Wiki

Lần phá lệ của Elon Musk

Từ nỗi lo ngại và ám ảnh bị trí tuệ nhân tạo diệt vong, Elon Musk phá lệ đầu tư vào DeepMind. Đây là khởi đầu cho những bước tiến khó ngờ của thế giới AI vài năm qua.

Năm 2015, Elon Musk tổ chức sinh nhật 44 tuổi riêng tư với bạn bè tại một resort ở California. Giữa không khí tiệc tùng hoan náo, CEO Tesla và bạn thân Larry Page - đồng sáng lập Google - đã có cuộc tranh cãi nảy lửa về AI.

Với Page, ông mơ về một thế giới tương lai nơi con người và các cỗ máy trí tuệ nhân tạo hợp tác. Các công ty AI phải tranh giành nguồn lực với nhau và kẻ mạnh sẽ chiến thắng. Tuy nhiên, Elon Musk cho rằng nếu nó trở thành sự thật, nhân loại sẽ diệt vong.

Những tưởng đó chỉ là chuyện phiếm giữa bữa tiệc. Ít ai biết rằng cuộc tranh cãi giữa hai tên tuổi giới công nghệ này đã bắt nguồn từ 13 năm trước.

Những tỷ phú đã góp tay vào buổi đầu của AGI

Năm 2010, nhà khoa học thần kinh Demis Hassabis cùng đồng sự đã gọi vốn để phát triển một công nghệ chưa từng có - “trí tuệ nhân tạo tổng hợp” (AGI). Nó có khả năng làm mọi thứ hệt như não bộ con người. Song, vào thời điểm đó, ít ai hứng thú với AI bởi nó vẫn chưa thể đạt đến mức độ tương đồng với não người dù mất hơn nửa thập kỷ nghiên cứu.

AGI là câu chuyện khiến Elon Musk và Larry Page tranh cãi nảy lửa. Ảnh: The New York Times.

Nhưng Hassabis đã gặp tỷ phú công nghệ Peter Thiel - người giàu lên nhờ đồng sáng lập PayPal cùng Elon Musk và là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào Facebook. Nhận 2,25 triệu USD tiền đầu tư từ Thiel, ông sáng lập công ty DeepMind - lấy ý tưởng từ khái niệm “học sâu” (deep learning) của AI.

“Mục tiêu của chúng tôi không phải là ngăn cản sự phát triển của AGI, mà là giảm thiểu nguy hiểm xuống mức thấp nhất có thể”, Mustafa Suleyman - một trong những đồng sáng lập DeepMind - chia sẻ.

Lo sợ AI tiêu diệt nhân loại, Elon Musk lần đầu phá lệ

Sau khi gọi vốn thành công từ Peter Thiel, nhà khoa học Demis Hassabis chuyển mục tiêu sang Elon Musk. Năm 2012, họ gặp nhau trong hội nghị do quỹ đầu tư của tỷ phú Thiel tổ chức. Musk chia sẻ về kế hoạch thôn tính Hỏa tinh với Hassabis. Đáp lại, nhà khoa học nói rằng kế hoạch của Musk chỉ thành công nếu các cỗ máy siêu trí tuệ không học theo và tiêu diệt nhân loại trên hành tinh đỏ.

Elon Musk giật mình. Ông chưa từng nghĩ đến hiểm họa này. Vì thế, CEO Tesla đã đầu tư vào DeepMind để tiến gần hơn với công nghệ AI tương lai của thế giới.

Khi đã dư dả về tài chính, DeepMind thuê thêm nhiều nhà nghiên cứu về mạng lưới thần kinh, thuật toán để tái tạo khả năng não người. Điều này thu hút sự chú ý của các tên tuổi lớn tại Thung lũng Silicon như Google, đặc biệt là Larry Page.

New York Times nhận định đầu tư vào DeepMind cũng là lần đầu tiên Elon Musk phá vỡ quy tắc của mình: không bỏ tiền cho công ty không do mình điều hành. Hậu quả rõ ràng nhất chính là cuộc tranh cãi giữa ông và tỷ phú Larry Page.

