Năm 2021, khi chiếc Lamborghini Huracán Performanceante màu bạc, trị giá 350.000 USD hạ xuống từ xe giao hàng, Ben Armstrong (BitBoy), YouTuber chuyên về tiền mã hóa, cười như được mùa. "Tôi gần như rơi nước mắt", Armstrong nói vào lúc đó.
Thời hoàng kim của "BitBoy" là lúc tiền mã hóa trở thành cơn sốt trị giá hàng nghìn tỷ USD. Với sự tự tin đáng kinh ngạc, Armstrong kể câu chuyện làm giàu từ tiền số, thu hút nhiều lượt theo dõi.
Từng có thời điểm Armstrong là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất giới sản xuất nội dung tiền mã hóa. Thông qua các buổi livestream, "BitBoy" chia sẻ về lợi ích của các loại coin, chê trách cơ quan quản lý. Người đàn ông 41 tuổi tự nhận chiếc Lamborghini là thành quả đầu tư của mình.
Tuy nhiên, thời đại ấy đã kết thúc. Khi tiền mã hóa giảm giá trị trong 2 năm qua, hàng triệu người mất trắng tiền tiết kiệm, tài sản kỹ thuật số gần như biến mất chỉ sau một đêm. Điều đó kéo theo sự sụp đổ của "đế chế" mà Armstrong gầy dựng.
Hiện tại, Armstrong mất gần hết tài sản, bị bạn bè chê trách còn vợ thì ly hôn. Trên mạng xã hội, ông cho rằng mình là nạn nhân của "những kẻ khủng bố".
"Đổi đời" nhờ cơn sốt tiền số
Theo New York Times, rắc rối xảy ra từ tháng 8/2023, khi Armstrong bị một nhóm đồng nghiệp và đối tác loại khỏi HIT Network, công ty do ông đồng sáng lập.
Tại tòa án và trên mạng xã hội, hàng loạt cáo buộc nhắm vào Armstrong như tống tiền, ăn cắp, quấy rối tình dục và bạo lực nơi công sở. Chiếc Lamborghini mà ông tự hào cũng không còn.
"Tôi đang trải qua khủng hoảng tuổi trung niên. Cuộc khủng hoảng tinh thần", Armstrong chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Câu chuyện trong nội dung của Armstrong không phải mới: Một người bình thường đổi đời nhờ tiền mã hóa. Sau khi điều trị chứng nghiện methamphetamine vào đầu những năm 2000, ông theo học một trường cho tín đồ Cơ đốc giáo, sau đó kết hôn với nhân viên tư vấn tuyển sinh trong trường.
Những năm tiếp theo, Armstrong tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh như thiết kế đồ họa, rửa xe trước khi đầu tư tiền mã hóa.
Armstrong làm video từ năm 2017, chủ yếu đọc tin tức về tiền số. Tuy nhiên, kênh YouTube của ông chỉ nổi tiếng từ 2020 khi giá trị nhiều loại coin tăng vọt, khiến các nhà đầu tư nghiệp dư muốn tìm hiểu kiến thức chuyên sâu.
Trong thời kỳ đại dịch, Armstrong dựng một studio chuyên nghiệp, thuê nhân viên để biên tập nội dung. Vào thời đỉnh cao, "BitBoy" khẳng định có khoảng 40 triệu USD tiền mã hóa.
Dù vậy, ranh giới giữa tài sản cá nhân và công ty rất mờ nhạt, khi phần lớn tiền số thuộc về BJ Investment Holdings, công ty do Armstrong và T.J. Shedd - cũng là người đam mê tiền mã hóa - đồng sở hữu.
Thời điểm đó, thị trường "người truyền bá" tiền mã hóa cạnh tranh khốc liệt. Các công ty tiền số trả hàng triệu USD cho những KOL như Armstrong để quảng cáo sản phẩm tài chính trên YouTube, TikTok hay Telegram.
"Đây là ngành kinh doanh giải trí. Không phải lúc nào họ cũng là người đưa tin tốt nhất. Không phải lúc nào cũng là người có alpha (chiến lược 'đánh bại' thị trường trong giao dịch) tốt nhất. Mọi thứ xoay quanh câu chuyện hay nhất", Aj Pleasanton, YouTuber về tiền mã hóa, đồng nghiệp cũ của Armstrong tại HIT Network, cho biết.
Xuất hiện trước khán giả, Armstrong thường mặc đồ Gucci xanh lá, khoe khoang về những thành công trên thị trường. Ông cũng bị chỉ trích do nhận tiền quảng bá các loại coin đang xuống giá.
Những mất mát đầu tiên
Khi thị trường tiền mã hóa hạ nhiệt vào năm 2022, Armstrong chọn bước đi khó tin: đăng video và bài viết chỉ trích Sam Bankman-Fried, nhiều tháng trước khi sàn giao dịch FTX sụp đổ.
Tháng 11 cùng năm, Armstrong cùng nhóm sản xuất bay đến Bahamas, lẻn vào chung cư sang trọng của Bankman-Fried để quay hình.
"Tôi đã giết toàn bộ sự nghiệp của người đàn ông này. Chúng tôi đã cứu thị trường tiền mã hóa tại Mỹ", Armstrong tuyên bố.
Đó cũng là lúc bạn bè, đồng nghiệp nhận thấy tính cách của ông dần thay đổi khi quá nổi tiếng.
"Ben không còn là chính mình trước đây. Ông ta đã phá hoại các mối quan hệ cá nhân và đồng nghiệp của mình", Shedd cho biết.
