Lifestyle

Khi sự nghiệp chững lại

Vì dễ dàng hài lòng, nhiều người không nhận ra rằng họ đang rơi vào bế tắc và không thể thăng tiến trong sự nghiệp.

Thoát khỏi trạng thái hài lòng quá mức giúp sự nghiệp thăng hoa nhanh chóng. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.

Đa số mọi người đều tìm kiếm sự hài lòng trong công việc. Chúng ta thỏa mãn khi hoàn thành một dự án hoặc tự ca ngợi bản thân khi được cấp trên tuyên dương. Tuy vậy, nếu không chú ý, bạn sẽ dễ dàng đẩy chính mình vào ngõ cụt.

Nói cách khác, vì việc làm suôn sẻ và dễ hài lòng, bạn có thể không nhận ra rằng mình có thể làm được nhiều hơn thế. Đôi khi, điều này còn cho thấy sự nghiệp của bạn thực chất đang chững lại hoặc ít có tiến triển.

Dưới đây, Fast Company tổng hợp những chỉ dẫn hữu ích của Joy Fitzgerald, Giám đốc về Đa dạng hóa, Công bằng và Hòa nhập tại UnitedHealth, công ty quản lý dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Mỹ, giúp bạn ý thức hơn về cảm giác hài lòng và tiến xa hơn trong sự nghiệp.

Dấu hiệu

Fitzgerald giải thích rằng một trong những dấu hiệu của công việc bế tắc là khi bạn chờ đợi sự dẫn dắt từ người khác.

Theo đó, vì hiếm khi được đả động hay khuyến khích, nhiều người lao động không nỗ lực, tìm kiếm cơ hội tốt hơn trong sự nghiệp. Thậm chí, họ còn có thể cho rằng bản thân thiếu năng lực hay thậm chí không xứng đáng để có được vị trí cao hơn.

Bên cạnh đó, thiếu động lực cũng là biểu hiện nổi bật của công việc đang “dậm chân tại chỗ”. Không ít người tìm đến các chuyên gia và cố vấn để tìm kiếm câu trả lời liên quan đến cuộc sống và sự nghiệp của họ.

Bạn rất có thể đang bỏ qua những dấu hiệu cho thấy sự nghiệp đang không phát triển. Ảnh minh họa: cottobro studio/Pexels.

Những cá nhân này chưa thực sự thấu hiểu hay tìm kiếm mục tiêu việc làm của mình. Vì vậy, họ thường hành động thiếu chủ đích hoặc không có tầm nhìn xa. Kết quả, họ dễ bằng lòng và sự nghiệp mãi không thể thăng tiến.

Ngoài ra, nhiều người giới hạn định nghĩa của sự thành công chỉ xoay quanh việc sở hữu công việc tốt và có thể chu cấp cho gia đình. Điều này làm họ thiếu đi mục đích hay động lực làm việc. Việc làm sẽ chỉ đi xa được nếu bạn hiểu được thành công đối với bản thân là như thế nào.

Cuối cùng, nếu không vui vẻ hay cảm giác thành tựu, rất có thể bạn đang theo đuổi sai mục tiêu và khiến sự nghiệp chững lại.

Giải pháp

Để thoát khỏi bế tắc trong sự nghiệp, bạn cần thấu hiểu sâu sắc mục tiêu làm việc của mình. Dưới đây, Fitzgerald đưa ra chỉ dẫn ba bước giúp bạn giải quyết vấn đề này.

Mơ mộng thực chất đem lại hiệu quả tích cực cho công việc. Ảnh minh họa: Anna Nekrashevich/Pexels.

Hãy mơ mộng

Nhiều người nghĩ rằng việc mơ ước chỉ dành cho trẻ con. Tuy nhiên, thực tế, bạn có thể mộng mơ về cuộc sống của mình ở bất kỳ độ tuổi nào.

“Khả năng xây dựng hay mường tượng cuộc sống hay ngày làm việc lý tưởng thực chất có lợi.

Điều này giúp mọi người loại bỏ một số trở ngại về tinh thần liên quan đến sự nghi ngờ và sợ hãi. Theo đó, họ có thể trở nên tự tin hơn”, Fitzgerald chia sẻ.

Ngoài ra, mơ mộng cũng cho phép chúng ta hình dung được ảnh hưởng tích cực bản thân đến công việc mình đang đảm nhận.

Suy xét về những gì bản thân đã và muốn có là thiết yếu trong sự nghiệp. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.

Phản ánh

Sau mơ mộng là bước phản ánh lại bản thân. Nói một cách đơn giản, bạn cần cẩn thận suy ngẫm và đánh giá về cảm xúc, thế mạnh hay bất kỳ khía cạnh nào về bản thân liên quan đến công việc.

Fitzgerald cho hay mỗi người sẽ tìm được cách thoát khỏi bế tắc trong công việc nhanh hơn khi đầu tư thời gian để cân nhắc về những gì đã học được và cách họ thể hiện bản thân khi làm việc.

Theo đó, bạn hãy thử hỏi bản thân những vấn đề dưới đây. Tất thảy đều giúp bạn có được câu trả lời về hướng đi tiếp theo trong sự nghiệp của mình.

Tôi làm những việc gì khi bản thân năng suất nhất? Khi nào thì tôi cảm thấy mình thành công trọn vẹn nhất? Điều gì mang lại niềm vui trong công việc? Việc làm nào vắt kiệt năng lượng của tôi?

Bạn cần chấp nhận và cam kết với mục tiêu làm việc của bản thân. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels.

Thẳng thắn và dứt khoát

Bước cuối cùng và quan trọng nhất để công việc thoát khỏi bế tắc là sự thẳng thắn và trung thực với bản thân. Nói cách khác, bạn cần chấp nhận thực tế rằng sự nghiệp đang không có tiến triển và cần được giải quyết.

Tiếp đó, bạn nên khẳng định lại rõ ràng mục đích làm việc của mình. Cách này giúp truyền cảm hứng và sức mạnh để bạn lập kế hoạch và theo đuổi thành công hiệu quả hơn.

Đồng thời, bạn cần tránh việc tìm kiếm sự cho phép hay công nhận từ người khác để thực hiện mong muốn làm việc của mình.

Thay vào đó, tập trung nắm tầm kiểm soát chính và tránh để người khác ảnh hưởng quá nhiều lên sự nghiệp cá nhân là thiết yếu.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/khi-su-nghiep-chung-lai-post1412827.html