Năm 2023 được đánh giá là một năm khó khăn với hoạt động ngân hàng nói chung và các công ty tài chính nói riêng. Trong năm mà tăng trưởng tín dụng không đạt kỳ vọng nhà điều hành đặt ra, nhiều công ty tài chính đã đối mặt với tình trạng suy giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ nặng.
Như trường hợp của FE Credit - ông lớn dẫn đầu về thị phần cho vay tiêu dùng tại Việt Nam - chỉ trong nửa đầu năm 2023 đã ghi nhận khoản lỗ gần 3.000 tỷ đồng. Theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), lũy kế cả năm 2023, FE Credit ghi nhận lỗ trước thuế 3.529 tỷ đồng.
Nhiều công ty tài chính lỗ đậm
Lãnh đạo FE Credit đánh giá lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã trải qua một năm khủng hoảng khi phải đối mặt liên tiếp với nhiều khó khăn như suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng cao.
Người lao động thu nhập trung bình thấp - vốn là phân khúc khách hàng chính của các công ty cho vay tiêu dùng - mất việc hàng loạt do nhiều doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng hoặc giải thể.
Khó khăn chung với ngành, nhưng FE Credit còn chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với nhóm còn lại, xuất phát từ danh mục tập trung vào phân khúc cho vay rủi ro và chiến lược tăng trưởng nhanh từ giai đoạn trước.
Không riêng FE Credit, Shinhan Finance cũng vừa công bố khoản lỗ kỷ lục kể từ khi bước chân vào thị trường cho vay tiêu dùng.
Theo đó, năm 2023, Shinhan Finance báo lỗ sau thuế 463 tỷ đồng, trong khi một năm trước đó vẫn lãi hơn 312 tỷ. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2019-2022, công ty tài chính này thường xuyên nằm trong nhóm có hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất với lợi nhuận bình quân khoảng 200-400 tỷ đồng/năm.
Cũng không thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ của nhóm công ty cho vay tiêu dùng năm vừa qua là Công ty tài chính Mirae Asset Việt Nam với khoản lỗ sau thuế lên tới 963 tỷ đồng, trong khi năm 2022 vẫn có lãi hơn 120 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm ngoái, vốn chủ sở hữu của Mirae Asset Việt Nam đạt khoảng 1.744 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cuối năm 2022. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty đã tăng từ 6,76% lên 6,92%, tương đương quy mô nợ phải trả và tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2023 là trên 12.000 tỷ đồng và trên 13.800 tỷ đồng.
Do khoản lỗ nặng trong năm vừa qua, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty tài chính này cũng rơi từ mức 7,6% của năm 2022 xuống âm 55,2% vào năm 2023.
Bên cạnh những công ty tài chính lỗ đậm trong năm 2023 kể trên, nhiều công ty cho vay tiêu dùng khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2023 lao dốc.
Trong đó Mcredit năm 2022 từng ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế lên tới 960 tỷ đồng, tuy nhiên, trong năm 2023 vừa qua, khoản lợi nhuận này của công ty đã giảm mạnh 75% xuống còn 240 tỷ.
Lợi nhuận giảm khiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của Mcredit giảm từ 40,7% năm 2022 xuống còn 8,2% năm 2023.
Theo Mcredit, nguyên nhân khiến lợi nhuận năm 2023 giảm mạnh là do tình trạng khó khăn chung của thị trường, nhu cầu vay tiêu dùng của khách hàng giảm do mất việc, hoãn giãn việc làm. Trong khi đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, công ty đã thực hiện việc cơ cấu miễn giảm lãi, giãn nợ… để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khách hàng.
Tương tự, VietCredit năm vừa qua cũng chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hơn 19 tỷ đồng, giảm gần 70% so với năm 2022. Lý giải điều này, lãnh đạo của VietCredit cho biết thu nhập từ lãi, hoạt động dịch vụ của công ty đều đã giảm trong năm 2023.
Nguyên nhân là công ty đã phải chủ động xuất toán thêm các khoản thu nhập liên quan tới các khách hàng có khoản vay quá hạn nhằm đảm bảo tuân thủ nguyên tắc thận trọng khi ghi nhận doanh thu.
Home Credit - công ty tài chính lớn thứ 2 thị trường trong nước - cũng báo lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn 68% năm ngoái, xuống còn 375 tỷ đồng. Dù là một trong những công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu, ông lớn này vẫn không tránh khỏi những ảnh hưởng chung của thị trường cho vay tiêu dùng.
Hay với HD Saison, thu nhập hoạt động trong năm 2023 của công ty tài chính này vẫn đạt gần 6.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2022 nhưng lợi nhuận trước thuế lại giảm gần 43%, đạt 660 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty này cho biết năm 2023 là giai đoạn phục hồi kinh tế gặp nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút, các chi phí tăng cao ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và HD Saison cũng gặp phải không ít những khó khăn này, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
Nắm bắt triển vọng tăng trưởng
Theo Fiingroup, mảng tài chính tiêu dùng kết thúc năm 2023 trong bối cảnh đầy thử thách. Dư nợ cho vay của các ngân hàng và công ty tài chính tăng hơn 11% so với 2022, chỉ bằng một nửa so với một năm trước đó. Trong đó, dư nợ tăng thêm của phân khúc này chủ yếu đến từ các ngân hàng.
Ước tính năm 2023, quy mô dư nợ cho vay của các công ty tài chính đã giảm hơn 9% so với cùng kỳ.
"Nhóm công ty tài chính đã bị ảnh hưởng nặng nề do suy thoái trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là sản xuất và xuất khẩu", các chuyên gia tại Fiingroup cho biết.
Khó mở rộng cho vay, cùng các điều kiện tín dụng bất lợi gồm nhu cầu giảm, tỷ lệ nợ quá hạn tăng và hoạt động cho vay bị thắt chặt... là những lý do khiến lợi nhuận các công ty tài chính bị ảnh hưởng mạnh.
Dù vậy, theo Fiingroup, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn còn triển vọng tăng trưởng lâu dài, khi quy mô hiện chỉ trên 10% GDP, thấp hơn nhiều so với một số thị trường khác trong khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Với nền kinh tế đang phục hồi, năm 2024 có thể là cơ hội thúc đẩy đà tăng trưởng của nhóm công ty tài chính tiêu dùng, bởi thu nhập hộ gia đình được nâng cao, sức mua phục hồi", nhóm phân tích của Fiingroup nhận xét thêm.