Đầu tuần trước, chính sách thuế nhập khẩu mới dành cho hàng hóa Trung Quốc đã được chính quyền Tổng thống Joe Biden áp dụng. Trong số này, xe điện do Trung Quốc sản xuất phải chịu mức thuế nhập khẩu 100%, còn mức thuế dành cho pin ôtô nhập khẩu từ quốc gia này cũng tăng từ 7,5% lên thành 25%.
Dù động thái này rõ ràng hướng đến việc giảm thiểu những ảnh hưởng mà xe điện Trung Quốc có thể tạo ra cho ngành công nghiệp ôtô Mỹ, chuyên trang InsideEVs cho rằng chính sách tăng thuế nhập khẩu nói trên được cho là sẽ khiến giá bán một số dòng xe tại thị trường ôtô xứ cờ hoa có sự thay đổi.
Xe điện không còn rẻ
Theo InsideEVs, Tesla Model 3 phiên bản RWD là cái tên đầu tiên chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ dành cho hàng hóa Trung Quốc. Hiện, phiên bản RWD của Tesla Model 3 đang là mẫu xe rẻ nhất trong dải sản phẩm của hãng xe điện Mỹ, nhưng mọi thứ hoàn toàn có thể thay đổi trong tương lai.
Tesla sản xuất Model 3 RWD tại California (Mỹ) với bộ pin do CATL cung cấp. Khi thuế nhập khẩu mà Mỹ áp dụng cho pin Trung Quốc tăng lên thành 25%, Tesla Model 3 phiên bản RWD nhiều khả năng sẽ không thể giữ được mức giá 38.990 USD tại thị trường ôtô lớn thứ nhì thế giới.
Ông Sam Fiorani đến từ AutoForecast Solutions cho biết trong trường hợp này, Tesla sẽ phải gánh chịu chi phí sản xuất cao hơn, hoặc tìm kiếm một nhà cung cấp pin mới hay chấp nhận giảm mức độ ưu tiên nguồn lực dành cho Model 3 phiên bản RWD.
Vị này đồng thời cho rằng khách hàng Mỹ sẽ không nhận thấy những thay đổi rõ rệt về giá bán, bởi thị trường xe điện đang có xu hướng chững lại vào lúc này. Theo Sam Fiorani, các nhà sản xuất ôtô đang đối diện với không ít khó khăn ở giá bán hiện tại, do đó tăng giá sẽ không phải là một lựa chọn hợp lý tại thời điểm này.
Hiện, ngoài Polestar 2 và Volvo EX30 - những sản phẩm của tập đoàn Geely sắp ra mắt, không có xe điện nào do Trung Quốc sản xuất được bán tại thị trường ôtô xứ cờ hoa. Do đó, việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên gấp 4 lần dành cho ôtô điện Trung Quốc được đánh giá là một động thái mang tính biểu tượng.
Dù vậy, một số dòng xe sử dụng pin hoặc linh kiện pin có nguồn gốc Trung Quốc cũng có khả năng sẽ bị ảnh hưởng.
Giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Nhờ những đãi ngộ từ chính quyền cũng như tính cạnh tranh cao tại quê nhà, Trung Quốc đã dần trở thành một cường quốc về công nghệ pin. Quốc gia tỷ dân cũng sở hữu những công ty dẫn đầu thế giới trong mảng tinh chế các nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất pin ôtô như lithium hay than chì.
Trung Quốc đặc biệt chiếm ưu thế trong sản xuất pin LFP, vốn sở hữu phạm vi hoạt động kém hơn, tốc độ sạc chậm hơn nhưng rẻ hơn khá nhiều so với phần lớn những dòng pin ôtô khác trên thị trường. Pin LFP vì thế được cho là chìa khóa giúp giảm giá bán của ôtô điện, nhóm phương tiện vẫn khá đắt đỏ so với mặt bằng chung tại thị trường Mỹ.
“Gần như chắc chắn rằng không có mẫu xe điện nào xuất hiện tại bất kỳ thị trường nào trên thế giới mà không phụ thuộc một phần vào quá trình tinh chế và sản xuất vật liệu pin đang diễn ra tại Trung Quốc”, ông Jay Turner, giáo sư nghiên cứu môi trường tại đại học Wellesley, khẳng định.
