Nhiều người trẻ Việt Nam sinh sống và làm việc tại nước ngoài quây quần đón Tết. Ảnh: Nghia Le/Pexels.
2 tuần gần đây, sau khi tan ca, Ngân vội vàng đến trung tâm tổ chức sự kiện gần nhà để tập luyện cho tiết mục văn nghệ trong chương trình ca nhạc chào xuân của cộng đồng người châu Á tại Sydney. Phải về nhà khi đã muộn, cô vẫn cảm thấy phấn khởi và hào hứng.
Không chỉ biểu diễn trên sân khấu, Ngân Nguyễn sẽ xem múa lân, tham gia đốt pháo, nhận lì xì... Các hoạt động này giúp cô vơi bớt cảm giác nhớ quê nhà.
"Tôi đã gửi email cho sếp xin nghỉ phép vào một ngày để tận hưởng không khí Tết Âm lịch cùng hàng trăm người đồng hương của mình", cô chia sẻ cùng Zing.
Ngân Nguyễn mặc áo dài tập luyện cho chương trình văn nghệ đón Tết với cộng đồng người Việt tại Sydney, Australia.
Tết xa nhà
Chung tâm sự cùng Ngân Nguyễn, Đinh Phúc (25 tuổi, Toronto, Canada) cũng không thể về quê đón Tết Âm lịch sắp tới. Đi du học từ năm 18 tuổi, anh đã xa nhà 6 mùa Tết.
"Tôi không thể rời khỏi Toronto trong thời gian này vì đang được xem xét để gia hạn thị thực", anh thở dài.
Với mục đích định cư tại Canada, Đinh Phúc cần đảm bảo tổng thời gian 1.095 ngày sinh sống tại quốc gia này trong vòng 5 năm. Nếu quyết định về nhà dịp Tết này, anh sẽ bỏ lỡ cơ hội đăng ký nhập tịch.
Biết con trai đã có bạn gái tại Canada, bố mẹ Phúc càng mong mỏi anh sẽ đưa cô về ra mắt gia đình trong Tết Nguyên đán.
"Bố mẹ khá buồn khi biết tôi không thể về quê dịp này, song cũng đành thông cảm cho hoàn cảnh của con trai", anh nói.
Làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Thành Trung (26 tuổi, Tokyo, Nhật Bản) đang chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá nhân sự thường niên tại công ty.
Đây cũng là lý do anh không thể về nước dịp Tết Nguyên đán này.
"Kỳ thi này quyết định mức lương, thưởng của tôi trong năm sau. Hơn nữa, tôi đang được cân nhắc cho vị trí trưởng nhóm nên buộc phải đạt kết quả cao", Trung cho biết.
Trước Tết một tháng, nam nhân viên văn phòng gửi toàn bộ tiền thưởng dự án về cho bố mẹ sắm sửa, trang hoàng nhà cửa.
Dù không thể trở về đoàn tụ, anh vẫn muốn gia đình ăn Tết đầy đủ, ấm cúng.
Đang là du học sinh tại University of Ottawa, Lâm Dương (23 tuổi, Ottawa, Canada) cũng phải hoãn kế hoạch về nước ăn Tết. Cô cho biết kỳ học mùa đông kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4. Tết Nguyên đán trùng vào thời gian thi giữa kỳ, Dương buộc phải ở lại để hoàn thành kỳ thi.
"Năm ngoái, tôi đã lên kế hoạch về Việt Nam đón Tết Âm lịch. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến tôi không thể hiện thực hóa dự định này", Dương kể với Zing.
Năm nay, Lâm Dương lại lỡ hẹn với bố mẹ một lần nữa. Sau khi kiểm tra lịch thi, cô quyết định tự sắp xếp một ngày nghỉ để đón Tết cùng hội du học sinh Việt Nam tại nơi ở. Học tập xa nhà, Dương coi hội du học sinh là gia đình thứ 2 của mình.
Gặp gia đình qua màn hình điện thoại
Lâm Dương cho biết Tết Âm lịch năm nay trùng với cuối tuần, tạo điều kiện cho hội bạn người Việt Nam của cô quây quần. Nhóm 5-6 người đã phân công cụ thể, một số người đảm nhiệm việc đi chợ châu Á mua nguyên liệu, những người khác đứng bếp.
