Wiki

Không ảnh vụ tàu treo cờ Singapore đâm sập cầu ở Mỹ

Hình ảnh vệ tinh chụp sau thảm họa tàu chở hàng đâm vào cầu Francis Scott Key ở Baltimore, bang Maryland (Mỹ) hôm 26/3 cho thấy đống đổ nát ngổn ngang trên sông Patapsco.

Cảnh sát bang Maryland ngày 27/3 cho biết 6 người mất tích sau khi cầu Francis Scott Key sập hôm 26/3 ở Baltimore, bang Maryland, hiện được cho là đã thiệt mạng.

Giới chức trách nói rằng vụ tai nạn đã khiến một số phương tiện và 8 công nhân xây dựng rơi xuống sông Patapsco. Hai người đã được cứu hôm 26/3, nhưng Jeffrey Pritzker, giám đốc điều hành cấp cao của Brawner Builders, chủ thuê công nhân xây dựng, cho biết 6 người còn lại được cho là đã chết, do độ sâu của nước và thời gian trôi qua kể từ vụ tai nạn.

Các quan chức Maryland cũng chia sẻ ý kiến trên và tuyên bố nỗ lực trục vớt sẽ tiếp tục khi trời sáng với sự tham gia của đội thợ lặn.

Ông Pritzker xác nhận nhóm công nhân đang làm việc ở giữa cây cầu khi va chạm xảy ra. Chưa có thi thể nào được tìm thấy.

“Điều này hoàn toàn không lường trước được”, ông Pritzker nói. “Chúng tôi không biết phải nói gì. Chúng tôi vốn tự tin về các biện pháp bảo vệ an toàn, chúng tôi có nón bảo hiểm, biển báo, đèn, rào chắn và cờ hiệu. Nhưng chúng tôi không bao giờ lường trước được rằng cây cầu sẽ sụp đổ”.

Theo New York Times, tàu Dali khởi hành từ cảng Baltimore đến Colombo, Sri Lanka, nhưng gặp sự cố với động cơ, mất điện hoàn toàn và chết máy, dẫn đến mất lái và đâm vào trụ cầu lúc 1h30 sáng 26/3. Con tàu treo cờ Singapore, thuộc sở hữu của công ty Grace Ocean Private, do hãng Synergy Marine quản lý.

Tất cả 22 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu Dali đều được xác nhận an toàn.

Nhà Trắng cho hay Tổng thống Joe Biden đã nói chuyện với các quan chức liên bang, tiểu bang và địa phương trong nỗ lực tiếp tục ứng phó với vụ sập cầu.

Những quan chức đó bao gồm Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Pete Buttigieg, Thống đốc bang Maryland Wes Moore, hai Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đến từ Maryland, Chris Van Hollen và Ben Cardin; và Thị trưởng Baltimore Brandon Scott.

Ông Moore nói với các phóng viên rằng cây cầu được xây dựng vào năm 1977 “hoàn toàn đáp ứng quy định” trước khi bị tàu đâm.

Vị thống đốc cho biết thêm con tàu đâm vào cây cầu này từng liên quan đến một sự cố ở cảng Antwerp (Bỉ) vào năm 2016, đâm vào một bến cảng khi đang cố gắng rời khỏi khu cảng container Biển Bắc.

Theo dữ liệu trên trang web công cộng Equasis, một cuộc kiểm tra tàu Dali sau đó vào ngày 27/6/2016 được thực hiện tại San Antonio, Chile, đã phát hiện con tàu có khiếm khuyết về “động cơ đẩy và máy móc phụ trợ”. Qua kiểm tra cũng xác định có thiếu sót liên quan đến đồng hồ đo, nhiệt kế. Người phát ngôn của chủ sở hữu Dali từ chối bình luận về báo cáo này.

Kevin Cartwright, giám đốc truyền thông của Sở cứu hỏa Baltimore, cho biết các cuộc gọi tới 911 đến vào khoảng 1h30 sáng 26/3, thông báo một chiếc tàu đi từ Baltimore đã tông vào cột trên cầu khiến cầu bị sập. Vào thời điểm đó, có một số phương tiện đang ở trên cầu.

Các quan chức cho biết con tàu đã đưa ra cảnh báo nguy hiểm vì nó đi chệch hướng và dường như bị mất điện. Các quan chức Baltimore tiết lộ chính chi tiết “mất điện” đã khiến họ ngăn chặn nhiều phương tiện đi vào cầu. Con tàu sau đó dường như bốc cháy khi một phần của cây cầu bị sập đè lên nó, khiến những đám khói đen dày đặc bay lên không trung.

Nhiệt độ trên sông là khoảng 8 độ C vào đầu buổi sáng 26/3, theo một phao thu thập dữ liệu cho Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia.

Từ một vị trí thuận lợi gần lối vào cầu, có thể nhìn thấy những tàn tích lởm chởm của khung thép nhô ra khỏi mặt nước, theo Guardian.

Một phóng viên của tờ Baltimore Banner cho biết 6 người được cho là mất tích là công nhân xây dựng đến từ El Salvador, Guatemala, Honduras và Mexico, ở độ tuổi 30 và 40, cùng vợ chồng và con cái.

“Tất cả họ đến thành phố để có một cuộc sống tốt đẹp hơn… không nhất thiết là cho bản thân họ mà cho những người thân yêu mà họ đã bỏ lại ở quê nhà”, phóng viên của tờ Banner viết.

Ông Jesús Campos, một công nhân xây dựng của công ty Brawner Builders, nói rằng ông là đồng nghiệp với các nạn nhân mất tích. Ông nói: “Họ đều là những người đàn ông chăm chỉ và khiêm tốn.

Phát biểu từ Phòng Roosevelt trong Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/3 khẳng định chính phủ liên bang sẽ chi tiền xây dựng lại cây cầu bị phá hủy, đồng thời kêu gọi Quốc hội hỗ trợ những nỗ lực này. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ngoài việc tập trung vào tìm kiếm và cứu nạn, giới chức trách sẽ nỗ lực mở lại cảng của thành phố “càng sớm càng tốt về mặt nhân đạo”, lưu ý rằng 15.000 việc làm phụ thuộc vào cảng.

Khi được hỏi tại sao chính phủ phải trả tiền mà không phải Grace Ocean, chủ sở hữu của con tàu đăng ký ở Singapore, ông Biden nói: “Điều đó có thể xảy ra, nhưng chúng tôi sẽ không chờ đợi. Chúng tôi sẽ chi tiền để xây dựng lại và thông xe cây cầu”.

Ảnh: Maxar, NYT

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/khong-anh-vu-tau-treo-co-singapore-dam-sap-cau-o-my-post1466843.html