TP.HCM hiện đã có 9 trung tâm và một chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới phải đóng cửa. Trong đó, 8 trung tâm đóng cửa vì vi phạm pháp luật.
Trái với kỳ vọng ban đầu rằng tình trạng quá tải đăng kiểm tại TP.HCM sẽ hạ nhiệt dần và kết thúc trước Tết Nguyên đán, tính toán của Cục Đăng kiểm cho thấy năng suất kiểm định phương tiện tại TP.HCM sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu trong thời gian dài sắp tới.
Trước làm quá dễ, nay làm quá chặt vì "sợ"
Cục Đăng kiểm Việt Nam ước tính trong 6 tháng đầu năm 2023, mỗi tháng TP.HCM sẽ có 57.493 phương tiện đến hạn kiểm định. Nếu các trung tâm làm việc cả ngày thứ 7 hàng tuần thì một ngày sẽ phải thực hiện kiểm định cho 2.211 phương tiện.
Hiện nay, TP.HCM chỉ còn 8/17 trung tâm và 1/2 chi nhánh đăng kiểm đang hoạt động. Kể cả bố trí tăng ca, làm thêm giờ, năng suất kiểm định của các trung tâm này chỉ đạt 1.290 phương tiện/ngày, đáp ứng được hơn một nửa nhu cầu kiểm định thực tế.
Tình trạng quá tải đăng kiểm tại TP.HCM sẽ kéo dài. Ảnh: Duy Hiệu.
Cục Đăng kiểm nhận định nhân sự ở các trung tâm luôn ở trong trạng thái tâm lý không ổn định, dẫn đến giảm năng suất kiểm định. Bên cạnh đó, sắp tới có thể sẽ còn một số trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa để phục vụ điều tra, dẫn đến năng suất kiểm định phương tiện còn tiếp tục sụt giảm.
Hiện, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An đã vào TP.HCM lần thứ 2 để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc về công tác đăng kiểm.
Trao đổi với Zing, ông Tô An nhận định có trường hợp đăng kiểm viên lúc trước làm việc dễ dãi, vừa qua thấy nhiều trạm bị bắt thì họ bỗng nhiên sợ rồi quay ra làm quá chặt, vượt cả quy định. "Có phương tiện quay đi quay về kiểm định đến 6 lần, gây thêm ùn tắc trầm kha", ông An chia sẻ.
Phương án "xốc lại đội hình"
Qua khảo sát, Cục Đăng kiểm nhận thấy hiện nay nhà xưởng, trang thiết bị tại 3 trung tâm và một chi nhánh trực thuộc Cục Đăng kiểm tại TP.HCM vẫn đủ điều kiện, đáp ứng các yêu cầu cơ sở vật chất kỹ thuật và đủ điều kiện hoạt động kiểm định.
Các đơn vị này gồm trung tâm 50-03V (phường Tam Bình, TP Thủ Đức), chi nhánh 50-03V (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), trung tâm 50-05V (phường An Phú Đông, quận 12), trung tâm 50-07V (phường Bình Hưng Hòa B, quận Tân Bình).
Cục Đăng kiểm nhận định các trung tâm trên bị tạm dừng hoạt động do con người (tập thể và cá nhân) vi phạm, không phải do cơ sở vật chất, trang thiết bị có vấn đề.
Để tránh lãng phí nguồn lực của xã hội và khắc phục tình trạng ùn tắc phương tiện, Cục Đăng kiểm kiến nghị Bộ trưởng GTVT báo cáo Chính phủ đồng ý cho tái sử dụng nhà xưởng, cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm đang bị tạm dừng hoạt động làm cơ sở để bổ sung nhân lực mới nhằm hoạt động trở lại.
Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Nguyễn Tô An khẳng định thẩm quyền để cho các trạm này hoạt động trở lại hiện không thuộc Bộ GTVT hay Cục Đăng kiểm nữa, mà cần có sự phê duyệt của Chính phủ.
Theo lập luận của lãnh đạo Cục, các đơn vị này phải dừng hoạt động vì vi phạm pháp luật (bị cơ quan điều tra khởi tố) và vi phạm quy định tại Nghị định 139 của Chính phủ. Vì nghị định do Chính phủ ban hành nên phải ở cấp Chính phủ mới đủ thẩm quyền cho hoạt động lại.
Trường hợp được hoạt động trở lại, Cục Đăng kiểm vẫn sẽ phải giải bài toán nhân lực để vận hành các trung tâm này.
"Nhân lực đăng kiểm viên hiện nay dù gấp rút đào tạo mới hay tăng cường tuyển dụng, cũng không thể bù đắp kịp trong một sớm một chiều mà chỉ có thể điều động, biệt phái trong nội bộ ngành đăng kiểm, trưng dụng đăng kiểm viên dôi dư, gom lại và đưa vào vận hành các dây chuyền đang thiếu người", ông An chia sẻ.
Trong bài toán co kéo nhân lực, Cục Đăng kiểm dự tính huy động số lượng đăng kiểm viên dôi dư từ Hà Nội, Hải Phòng... vào các tỉnh phía nam. Tuy nhiên, nguồn lực đăng kiểm tại Hà Nội hiện nay cũng rơi vào khủng hoảng. Cơ quan điều tra gần đây tiếp tục khám xét và tạm dừng hoạt động nhiều trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, khiến tình trạng quá tải tại các trung tâm khác thêm trầm trọng.