Kiếm tiền

Lỗ vốn vì chứng khoán, BĐS nghỉ dưỡng, người trẻ đầu tư gì năm 2024?

Trong khi nhiều người trẻ chọn phương án đầu tư ít rủi ro như gửi tiết kiệm, bảo hiểm liên kết, một số vẫn dành tiền cho bất động sản có nhu cầu ở thật.

Xu hướng đầu tư của người trẻ trong năm 2024 hướng đến sự an toàn. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm.

“Đầu tư vào đâu?” là câu hỏi được nhiều người trẻ tự đặt ra cho bản thân nhân dịp đầu năm 2024. Trong bối cảnh nền kinh tế biến động, một số lựa chọn các phương án an toàn, ít rủi ro.

Họ quyết định “thủ, không tiến”, nằm im chờ thời, đợi nền kinh tế khởi sắc. Tri thức - ZNews trò chuyện với 4 bạn trẻ để hiểu hơn về xu hướng đầu tư trong năm nay.

Hiền Vũ chọn hình thức bảo hiểm liên kết đầu tư ít rủi ro, hướng đến sự an toàn trong năm nay.

Bảo hiểm liên kết đầu tư Hiền Vũ (24 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội)

Sau 3 năm đi làm, tôi để ra được một khoản 200 triệu đồng. Ngay khi nhận lương mỗi tháng, tôi lập tức chuyển 5 triệu đồng vào tài khoản tiết kiệm.

Số tiền tiết kiệm chưa đủ lớn để đầu tư bất động sản, song tôi không muốn nhìn tiền “nằm không” trong ngân hàng. Gặp gỡ một số bạn bè trong dịp Tết Nguyên đán, tôi nhận được lời khuyên thử sức với bảo hiểm liên kết đầu tư.

Lần đầu biết đến khái niệm này, tôi phải dành thời gian nghiên cứu, liên hệ công ty bảo hiểm để nghe tư vấn. Đúng với tên gọi, hình thức này bao gồm 2 phần: bảo hiểm và đầu tư.

Đây là hình thức đầu tư có tính minh bạch cao, ít rủi ro. Tôi có quyền biết phí bảo hiểm của mình được đầu tư vào đâu và lựa chọn quỹ phù hợp với sở thích, mục đích và khẩu vị rủi ro.

Sau khi tham khảo, tôi phân vân giữa 2 loại bảo hiểm liên kết đầu tư, bao gồm bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị. Điểm khác biệt cơ bản giữa 2 loại hình này là danh mục đầu tư.

Bảo hiểm liên kết chung hướng đến các danh mục ít rủi ro như trái phiếu hay các loại tiền gửi kỳ hạn, mang đến lãi suất ổn định nhưng thấp. Bảo hiểm liên kết đơn vị lại tập trung vào chứng khoán, có khả năng đem đến lợi nhuận lớn hơn song không đảm bảo tỷ suất sinh lợi.

Tiếp cận hình thức đầu tư này lần đầu, tôi quyết định chọn phương án an toàn, dự định đầu tư vào bảo hiểm liên kết chung. Tôi sẽ gặp nhân viên tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm để theo dõi thêm các điều khoản trong hợp đồng rồi mới tiến hành ký kết, gửi tiền.

Đan Thanh thực hiện hoạt động đầu tư chứng chỉ quỹ do thiếu kinh nghiệm, kiến thức về lĩnh vực tài chính.

Chứng chỉ quỹ mở Đan Thanh (27 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội)

Trong năm 2023, tôi lỗ hơn 20 triệu đồng khi “chân ướt chân ráo” gia nhập thị trường chứng khoán. Tôi đặc biệt hối hận khi liều chơi chứng khoán dù thiếu kinh nghiệm, chưa trang bị đủ kiến thức về thị trường.

Đến năm nay, tôi dự định thay đổi công việc, đăng ký chương trình cao học, vẫn tiếp tục không có thời gian theo dõi chỉ số chứng khoán hàng ngày. Vì vậy, tôi dự định chọn phương án đầu tư chứng chỉ quỹ.

Theo sự tìm hiểu sơ lược của tôi, bản chất của hoạt động đầu tư chứng chỉ quỹ là ủy thác vốn cho chuyên gia của các công ty tài chính. Hình thức này đặc biệt phù hợp với những nhà đầu tư mới, thiếu trải nghiệm như tôi.

