Doanh nhân

Khi CEO không muốn làm CEO

Elon Musk, Tim Cook, Jensen Huang… là những CEO hàng đầu tại các công ty công nghệ. Nhưng chính họ cũng không hề yêu thích chức vụ này.

Elon Musk là CEO của một loạt công ty, bao gồm Tesla, SpaceX. Ảnh: AP.

Từng là giám đốc điều hành Stability AI - công ty đứng sau công cụ tạo hình ảnh Stable Diffusion, nhưng gần đây Mostaque đã từ bỏ vì quá mệt mỏi. “Làm CEO là một trải nghiệm tồi tệ”, Mostaque nói với New York Times sau khi từ chức vào tháng 3.

Mostaque đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì cách quản lý start-up AI của mình. Nhưng ông không phải người duy nhất trở thành kẻ xấu vì là giám đốc điều hành của một công ty tiếng tăm.

"Elon Musk đã đúng. Làm CEO giống như ăn thủy tinh hay nhìn chằm chằm vào vực thẳm. Tôi không phải là người bình thường. Tôi không thể gây ra bất kỳ sự bất ổn nào và tôi không thích làm CEO”, Mostaque chia sẻ.

Tại sao các CEO liên tục nghỉ việc?

Việc điều hành một công ty không hề dễ dàng. Sau nhiều năm điêu đứng vì đại dịch, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và vật lộn với tình trạng lao động bất ổn, hàng loạt giám đốc công ty dần rời khỏi cuộc chơi hoặc bị yêu cầu phải làm thế.

Hồi tháng 2, số vị trí CEO tại các công ty Mỹ bị thuyên chuyển đã tăng lên 248, tăng 28% so với tháng trước và tăng gần 50% so với năm trước, theo công ty nhân sự Challenger, Gray & Christmas. Số lượng CEO nghỉ việc vào tháng 2 cũng nằm ở mức cao nhất kể từ năm 2002 đến nay.

“Họ đang đối diện nhiều thử thách hơn và cảm nhận được nhiều khó khăn hơn hẳn so với trước đây”, Kevin Kelley, quản lý tại Boston Consulting Group, nói với Business Insider.

Người sáng lập Stability AI - Emad Mostaque. Ảnh: Stability AI.

Công ty tư vấn Russell Reynolds Associates cũng có nhận định tương tự trong một báo cáo về tỷ lệ luân chuyển CEO gần đây. "Những thách thức mà các CEO hiện phải giải quyết đã tăng lên đáng kể, bao gồm việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0, lạm phát cao, các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và khả năng tái cơ cấu trong bối cảnh nền kinh tế đầy bấp bênh”, trích báo cáo.

Khi lắng nghe từ phía các CEO - những người hiểu rõ cảm giác phải trải qua những ngày tháng khó khăn - bạn sẽ không khó để hiểu tại sao họ lại muốn rời đi.

Brian Chesky, đồng sáng lập và CEO của Airbnb, chia sẻ trên X vào tháng 1 rằng thành lập một công ty không phải là điều khiến anh cảm thấy đơn độc, mà điều hành nó mới là thứ cô lập anh.

“Đối với tôi, trở thành người sáng lập không hề cô đơn bởi tôi có hai người đồng sáng lập tuyệt vời. Tuy nhiên, nỗi cô đơn sâu sắc mà tôi trải qua với tư cách là một CEO thật khó diễn tả thành lời”, Chesky viết.

Hay ta có thể lấy trường hợp của Musk. Ông giữ chức vụ CEO tại Tesla và SpaceX nhưng cũng từng nói rằng mình chưa bao giờ muốn điều hành hãng sản xuất ôtô điện hay bất kỳ công ty nào. Năm 2021, Musk cho biết ông muốn sáng tạo chứ không phải quản lý mọi thứ.

“Tôi rất ghét điều đó. Tôi thích dành thời gian cho khâu thiết kế và kỹ thuật hơn. Đó là điều tôi thích làm thật sự”, ông nói. Đến năm 2022, Musk lại tiếp tục viết trên X: "Việc điều hành các công ty làm tôi cảm thấy đau khổ, nhưng chẳng còn cách nào khác nếu muốn biến công nghệ và thiết kế thành hiện thực”.

Năm 2016, tức là sau 5 năm điều hành Apple, Tim Cook chia sẻ với Washington Post rằng việc đứng đầu một tập đoàn thực sự rất cô đơn. Ông nhận ra rằng mình đang ở một vị trí đặc quyền. "Tôi không thể nhận được bất kỳ sự cảm thông nào. Các CEO không cần bất kỳ sự cảm thông nào", CEO Apple tâm sự.

“Không ai đầu óc tỉnh táo mà lại chọn làm CEO”

Nhiều người còn đùa rằng CEO là viết tắt của từ "chief everything officer” (giám đốc của mọi việc). Cách nói này cho thấy vị trí giám đốc điều hành phải luôn giữ trách nhiệm cao nhất đối với mọi thứ trong một công ty.

Nhưng đi kèm với áp lực luôn là mức lương thưởng hấp dẫn. Lương của các giám đốc thường gấp hàng trăm lần so với số tiền mà một nhân viên hàng ngày kiếm được.

Giám đốc điều hành NVIDIA - Jensen Huang. Ảnh: AP.

Một phân tích gần đây ở Anh cho thấy trung bình số tiền CEO của một công ty hàng đầu được nhận trong 4 ngày đầu tiên của năm 2024 còn nhiều hơn số tiền mà một công nhân trung bình kiếm được cả năm.

Mặc dù được trả lương cao ngất ngưởng, việc trở thành người kiếm tiền cho cả một tập đoàn vẫn rất mệt mỏi. Người đồng sáng lập NVIDIA Jensen Huang đã chứng kiến khối tài sản tăng vọt khi nhu cầu về chip hỗ trợ AI của công ty bùng nổ. Nhưng ông cho biết mình sẽ không thành lập công ty nữa.

"Vào thời điểm đó, nếu nhận ra sự đau đớn và thống khổ và những thử thách mà mình sắp phải chịu đựng, cả sự bối rối và xấu hổ bao vây, tôi nghĩ rằng sẽ chẳng có ai muốn thành lập công ty”, ông chia sẻ trên podcast vào năm ngoái. "Không ai có đầu óc tỉnh táo lại làm điều đó”, vị CEO bổ sung.

Đúng là thành lập một công ty không giống như điều hành một công ty. Trong những ngày đầu vận hành, những người sáng lập thường phải kiêm cả chức giám đốc, quán xuyến mọi việc.

Theo Business Insider, thời kỳ các CEO gắn bó lâu dài ở một công ty đã kết thúc. Một nghiên cứu đánh giá về tuổi thọ của các CEO đã chỉ ra nhiệm kỳ trung bình của một giám đốc tại các công ty thuộc S&P 500 đã giảm từ 6 năm (vào năm 2013) xuống còn 4,8 năm (vào năm 2022).

Kevin Kelley tại Boston Consulting Group cho biết một lý do khiến các CEO nắm giữ được vị trí của họ là vì họ có thể cân bằng giữa tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn. Nhưng đại dịch khiến điều đó trở nên khó khăn hơn.

“Một sự bấp bênh trong khoảng 4-5 năm tới đã bắt đầu xuất hiện. Những gì họ hình dung cho năm tới hóa ra lại không phải là những điều cần giải quyết hiện tại. Điều này khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn”, chuyên gia nhận định.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/khi-ceo-khong-muon-lam-ceo-post1469154.html