Được xem là "tay hòm chìa khóa" của hội bạn, Lâm Dương đã trích 300-400 CAD (khoảng 5-7 triệu đồng) từ quỹ chung để chuẩn bị cho dịp đặc biệt này.
Theo Dương, bữa ăn đón Tết của du học sinh được giản lược khá nhiều. Cô và các bạn chỉ nấu những món đơn giản như chả nem, canh miến, gà luộc. Bánh chưng và xôi gấc được đặt trước từ cộng đồng người Việt tại Ottawa trên mạng xã hội.
"Là người Bắc, tôi quen với tục lệ kiêng ăn trứng vịt những ngày đầu năm. Tuy nhiên, các bạn người miền Nam luôn chuẩn bị món thịt kho trứng vịt trong mâm cỗ Tết", Lâm Dương chia sẻ.
Du học sinh này cũng cho biết cô được bạn bè dạy chơi lô tô - hoạt động phổ biến của người Nam bộ trong dịp Tết cổ truyền. Cả nhóm thường quây quần trước TV để đón xem các chương trình hài Tết, ca nhạc xuân.
Trong thời gian tụ tập, một số người gọi về nhà chúc mừng năm mới người thân, một số khác chia sẻ với nhau những tấm hình chụp với gia đình tại Việt Nam.
Hoạt động này khiến Dương và các bạn bớt tủi thân khi xa nhà trong dịp đặc biệt này. Mỗi buổi tụ tập như vậy thường kéo dài từ 17h chiều đến 3h sáng hôm sau.
Giống với Lâm Dương, Thành Trung cũng đón Tết Âm lịch cùng đồng nghiệp người Việt Nam. Nam nhân viên IT cho biết công ty anh có khá nhiều nhân sự Việt.
"Năm nào, tôi và các đồng nghiệp cũng tổ chức gói bánh chưng. Mặc dù không phải ai cũng khéo tay để gói chiếc bánh vuông vức, mọi người đều tham gia cho vơi bớt nỗi nhớ quê", Trung chia sẻ.
Theo Thành Trung, cửa hàng thực phẩm Việt tại Nhật Bản ngày càng nhiều. Anh và vài đồng nghiệp dự định ghé một siêu thị gần công ty để mua gạo nếp, đỗ xanh, lá dong về gói bánh chưng, bánh tét.
Do người Nhật không đón Tết Âm lịch, công ty Trung vẫn làm việc bình thường dịp này. Đêm giao thừa, sau khi tan ca lúc 18h, hội đồng hương Việt Nam dự định ở lại văn phòng gói và nấu bánh tét.
Trong thời gian trông nồi bánh, Thành Trung tranh thủ gọi điện về cho gia đình. Thông qua màn hình điện thoại, anh có thể chia sẻ niềm hân hoan và háo hức cùng các thành viên trong gia đình.
Dành một ngày nghỉ phép để đón Tết tại Australia, Ngân Nguyễn dự định ghé thăm các địa điểm vui chơi như Bankstown, Cabramatta, China Town.
Đây là những nơi nhiều người Việt tổ chức các hoạt động như xin chữ ông đồ, bán đồ trang trí Tết.
"Tôi dự định mua một cành đào nhựa về đặt trên bàn làm việc để tận hưởng chút không khí Tết từ nơi cách nhà hơn 7.000 km", Ngân tâm sự với Zing.
Sau khi tham gia các hoạt động ngoài trời, Ngân Nguyễn có kế hoạch về nhà chuẩn bị bữa cơm ấm cúng.
Sống một mình, cô không có ý định nấu nướng cầu kỳ. Mâm cơm đón Tết của chuyên viên tài chính này chỉ bao gồm một món kho, một món xào và bát canh rau.
Hoạt động quan trọng nhất của Ngân Nguyễn trong đêm giao thừa là gọi điện về nhà cho bố mẹ. Ngân cũng đặc biệt dặn mẹ thắp hương cho gia tiên giúp mình và hẹn gia đình một năm gần nhất sẽ về nhà đón Tết.n sách là những chỉ dẫn thiết thực để sống hạnh phúc, thông qua thói quen, luyện tập cơ thể, tư tưởng tích cực, hoạch định tương lai và xây dựng các mối quan hệ.