Có thể bạn quan tâm

Khi siêu tàu gặp nạn giữa đại dương

Khi một con tàu lớn gặp tai nạn nghiêm trọng, chi phí xử lý có thể lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ USD. Dù vậy, con tàu vẫn không tránh khỏi số phận bị dỡ bán sắt vụn.

Trực thăng của Tuần duyên Mỹ cứu trợ thủy thủ đoàn khi tàu chở hàng Golden Ray bị lật năm 2019. Ảnh: Tuần duyên Mỹ.

Giữa màn đêm Đại Tây Dương, một con tàu có tên MS Seascape - chở theo 4.000 ôtô điện - bất ngờ đâm vào đá ngầm và bị lật úp ở nơi chỉ cách cảng một vài cây số, theo một kịch bản được tờ Guardian đặt ra.

Giới chức bảo vệ bờ biển lập tức được báo động. Trực thăng được điều đến để giải cứu thủy thủ đoàn, trong khi các tàu hỗ trợ có nhiệm vụ cứu các hàng hóa chưa bị rơi xuống biển. Với lượng pin xe điện lớn chất trên tàu, nếu đám cháy xảy ra, hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

MS Seascape chỉ là một con tàu tưởng tượng, nhưng sự việc xảy ra đối với nó không hề hiếm. Chỉ trong năm 2021, 54 con tàu lớn đã bị chìm, mắc cạn hoặc bốc cháy. Những vụ việc này đều gây ra nguy cơ không nhỏ đối với môi trường đại dương.

Ít khi lực lượng cứu hộ ra quyết định từ bỏ con tàu. Trước nguy cơ rò rỉ dầu, lực lượng cứu hộ sẽ cố gắng giải cứu, trục vớt tàu, cũng như xử lý mọi tác động tới môi trường.

Tuy vậy, cái giá phải trả có thể rất lớn. Kỷ lục hiện nay đang thuộc về tàu Costa Concordia, vốn bị mắc cạn ngoài khơi Genoa, Italy năm 2012. Chi phí giải cứu con tàu này lên tới hơn một tỷ USD, và 350 nhân viên cứu hộ đã phải làm việc trong gần ba năm.

Không chiến dịch trục vớt nào giống nhau, vì các điều kiện về địa điểm, độ sâu, thời tiết, trang thiết bị và mức độ nhạy cảm của môi trường xung quanh có sự khác biệt. Dù vậy, đa số chiến dịch giải cứu dựa trên các bước cơ bản dưới đây.

Bước 1: Rút nhiên liệu, ngăn phế thải tràn ra biển

Ngay sau khi con tàu giả định của chúng ta gặp nạn, một công ty cứu hộ sẽ được huy động để ngăn thảm họa xảy ra với môi trường đại dương.

Vị trí con tàu gặp nạn tác động lớn tới tốc độ của chiến dịch cứu hộ. Năm 2011, khi một con tàu container bị mắc cạn ngoài khơi New Zealand, nó đã phải chờ hàng tuần để các trang thiết bị cứu hộ từ Singapore có thể tiếp cận. Trong khoảng thời gian đó, thân tàu đã bị vỡ.

Một trong những việc đầu tiên của lực lượng cứu hộ là dựng lên một “hàng rào” quanh con tàu để ngăn dầu và các phế thải độc lại lan ra đại dương. Trong khi đó, các kỹ sư cũng tìm cách rút dầu và các chất gây ô nhiễm khác - như chất bôi trơn, khí đốt và một số loại chất lỏng khác.

Đội cứu hộ sẽ phải khoan qua lớp thép dày của tàu để tiếp cận thùng dầu. Sau đó, họ sẽ luồn các ống dẫn để bơm chất lỏng ra một con tàu khác đang chờ đợi. Các thợ lặn sẽ được cử vào tàu để hút dầu từ các thùng dầu bị chìm.

Đây là công việc tương đối khó khăn: Đội cứu hộ sẽ phải đảm bảo hoạt động của họ không khiến con tàu thêm mất ổn định. Do đó, quá trình này có thể tốn nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần.

Bước 2: Cắt rời con tàu

Sau 10 ngày, khi dầu đã được rút hết, con tàu xấu số của chúng ta đứng trước nguy cơ rã thành từng mảnh nhỏ. Do đó, các nhân viên cứu hộ sẽ cần hành động nhanh chóng.

Đầu tiên, khu phòng ở trên tàu sẽ bị cắt đi để xác con tàu gọn hơn, giúp công việc dễ dàng hơn. Một trong những cách thức cắt rời con tàu là sử dụng thuốc nổ - nhưng điều này có thể gây hại tới môi trường sinh thái.

