Trong vụ Vạn Thịnh Phát, bản án với các bị cáo cùng trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trong vụ án đã được Hội đồng xét xử công bố.
Tại phần kiến nghị, có rất nhiều thông tin liên quan giai đoạn 2 của vụ án, trong đó có việc kiến nghị C03 Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán cho SCB, các kiểm toán viên có liên quan. Nếu đủ căn cứ thì đề nghị xem xét xử lý đúng quy định.
Kiểm toán Big 4 "bỏ lọt" bất thường tại SCB
Trước khi vụ án Vạn Thịnh Phát được đem ra xét xử, nhóm công ty kiểm toán cho SCB giai đoạn 2012-2022 đều là các công ty lớn, thuộc nhóm Big 4 trên thị trường, bao gồm KPMG Việt Nam, Ernst & Young Vietnam (EY) và Deloitte Việt Nam.
Trong đó, thời kỳ đầu sáp nhập, Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam đã kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất và soát xét cho SCB cho đến năm 2016. Kiểm toán viên công ty từng lưu ý một số vấn đề, trong đó có nhắc tới thanh khoản ngân hàng.
Kiểm toán nêu lưu ý tới khoản phải thu đã quá hạn nhưng được ngân hàng đánh giá là có khả năng thu hồi nên không trích lập dự phòng. Ngoài ra còn khoản lãi dự thu cho vay khách hàng có thời hạn 1 năm đã đến hạn cuối hợp đồng, tuy vậy ngân hàng đánh giá khả năng thu hồi và tin tưởng số lãi dự thu này sẽ được thanh toán đầy đủ.
Giai đoạn 2017-2019, các báo cáo tài chính kiểm toán và soát xét của SCB đều do Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam thực hiện. Từ năm 2019 cho đến báo cáo soát xét bán niên năm 2021 của SCB, KPMG Việt Nam là đơn vị kiểm toán độc lập. Đây cũng là báo cáo được kiểm toán gần nhất của SCB.
Đáng chú ý, trong báo cáo soát xét bán niên năm 2021 (năm SCB ghi nhận lãi đột biến), kiểm toán viên của KPMG có nêu vấn đề nhấn mạnh, lưu ý người đọc các thuyết minh liên quan phân loại nợ, dự phòng và khoản lãi dự thu thuộc đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020.
Dù vậy, nhìn chung các kỳ báo cáo phần lớn đều là "không thấy có vấn đề gì", "phản ánh trung thực", "phù hợp với chuẩn mực kế toán"...
Khi vụ án được điều tra, ngày 8/10/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu SCB thuê tổ chức kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ.
Theo báo cáo điều tra, tại thời điểm ngày 30/6/2017, SCB có tỷ lệ nợ xấu đến 21% nhưng báo cáo chỉ 0,61%; tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ CAR 6,5% trong khi SCB báo cáo là 10%; tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ lên đến 63% trong khi con số SCB báo cáo là 55% (NHNN cho phép không quá 55%)...
Báo cáo rà soát, đánh giá cho thấy SCB đã âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng. Đối với nhóm Trương Mỹ Lan, kết quả điều tra cho thấy xuyên suốt quá trình, hơn 1,06 triệu tỷ đồng đã được giải ngân.
Tính đến thời điểm bị khởi tố, dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan còn 677.286 tỷ đồng. Trong khi đó tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại SCB đang hơn 511.262 tỷ đồng. Kết quả thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân cho thấy giá trị tài sản SCB còn lại là 295.940 tỷ đồng.
Siết chặt công tác kiểm toán
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận thời gian qua có một số vấn đề về kiểm toán độc lập có sai phạm trong một số vụ án hình sự. Điều này liên quan đến nhiều yếu tố.
Thứ nhất là năng lực của các nhân sự tại các công ty kiểm toán. Thứ hai là tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công việc kiểm toán trực tiếp. Thứ ba, không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình làm sai.
Bộ trưởng cho biết đối với công tác kiểm toán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo và siết chặt. Cụ thể, từ khâu cấp giấy chứng nhận kiểm toán viên đã đặt ra các điều kiện theo đúng quy định của pháp luật, được tổ chức thi, tổ chức đào tạo.
"Thường kiểm toán viên chưa năm nào thi đậu vượt trên 30%, năm cao nhất chỉ đậu 30%. Những chuẩn mực kiểm toán, phương pháp kiểm toán Bộ Tài chính đã chỉ đạo ban hành.
Tuy nhiên trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán, kiểm tra lại những bộ hồ sơ xem thử có sai phạm thì sẽ xử phạt và xử lý nghiêm", Bộ trưởng nhấn mạnh.