Cuộc đua AI nóng dần

Đến cuối năm 2012, Google và Facebook ngỏ ý mời đội ngũ của nhà khoa học Demis Hassabis về. Hai điều kiện ông đưa ra là không sử dụng DeepMind cho mục đích quân sự và được giám sát bởi đội ngũ quản trị công nghệ và đạo đức riêng.

Elon Musk đã đầu tư vào DeepMind nhưng cuối cùng lại bị Google đá khỏi ban quản trị sau khi mua lại. Ảnh: Space.

Cuối cùng, Google chiêu mộ thành công DeepMind với giá 650 triệu USD, đồng thời đá Elon Musk ra khỏi cuộc đua. Khi đó, ban quản trị của DeepMind có mặt đến 3 cái tên đến từ Google: Larry Page, đồng sáng lập Sergey Brin và Chủ tịch Eric Schmidt.

Ngay sau khi đổi chủ, hội đồng đạo đức của DeepMind đã tổ chức một buổi họp, trình bày về những lo ngại của họ với AI tương lai. Họ nói rằng công nghệ này sẽ thay thế rất nhiều công việc của con người và kẻ bị đổ tội chính là Google.

Song, ban quản trị của Google lại không nghĩ vậy. Họ cho rằng DeepMind chỉ đang thổi phồng vấn đề và AI sẽ tạo ra nhiều công việc hơn số nó thay thế. Tuy nhiên, lo ngại của start-up AI đến nay đã thành sự thật.

Đổ vỡ bắt đầu khi phi lợi nhuận lại trở thành vì lợi nhuận

Về phần Elon Musk, khi bất đồng quan điểm với Larry Page và rút vốn DeepMind, ông quyết định thành lập công ty nghiên cứu riêng. CEO SpaceX hẹn gặp Sam Altman để bàn về việc mở một start-up có tên OpenAI. Với vốn đầu tư hàng trăm triệu USD từ Elon Musk, phòng nghiên cứu đặt sứ mệnh là bảo vệ loài người trước sự phát triển của AI.

Ban đầu, Musk muốn OpenAI trở thành dự án phi lợi nhuận, không bị chi phối bởi yếu tố tài chính như DeepMind. Song, sau sự thành công vượt trội của ChatGPT, OpenAI lại là kẻ tạo ra nhiều rủi ro cho chính thị trường trí tuệ nhân tạo. Elon Musk rút vốn và ngừng hợp tác với Sam Altman.

Màn hợp tác giữa Elon Musk và Sam Altman cũng không thể có cái kết đẹp. Ảnh: Medium.

Theo New York Times, Altman đã biến OpenAI thành một doanh nghiệp tạo lợi nhuận sau thương vụ 1 tỷ USD với Microsoft. Trên thực tế, không phải ai ở OpenAI cũng vui mừng với tin này.

Dario Amodei - cựu Phó chủ tịch nghiên cứu - tỏ ra không hài lòng vì nghĩ rằng công ty sẽ đi theo hướng thương mại. Sau nỗ lực thuyết phục Altman bất thành, ông rời khỏi công ty và thành lập phòng thí nghiệm mới, lấy tính nhân đạo làm đầu.

“Giữa chúng tôi đã có bất đồng, mất lòng tin và đặt cái tôi quá lớn. Càng hợp tác, càng thân thuộc, tranh cãi lại càng nổ ra thường xuyên”, CEO OpenAI từng chia sẻ khi Elon Musk rút vốn đầu tư khỏi OpenAI.

Nhưng Altman không ngờ điều này lại ứng nghiệm với chính mình. Chỉ vài tuần trước, hội đồng quản trị cố gắng “đá” ông ra khỏi ghế CEO là vì không còn tin vào lý tưởng AI có lợi cho nhân loại trước kia. Dù sau đó Altman trở lại vị trí cũ, đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy tình thế rối ren của thị trường trí tuệ nhân tạo - nơi sẽ định hình tương lai con người.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/elon-musk-hay-sam-altman-ai-la-ke-cham-ngoi-cuoc-dua-ai-post1447068.html