Việc ủy quyền đầu tư cho các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính khiến tôi an tâm hơn về số tiền mình bỏ ra. Sau khi nghiên cứu các loại hình quỹ đầu tư, tôi quyết định chọn mô hình quỹ mở.

2 lý do chính khiến tôi đưa ra lựa chọn này là số vốn đầu tư thấp và khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Với vốn nhỏ, tôi khó tự đầu tư trực tiếp vào các lĩnh vực như bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu. Tuy nhiên, quỹ mở được đóng góp bởi nhiều nhà đầu tư tạo ra một khoản lớn, dễ dàng hướng đến các danh mục đầu tư hấp dẫn.

Hơn nữa, châm ngôn của tôi là tránh “bỏ trứng vào một rổ”. Tính chất của quỹ mở là đầu tư vào một rổ cổ phiếu đến từ nhiều công ty trong các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt phù hợp với phong cách đầu tư của tôi.

Tôi đang tiến hành tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp tài chính uy tín để “chọn mặt gửi vàng”, gửi gắm khoản tiền vất vả kiếm được.

Bất động sản có nhu cầu ở thật là hạng mục được Anh Khôi đầu tư trong năm 2024.

Bất động sản chung cư Anh Khôi (35 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội)

Có thâm niên đầu tư bất động sản hơn 5 năm, tôi thấy danh mục tài sản này phù hợp với tính cách mạo hiểm của mình. Từ năm 2022 đến 2023, tôi tập trung đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, loại hình condotel.

Trước đó, tôi dự đoán rằng sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, nhu cầu du lịch gia tăng, kéo theo sự leo giá của bất động sản nghỉ dưỡng. Vì không có số vốn lớn, tôi rủ một số người bạn chung tiền vào hạng mục đầu tư này.

Tuy nhiên, khoản đầu tư không sinh lời như tôi kỳ vọng. Giá bất động sản nghỉ dưỡng đi ngang, thậm chí giảm trong năm ngoái. Hơn nữa, loại hình condotel có tính thanh khoản thấp, khiến tiền đầu tư của chúng tôi “bị giam” tương đối lâu.

Trong khi một số bạn bè nản chí, tôi dự định đầu tư vào bất động sản chung cư trong năm nay. Tôi cho rằng căn hộ chung cư ở các đô thị lớn có nhu cầu sử dụng thật, dễ mua bán, khiến dòng tiền trôi chảy hơn.

Nếu may mắn thu về lợi nhuận, tôi có thể xoay vòng vốn, tái đầu tư vào các hạng mục khác, không bị áp lực tài chính dẫn đến bán tháo bất động sản nghỉ dưỡng. Biết đâu condotel sẽ tăng giá trong tương lai.

Thạch Thảo gửi tiết kiệm, không "xuống tiền" đầu tư bất động sản, vàng, chứng khoán trong năm nay.

Gửi tiết kiệm Thạch Thảo (25 tuổi, quận 4, TP.HCM)

Mới nhận được khoản tiền 700 triệu đồng xem như của hồi môn của bố mẹ, tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu các danh mục đầu tư khả thi trong dịp Tết Âm lịch.

Song, sau khi tham khảo nhiều nguồn khác nhau, tôi quyết định không “xuống tiền” vào các hạng mục như vàng, bất động sản hay chứng khoán trong giai đoạn kinh tế biến động này.

Để tránh chứng kiến tiền bỏ không, mất giá theo thời gian, tôi quyết định gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Nhận thấy lãi suất tiền gửi của các ngân hàng hiện đều ở mức dưới 6%, tôi không quan ngại nhiều.

Tôi không có ý định ép “tiền đẻ ra tiền” ở thời điểm này. Trong tương lai, tôi sẽ tiến hành đầu tư khi trang bị đủ kiến thức và nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn.

Tạm thời, tôi coi 700 triệu đồng này là khoản tích lũy cho hoạt động đầu tư tương lai. Tôi dự định kiếm thêm thu nhập thụ động từ các khoản đầu tư vào năm 2025.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/lo-von-vi-chung-khoan-bds-nghi-duong-nguoi-tre-dau-tu-gi-nam-2024-post1460942.html