Ngân hàng

Lãi suất thấp kỷ lục, nhộn nhịp người tìm mua sổ tiết kiệm lãi cao

Lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tục giảm mạnh khiến không ít người quan tâm tới việc mua bán lại sổ tiết kiệm có lãi suất cao.

Chỉ trong tháng 12, đã có hơn 20 ngân hàng thông báo giảm lãi suất huy động. Đặc biệt, nhiều ngân hàng sau những đợt giảm lãi suất liên tiếp đã đưa mặt bằng lãi suất tiền gửi của khách hàng cá nhân về đáy lịch sử.

Trong đó, Vietcombank hiện đã đưa lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng xuống chỉ còn 1,9%/năm. Với các kỳ hạn 12 tháng trở lên, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) cũng chỉ chấp nhận trả mức lãi 4,8-5,3%/năm.

Ở nhóm ngân hàng thương mại, lãi suất chi trả cho kỳ hạn 12 tháng cũng đã giảm về vùng thấp, phổ biến quanh 4,8-5,8%/năm, thấp hơn 3-4% so với đầu năm.

Nhộn nhịp thị trường mua bán sổ tiết kiệm lãi cao

Mặt bằng lãi suất tiền gửi ngân hàng về đáy lịch sử cũng là lúc thị trường mua bán sổ tiết kiệm lãi suất cao lên ngôi. Trên các hội nhóm mua - bán sổ tiết kiệm, hàng ngày đều có nhiều lượt chào mua - chào bán sổ tiết kiệm với đủ kỳ hạn từ 6 tháng; 9 tháng cho tới 12 tháng.

Trên một hội nhóm với gần 20.000 thành viên, mỗi ngày có tới cả chục bài đăng tìm mua - bán sổ tiết kiệm lãi suất cao.

Một tài khoản đăng thông tin cần chuyển nhượng sổ tiết kiệm tại CBBank trị giá 3,2 tỷ đồng, lãi suất 7,8%/năm, đáo hạn tháng 5/2024. Nếu chấp nhận, người mua sẽ được hưởng lãi suất 7,8%/năm cho kỳ hạn 5 tháng còn lại đối với khoản tiền gửi 3,2 tỷ, cao hơn nhiều mức lãi suất nếu gửi ngân hàng cùng kỳ hạn 5 tháng hiện nay là 2,2-4%/năm.

Lãi suất tiền gửi liên tục giảm sâu khiến thị trường mua - bán sổ tiết kiệm lãi cao nhộn nhịp những tháng gần đây. Ảnh: Nam Khánh.

Một tài khoản khác cũng rao bán lại 2 sổ tiết kiệm 830 triệu và 500 triệu đáo hạn vào cuối tháng 1/2024 với lãi suất 7,7%/năm tại HDBank. Tương tự, nếu mua lại sổ tiết kiệm này, người mua có thể nhận được mức lãi suất 7,7%/năm cho 1 tháng còn lại của sổ tiết kiệm, cao hơn rất nhiều mức lãi suất tiền gửi 1 tháng mà các ngân hàng đưa ra hiện nay là 1,9-3%/năm.

Ở chiều ngược lại, không ít bài đăng tìm kiếm mua sổ tiết kiệm với lãi suất tốt, đáo hạn trong năm 2024.

Nguyễn Phương (29 tuổi, Hà Nội) cũng có trong tay hơn 100 triệu đồng tiền gửi đáo hạn trong tháng 12. So với mức lãi suất 5,5%/năm nhận được cho kỳ hạn 12 tháng khi sổ tự động tái tục (đáo hạn rồi gửi lại), Phương chọn phương án mua lại sổ tiết kiệm để được hưởng lãi suất cao hơn.

"Đầu tư vào các kênh khác thì tôi không có nhiều kiến thức. Theo lời người quen giới thiệu có thể nhận chuyển nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao từ người khác nên tôi đã tìm hiểu. Tiếc là hầu hết sổ tiết kiệm lãi cao 8,5%/năm đến hơn 9%/năm đều đã đáo hạn hoặc sắp đến ngày đáo hạn. Nhưng tôi vẫn tìm được rất nhiều người có nhu cầu nhượng lại sổ với lãi suất 7,7%/năm, đáo hạn vào giữa năm sau", chị Phương cho biết.

Cần có biện pháp để tránh rủi ro

Theo tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hồng Thái, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm ngân hàng không phải hình thức mới và đã từng nở rộ nhiều tháng gần đây khi lãi suất tại các ngân hàng có chiều hướng giảm mạnh.

Theo ông Thái, trước hết, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm ngân hàng này đã được quy định theo Thông tư 48/2018 của Ngân hàng Nhà nước, cho phép cá nhân chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm, với điều kiện giữ nguyên kỳ hạn, lãi suất và số tiền gửi.

Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Hồng Thái. Ảnh: NVCC.

“Sổ tiết kiệm cũng là 1 loại giấy tờ có giá, và được coi như một loại tài sản. Người mua là mua quyền được hưởng tài sản này trong tương lai. Đây là 1 giao dịch dân sự, vì thế không vi phạm hay xâm phạm đến lợi ích của ai”, luật sư Thái chia sẻ.

Tuy được pháp luật quy định rất rõ ràng, nhưng theo vị luật sư hiện nay do có tình trạng trao đổi, giao dịch thông qua các trang mạng xã hội dẫn đến nhiều rủi ro liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tiền.

“Để đảm bảo an toàn, người mua cần có các bước thẩm định pháp lý. Tức là cần kiểm tra xem sự tồn tại của số tiền đó và các giao dịch có chính xác như cam kết. Khi giao dịch nên có hợp đồng ủy quyền công chứng không hủy ngang. Trong trường hợp hủy ngang cần phải bồi thường để tránh rủi ro cho cả hai phía", ông nói.

Ngoài ra, đối với người mua sổ tiết kiệm, luật sư Nguyễn Hồng Thái khuyến cáo nên thẩm tra cả nhân thân người bán qua các loại giấy tờ chứng minh được pháp luật công nhận.

Với những sổ tiết kiệm có giá trị lớn từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, luật sư đề xuất giải pháp an toàn nhất là người mua nên hỏi kỹ thông tin tại ngân hàng. Hai bên gặp nhau trực tiếp, thao tác giao dịch cần có sự hướng dẫn của nhân viên ngân hàng (nơi gửi tiền) để đảm bảo lợi ích tối đa cho cả hai bên. Điều này cũng phòng trừ trường hợp chủ sổ tiết kiệm đột nhiên báo mất tiền hoặc tự ý đến rút khoản tiền mà không thông báo cho bên mua.

"Dù tỷ lệ thấp nhưng vẫn không loại trừ khả năng chủ sổ tiết kiệm chẳng may qua đời trước khi hoàn tất giao dịch thì tài sản sẽ rơi vào tình trạng tranh chấp. Khi đó, dù người mua có lập giấy ủy quyền cũng trở nên vô hiệu và không rút được tiền từ sổ tiết kiệm do tài sản này nằm trong diện phải chia thừa kế", ông Thái khuyến nghị thêm.

Hiện các ngân hàng đều quy định rất rõ các bước chuyển nhượng sổ tiết kiệm. Tuy nhiên, một sổ tiết kiệm chỉ có thể thực hiện chuyển nhượng tối đa 2 lần.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/lai-suat-thap-ky-luc-nhon-nhip-nguoi-tim-mua-so-tiet-kiem-lai-cao-post1451301.html