Khi thị trường tiền mã hóa có dấu hiệu phục hồi đầu năm 2023, Armstrong quảng cáo loại tiền có tên BEN Coin, do ông và Cassandra Wolfe - người được mệnh danh "nữ công tước DeFi" (Duchess of DeFi) - đồng phát triển.
Tuy nhiên, nhân viên tại HIT Network cho rằng đây chỉ là chiêu trò lấy tiền nhà đầu tư, và không muốn quảng bá nó trên kênh YouTube BitBoy.
Cùng lúc đó, Shedd biết nhiều chuyện không hay của cộng sự. Trong vụ kiện vào tháng 9/2023, ông cáo buộc Armstrong "chỉ đạo và chuyển bất hợp pháp" số tiền 50.000 USD/tháng cho Wolfe.
Armstrong cũng bị cáo buộc đánh cắp hàng chục nghìn USD tiền mã hóa của công ty, bao gồm một số vật phẩm NFT, bên cạnh việc lạm dụng steroid, quấy rối tình dục và bạo lực tại văn phòng.
Tháng 9/2023, nhà đầu tư tiền mã hóa Carlos Diaz yêu cầu Armstrong ký chuyển nhượng quyền sở hữu chiếc Lamborghini. Người này khẳng định lỗ nặng khi đầu tư vào BEN Coin, và muốn bán ôtô của Armstrong để thu hồi vốn. Trong khi đó, Armstrong cho rằng Diaz tự giới thiệu mình là đại lý của HIT Network, góp phần kêu gọi vốn cho dự án.
Sau tất cả, thời gian 2 năm sở hữu chiếc Lamborghini giá 350.000 USD của Armstrong kết thúc tại một bãi đậu xe Walmart, khi ông và Diaz hẹn nhau để hoàn tất thủ tục.
"Ông ta ăn cắp chiếc Lamborghini của tôi"
Bất chấp sa cơ, Armstrong vẫn tìm cách trở lại. Tháng 12/2023, ông cùng Wolfe bay đến Las Vegas để thông báo tham gia "câu lạc bộ chiến đấu cho influencer" - sự kiện boxing với chủ đề tiền mã hóa dự kiến diễn ra tại Mexico City vào tháng 2.
Armstrong trở lại livestream trên kênh YouTube mới lập, có tên Ben Armstrong Crypto và bị khán giả phản đối kịch liệt. Ông cũng chịu áp lực pháp lý khi trả hơn 150.000 USD thuê luật sư cho các vụ kiện.
Trở về Georgia, 3 nhân viên nam của HIT Network tố bị Armstrong quấy rối tình dục. Trả lời vấn đề này, Armstrong chỉ trích đồng nghiệp cũ do không thuê đội ngũ chuyên về nhân sự, và khẳng định không quấy rối ai. Cuối cùng, ông không bị buộc tội.
Khi chuyện ngoại tình bị phanh phui, Armstrong đăng video cùng vợ Bethany và 3 con nhỏ, khẳng định sẽ vượt qua khủng hoảng và luôn bên nhau. Trong một phiên điều trần liên quan đến vụ kiện HIT Network, Armstrong ở giữa, còn Bethany và Wolfe ngồi 2 bên.
Tháng 10/2023, Bethany đệ đơn ly hôn. Hồ sơ tòa án cho thấy bà đã thuê kế toán pháp y đánh giá tài sản tiền mã hóa của chồng.
Tại tòa, Armstrong phủ nhận che giấu các khoản tiền, nhưng bảo vệ chuyện ngoại tình với Wolfe. Cả 2 xuất hiện cùng nhau trong các sự kiện quảng bá BEN Coin.
Armstrong thậm chí kiện đồng nghiệp cũ xoay quanh chiếc Lamborghini - biểu tượng một thời cho thành công của "BitBoy". Trong hồ sơ tòa án tại Georgia, ông khẳng định bị tống tiền, bắt nạt nhằm chuyển quyền sở hữu xe cho Diaz.
Tháng 9/2023, Armstrong lái xe đến nhà của Diaz ở ngoại ô Atlanta, mang theo khẩu súng. Phát livestream trên đường, ông luyên thuyên về chiếc xe không còn của mình.
"Người đàn ông này đang tống tiền tôi. Ông ta ăn cắp chiếc Lamborghini của tôi", Armstrong nói với cảnh sát.
Câu chuyện về chiếc Lamborghini tiếp tục diễn ra tại phòng xử án quận Cobb. Mọi người đồng ý chiếc xe từng đứng tên Armstrong, nhưng ông không thể khẳng định tiền mua xe đến từ cá nhân hay tài khoản công ty. KOL một thời nói rằng "sợ" Diaz nên miễn cưỡng ký giấy chuyển nhượng.
Sau khoảng 2 tiếng tranh luận, thẩm phán Jana Edmondson-Cooper ra phán quyết có lợi cho Diaz, lập luận rằng Armstrong không thể chứng minh chiếc xe không phải tài sản công ty.
Niềm tự hào của "BitBoy" chưa bao giờ thuộc về Armstrong. "Thẩm phán ăn hối lộ", ông đập tay xuống bàn rồi hét lớn trước khi rời tòa.
Không lấy được xe, kênh YouTube chưa đến 100.000 lượt đăng ký, "đế chế" một thời của Armstrong đã sụp đổ. Tuy nhiên, ông vẫn mơ mộng thị trường sẽ phục hồi.
"Tôi là người rất phức tạp và dễ bị hiểu lầm. Tôi sẽ giàu trở lại. Mọi người đều thấy điều đó, chỉ là nó đến ra sao và khi nào mà thôi", Armstrong nói.