Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Còn tại các ngân hàng, mức lãi suất huy động chi trả cho các khoản tiền gửi mới của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng liên tục được điều chỉnh giảm mạnh.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết hiện lãi suất huy động bình quân của các ngân hàng chỉ ở mức 3,9%/năm và lãi suất cho vay với các khoản vay mới chỉ ở mức bình quân 6,7%/năm, giảm trên 2,5 điểm % so với cuối năm 2022.
Theo đánh giá của lãnh đạo NHNN, hiện mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm về mức thấp nhất 20 năm trở lại đây.
Nghịch lý lãi suất giảm tiền vẫn đổ về gửi ngân hàng
Ghi nhận tại nhóm ngân hàng Big 4 (gồm 4 ngân hàng quốc doanh là BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank), lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng hiện chỉ còn 1,9-2,2%/năm. Đây cũng là mức lãi suất thấp kỷ lục được ghi nhận từ trước đến nay của nhóm ngân hàng này. Trong khi đó, lãi suất huy động cho tiền gửi kỳ hạn trên 1 năm cũng chỉ đạt trên dưới 5%/năm.
Còn đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, mức lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm cao nhất cũng chỉ quanh ngưỡng 5-6,7%/năm. Con số này thấp hơn gần 4 điểm % so với hồi đầu năm (trên dưới 10%/năm) và cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng liên tục sụt giảm trong 2-3 tháng cuối năm 2023, nhưng nghịch một nghịch lý lại diễn ra trên thị trường này là lãi suất tiết kiệm giảm kịch liệt thì lượng lớn tiền gửi tiết kiệm vẫn chảy vào kênh ngân hàng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/12/2023, huy động vốn của các tổ chức tín dụng đã tăng 10,85% so với đầu năm 2023, cao gấp đôi so với mức tăng 5,99% của năm 2022.
Trong khi đó, số liệu của NHNN cho biết tính đến cuối tháng 9/2023, tổng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đạt khoảng 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và cao gần bằng mức tăng trưởng tiền gửi của cả năm 2022.
Như vậy, chỉ tính trong chưa đầy 3 tháng cuối năm 2023, tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng đã tăng 3,75 điểm %, tương đương mức tăng ròng gần 422.000 tỷ đồng. Bình quân cứ mỗi ngày trong quý IV/2023, người dân và doanh nghiệp lại mang thêm hơn 5.200 tỷ đồng đi gửi ngân hàng.
Số liệu từ NHNN cũng cho thấy tính đến hết quý III/2023, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương mức tăng 9,95% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.
Gửi tiền ngân hàng vẫn có lãi suất thực dương
Thông thường, khi lãi suất huy động giảm, lượng tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp cũng giảm theo do phải cạnh tranh với nhiều kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng, tiền ảo…
Tuy nhiên, đến năm 2023, trong khi thị trường chứng khoán kém hấp dẫn hơn, bất động sản chưa phục hồi, thị trường vàng biến động mạnh nhưng chỉ ghi nhận vào cuối năm... dòng tiền của nhà đầu tư đã chảy mạnh về kênh tiền gửi bất chấp xu hướng giảm lãi suất liên tục từ các nhà băng.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết: “Dù lãi suất huy động tại các ngân hàng xuống thấp nhưng vẫn cao hơn tỷ lệ lạm phát trong năm, tức là người gửi tiền vẫn có lãi suất thực dương trên tiền gửi của mình”.
Đây là một trong những lý do dòng tiền gửi của người dân vẫn tìm đến ngân hàng bất chấp lãi suất đã giảm về vùng thấp nhất nhiều năm.
Tương tự tiền gửi dân cư, tính tới cuối quý III/2023, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp cũng đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương mức tăng 4,65% so với cuối năm 2022 và cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.