này đã bảo vệ người dân địa phương suốt từ thế kỷ 12 có thể tránh được nạn cướp bóc và chống được cả động đất.

Lịch sử thổ lâu của Phúc Kiến

Tại vùng núi phía tây nam của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc còn lưu giữ được hơn 20.000 ngôi nhà được xây dựng từ đất sét. Những công trình kiến trúc này được xây dựng với mục đích bảo vệ người dân khỏi những tên cướp có vũ trang ở Phúc Kiến từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 19.

Cho đến nay, một số thổ lâu đã có tuổi thọ trên 600 năm. Chúng được mệnh danh là “hóa thạch sống” của kiến trúc xây dựng cổ đại ở Trung Quốc. Vào tháng 7 năm 2008, UNESCO đã công nhận 46 thổ lâu của tỉnh Phúc Kiến là Di sản Thế giới.

Thổ lâu kiên cố như những pháo đài bất khả xâm phạm. Năm 1934, một nhóm nông dân đã chiếm một thổ lâu để chống lại quân đội. Đội quân đã bắn đến 19 phát đại bác nhưng lại chỉ gây ra một vết lõm nhỏ mà thôi.

Ngoài cứng, trong mềm

Lâu nay, kiến trúc thổ lâu được gọi là kiến trúc Khách Gia (thổ lâu Hakka) bởi chúng được người Khách Gia tạo nên. Thổ lâu được xây dựng trên một khu đất rộng, có thể có hình vuông hoặc hình tròn nhưng phổ biến nhât là hình tròn bởi nó có khả năng chống động đất lớn, không gian rộng rãi và thông thoáng.

Ngoài ra, kiến trúc thổ lâu đều phải tập trung vào mục đích chính là bảo vệ “pháo đài.” Do đó, nhà thổ lâu chỉ có một cửa ra vào và không có cửa sổ ở tầng trệt. Các cổng của thổ lâu thường là phần quan trọng nhất nên phải được gia cố bằng đá và sắt.

Chất liệu xây dựng nên thổ lâu cũng rất đặt biệt. Người ta sẽ trộn đất với cát lấy từ sông, trứng gà, gạo nếp và nhiều thứ khác nữa. Tất cả đều được nung theo phương pháp bí mật tạo nên chất liệu vô cùng chắc chắn. Các bức tường đất có thể dày tới 2 mét. Các cửa sổ được làm bằng gỗ dày khoảng 5 – 6 cm với lớp ngoài được gia cố bằng các tấm sắt.

Thổ lâu thường khá lớn, có từ 3 đến 5 tầng với tầng trên cùng lợp ngói. Bên trong được chia thành nhiều phòng bao gồm phòng chứa lương thực, phòng chứa vũ khí, phòng khách, phòng thờ,… Ngoài ra, tầng trên có trần nhà dài để có thể quan sát và ngắm bắn súng từ bên trong. Giữa thổ lâu thường có một cái giếng. Đây là nơi thờ cúng tổ tiên và tổ chức sinh hoạt cộng đồng.

Mỗi thổ lâu có thể được coi như một ngôi làng nhỏ hay một “vương quốc nhỏ” của một đại gia đình. Trái ngược với cấu trúc đơn giản và có phần cứng nhắc bên ngoài, bên trong mỗi thổ lâu lại được trang trí khá linh hoạt, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Các phòng đều sáng sủa và thông gió tốt. Toàn bộ toà nhà được xây dựng để chống động đất.

Một thổ lâu lớn có thể chứa tới 800 người hoặc thậm chí là trở thành nhà chung cho 80 gia đình. Các gia đình sống trong cùng một thổ lâu thường có rất ít hoặc không có sự khác biệt về địa vị xã hội và tiềm lực kinh tế. Tài sản chung là chiếc giếng. Cây ăn quả dưới đất cũng sẽ được coi là tài sản chung chứ không thuộc về riêng một gia đình nào.

Sự bình đẳng trong mối quan hệ này và cấu trúc phòng thủ thuận lợi giúp cho những người sống trong thổ lâu chống lại được nạn trộm cướp ở miền nam Trung Quốc dễ dàng hơn.

Một số thổ lâu nổi tiếng là Điền Loa Khánh, Thừa Khải, Dụ Xương, Tập Khánh, Sơ Khê,… Trong đó, Điền Loa Khanh được xây dựng vào năm 1796. Đây là thổ lâu đẹp nhất của tỉnh Phúc Kiến, bao gồm ba thổ lâu: một hình tròn, một hình bầu dục và một hình vuông ở trung tâm.

Thổ lâu Dụ Xương là thổ lâu lâu đời nhất ở Phúc Kiến, được xây dựng vào năm 1308 bởi 5 gia tộc: Lưu, Lã, Trương, Đường và Phạm cùng nhau kiến tạo. Đây cũng là thổ lâu đặc biệt nhất với kiến trúc khác biệt nhất: nghiêng nhưng không đổ.

Tham khảo Living Nomads

Link bài gốcLấy link
https://markettimes.vn/kham-pha-tho-lau-cua-phuc-kien-noi-khong-chi-chong-cuop-boc-ma-con-ngan-ca-dong-dat-tan-pha-13398.html