Thay vào đó, đội cứu hộ có thể sử dụng một sợi cáp bọc kim cương có khả năng cắt được thép. “Lưỡi cưa” này sẽ được gắn vào một cần trục đặc biệt và đưa tới hiện trường. Sợi cáp được quay với tốc độ cao và hạ dần dần xuống để cắt đứt con tàu.

Quá trình cắt mỗi mảnh có thể tốn đến 12 giờ. Tuy nhiên, nhờ độ chính xác cao, thềm san hô phía dưới sẽ không bị ảnh hưởng, trong khi thùng chứa dầu cũng không chịu tác động.

Tràn dầu không phải nguy cơ duy nhất với môi trường của một vụ tai nạn tàu thủy: Mỗi con tàu đều chứa nhiều hóa chất nguy hiểm.

Sơn trên tàu có thể chứa chì, các bức tường có thể làm từ amiăng, trong khi thủy ngân và polychlorinated biphenyl (PCB) được sử dụng trong các thiết bị điện của các con tàu cũ. Tại Biển Bắc, một tàu chiến cũ của Đức vẫn đang thải hóa chất ra biển sau hơn 80 năm bị đánh chìm.

Bước 3: Dỡ các phần và đưa lên bờ

Xác con tàu MS Seascape của chúng ta giờ đây sẽ cần được kéo về bờ. Đầu tiên, một cần trục nổi khổng lồ sẽ được dựng lên giữa biển để kéo các mảnh tàu từ đáy biển lên. Đây cũng sẽ là nơi tạm trú của đội ngũ cứu hộ, những người có thể phải ở trên biển nhiều tuần.

Bắt đầu từ mũi tàu, từng mảnh tàu được cắt ra trước đó sẽ đều được đục các lỗ để gắn dây cáp, trước khi chúng được nâng lên nhờ cần trục. Sau đó, các phần sẽ được chất lên xà lan và đi.

Riêng mảnh đuôi tàu cần được đưa lên bằng cách khác. Trước khi phần này được cắt ra, các tàu hỗ trợ sẽ hàn các hộp kim loại chứa không khí lớn vào mạn tàu để giúp mảnh này có thể nổi. Sau đó, nó sẽ được kéo về cảng.

Không phải con tàu nào cũng cần được dỡ từng phần. Ví dụ, với tàu Costa Concordia, các nhân viên cứu hộ đã vá lại các lỗ thủng, gắn các thùng khí, trước khi kéo cả con tàu đi. Trong khi đó, một số con tàu khác - như X-Press Pearl, con tàu chìm ngoài khơi Sri Lanka năm 2019 - đòi hỏi hàng chục dây cáp để kéo lên từ tận đáy biển.

Trong quá trình này, việc một số phế thải trên tàu tràn ra biển là điều không thể tránh khỏi. Các thợ lặn sẽ định vị chúng dưới lòng biển và cung cấp thông tin cho một sà lan chuyên dụng, vốn được trang bị nam châm ngầm và máy gắp cơ khí.

Bước 4: Dỡ mọi thứ từ tàu

Khi đã được đưa lên bờ, các phần của tàu MS Seascape sẽ chờ đợi để được tháo dỡ. Do con tàu giả định của chúng ta mang cờ một nước thành viên EU, nó sẽ chỉ có thể được tháo dỡ tại một trong 46 khu bãi được cấp phép tại châu Âu, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, nếu con tàu thuộc về các quốc gia khác, quy trình sẽ bớt phức tạp hơn. Dù vậy, nếu không được chú ý kỹ, việc tháo dỡ có thể gây ra tác động tới môi trường và sức khỏe, sinh mạng của người lao động.

Con tàu giả tưởng của chúng ta đã được đưa tới Italy, nơi chất thải cần được kiểm soát. Trong vòng vài tháng, con tàu sẽ được tháo dỡ thành các cấu phần đã chế tạo nên tàu: các tấm amiăng, hệ thống dây điện, các trang thiết bị và nội thất. Cuối cùng, vỏ sắt là thứ duy nhất còn lại.

Đây hoàn toàn không phải đồ bỏ đi, mà vẫn có giá trị rất lớn. Nếu được tái chế một cách có hiệu quả, hầu hết thép của tàu sẽ có thể sử dụng lại. Với tàu Costa Concordia, tỷ lệ này là 90%.

Vào lúc này, ở rạn san hô xảy ra tai nạn, hệ sinh thái cũng đang dần phục hồi. Dù vậy, đây là quá trình tốn thời gian: 10 năm sau tai nạn của tàu Costa Concordia, cá thảm cỏ biển vẫn đang trong quá trình hồi phục.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/khi-sieu-tau-gap-nan-giua-dai-duong-post1393856.html