Theo InsideEVs, chính quyền Mỹ đã và đang ưu tiên xây dựng ngành sản xuất pin trong nước nhằm tách biệt khỏi chuỗi cung ứng hiện hữu của Trung Quốc. Đây được cho là một phần nguyên nhân dẫn đến chính sách tăng thuế dành cho pin và các khoáng sản quan trọng có nguồn gốc từ Trung Quốc mà chính quyền Tổng thống Joe Biden ban hành hồi tuần trước.
Bên cạnh đó, chương trình ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD của chính quyền Mỹ cũng đã được sửa đổi, qua đó chỉ áp dụng cho ôtô sản xuất tại Bắc Mỹ và không có bất kỳ linh kiện pin nào từ Trung Quốc. Khi những thay đổi trong chính sách này có hiệu lực từ đầu năm, Tesla Model 3 RWD đã không còn nằm trong danh sách xe điện được hưởng mức ưu đãi thuế nói trên.
Theo InsideEVs, nhiều khả năng Tesla Model 3 RWD sẽ là mẫu xe điện duy nhất chịu ảnh hưởng từ chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ dành cho pin Trung Quốc. Model 3 phiên bản Long Range có 40% nguyên liệu có nguồn gốc Trung Quốc, nhưng một nhà nghiên cứu độc lập đã chia sẻ với InsideEVs rằng bộ pin của mẫu xe này được sản xuất tại Hàn Quốc, chỉ sử dụng các linh kiện từ Trung Quốc.
Ford ban đầu đã lên kế hoạch sản xuất pin LFP ngay tại Mỹ, sử dụng công nghệ của CATL và trang bị cho bán tải F-150 Lightning. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hãng xe Mỹ hủy bỏ.
Chuyên trang InsideEVs cho biết vẫn có một số xe điện khác tại thị trường Mỹ sử dụng pin do Trung Quốc sản xuất, chẳng hạn Ford Mustang Mach-E và biến thể dẫn động 4 bánh toàn thời gian của Toyota bZ4X. Tuy nhiên, các mẫu xe này lại được lắp ráp tại Mexico và Nhật Bản, do đó chúng không chịu ảnh hưởng từ mức thuế nhập khẩu mới.
Như vậy, chỉ cần pin Trung Quốc nằm sẵn trong ôtô khi xe cập cảng Mỹ, bộ pin trên các mẫu xe này sẽ không bị đánh thuế nhập khẩu 25%. Tuy nhiên, Mỹ đang xem xét kỹ lưỡng các dòng xe dạng này, cũng như khả năng các hãng xe Trung Quốc tìm cách “lách luật” thông qua việc thiết lập các cơ sở sản xuất tại Mexico.
Tác động với ngành công nghiệp ôtô Mỹ
Mức thuế dành cho pin và khoáng sản từ Trung Quốc được cho là sẽ gây ra những tác động nặng nề hơn về ngắn hạn so với mức thuế áp lên ôtô điện Trung Quốc. Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia chia sẻ với InsideEVs rằng chính sách này sẽ không có tác động lâu dài lên giá xe điện đến tay khách hàng.
Chuyên gia phân tích Chris Harto đến từ Consumer Reports cho hay chính sách ưu đãi thuế liên bang trị giá 7.500 USD đã là lý do chủ đạo khiến các nhà sản xuất xe điện tìm cách hạn chế sự liên quan đến các phụ tùng có nguồn gốc Trung Quốc, bất kể mức thuế mà Mỹ áp dụng dành cho pin nhập khẩu từ quốc gia tỷ dân.
Trong khi đó, bà Ingrid Malmgren - giám đốc cấp cao của Plug In America - cho rằng pin và nguyên liệu thô để sản xuất pin có thể trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà sản xuất ôtô tại Mỹ. Tuy nhiên, điều này được cho là chỉ dẫn đến việc tăng giá ngắn hạn đối với ôtô điện và sẽ dần trở nên ổn định một khi chuỗi cung ứng trong nước thành hình.