Vietnam Airlines, Vietjet Air và Vietravel Airlines đều báo cáo kết quả kinh doanh với những con số tích cực trong quý I. Tuy vậy, điều này không hoàn toàn đến từ việc giá vé máy bay nội tăng cao trong thời gian vừa qua.
Kinh doanh khởi sắc
Vietnam Airlines vừa ngắt mạch 16 quý thua lỗ liên tiếp với khoản lãi kỷ lục trong quý I năm nay. Cụ thể trong 3 tháng đầu năm, hãng bay này ghi nhận doanh thu gần 28.300 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức doanh thu quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.
Sau khi trừ các chi phí, công ty mẹ Vietnam Airlines lãi trước thuế khoảng 1.500 tỷ đồng quý I. Trong kỳ này, hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng ghi nhận khoản thu nhập khác hơn 3.630 tỷ đồng do phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines.
Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Vietnam Airlines lần lượt đạt hơn 4.500 tỷ đồng và hơn 4.400 tỷ đồng.
Tương tự Vietnam Airlines, Vietjet Air và Vietravel Airlines cũng đã báo cáo những con số tích cực trong quý I.
Cụ thể, Vietjet Air cho biết hãng đã lãi hợp nhất gần 540 tỷ đồng trong quý vừa qua khi doanh thu vận chuyển hàng không tăng 38% so với cùng kỳ, lên gần 17.800 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu vận chuyển hành khách và hoạt động phụ trợ, cho thuê chuyến bay đạt trên 15.700 tỷ đồng; doanh thu từ việc thu xếp, vận chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay, động cơ đạt gần 1.500 tỷ đồng và doanh thu từ cho thuê khô tàu bay đạt trên 450 tỷ đồng.
Tương tự, Vietravel Airlines cũng cho biết đã đạt doanh thu hơn 490 tỷ đồng trong quý I và lãi ròng hơn 10 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên hãng hàng không này có lãi 3 tháng liên tục sau 3 năm cất cánh.
"Thắng đậm" nhờ khách quốc tế
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, một chuyên gia hàng không khẳng định việc các hãng bay kinh doanh khởi sắc trong 3 tháng đầu năm là tổng hòa của nhiều yếu tố như thời điểm, sự phục hồi của thị trường. Trong đó, việc giá vé tăng cao chỉ đóng góp một phần. Ngoài ra, việc tăng trần giá vé máy bay diễn ra sau thời điểm 1/3 nên chưa tác động đến doanh số chung của quý I.
Vị này nói thêm, quý I là giai đoạn cao điểm của ngành hàng không Việt Nam khi nhu cầu đi lại tăng rất cao vào dịp Tết. Bên cạnh đó, việc Bamboo Airways tái cơ cấu, thu hẹp mạng bay và đội bay đã khiến các hãng còn lại có thêm thị phần.
Vì Vietravel Airlines chỉ có 3 tàu bay với mạng bay hạn chế, miếng bánh thị trường gần như nằm trong tay của Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Sự phục hồi của thị trường khách quốc tế cũng góp phần không nhỏ trong cơ cấu doanh thu của các hãng bay. Khi bay quốc tế, hãng bay không bị áp trần giá vé nên có thể đẩy giá vé lên cao, mang lại doanh thu nhiều hơn so với bay nội địa.
Đại diện Vietnam Airlines khẳng định hãng báo lãi đột biến cũng nhờ đẩy mạnh khai thác quốc tế, nỗ lực tái cơ cấu và yếu tố mùa vụ cao điểm quý I. Theo đó, doanh thu vận tải hàng không quốc tế đã trở lại bằng giai đoạn trước dịch với hơn 13.800 tỷ đồng, đóng góp 65% vào tổng doanh thu.
Tương tự, đại diện Vietjet Air cho hay lợi nhuận sau thuế tăng mạnh nhờ vận tải hành khách quốc tế tăng trưởng cùng hiệu quả từ các chương trình gia tăng doanh thu phụ trợ và tối ưu chi phí hoạt động. Trong quý I, hãng đã mở mới 15 đường bay quốc tế và nội địa, nâng tổng số đường bay lên 140. Trong đó, có tới 103 đường bay quốc tế tới Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc); Thành Đô, Tây An (Trung Quốc); Viêng Chăn (Lào) và các đường bay từ Hà Nội đến Hiroshima (Nhật Bản), Sydney, Melbourne (Australia)…
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thông tin 3 tháng đầu năm nay, sản lượng hành khách thông qua hệ thống 21 cảng hàng không đang khai thác thuộc ACV đã đạt gần 28 triệu lượt. So với cùng kỳ năm 2023, lượng khách tăng nhẹ 1% chiếm 24% kế hoạch năm. Tuy nhiên, tổng lượng khách quốc tế đã tăng 47% so cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 10,5 triệu lượt. Hành khách quốc nội giảm 15% đạt 17,4 triệu lượt.
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng hàng không nội địa đã phục hồi nhanh trong năm 2022 rồi chậm lại trong năm 2023 và 2024. Số lượng hành khách nội địa dự kiến giảm 8% trong năm nay, chủ yếu do tình hình kinh tế chung đang gặp khó khăn. Ngoài ra, việc các hãng hàng không loại bỏ các đường bay có nhu cầu thấp và giá vé tăng do chi phí nhiên liệu leo thang cũng khiến lượng khách nội địa giảm sút.
Trong khi đó, số lượng hành khách quốc tế năm 2024 dự kiến phục hồi hoàn toàn và bằng với năm 2019 trước đại dịch lại là tín hiệu tích cực cho cho thị trường hàng không quốc tế trong khi các đường bay tới Trung Quốc và Nga còn nhiều hạn chế.