Trải nghiệm

Mạng xã hội thành hướng dẫn viên khi khách ngoại đến Việt Nam

Việt Nam đón lượng khách inbound tăng, nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn than "đói" bởi du khách quốc tế chuộng đi tự túc, book land tour thay vì mua tour trọn gói.

Ngày càng nhiều người chọn du lịch tự túc thay vì đặt tour trọn gói khi đến du lịch Việt Nam. Ảnh: Duy Hiệu.

Việt Nam đón hơn 3 triệu lượt khách quốc tế trong hai tháng đầu năm 2024, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành không mấy khả quan khi ngày càng nhiều du khách chọn đi tự túc, đặt land tour thay vì những combo trọn gói như trước.

Lần đầu đến Việt Nam, Cenpai (25 tuổi, du khách Philippines) dành 2 ngày khám phá TP.HCM. Nữ du khách cho biết cô đang trong chuyến du lịch một mình tự túc kéo dài 10 ngày đến các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Singapore, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Du lịch tự túc, không kế hoạch

Không lập kế hoạch chi tiết cho chuyến đi, Cenpai để đôi chân dẫn bước, vừa đi vừa nhìn ngắm, tìm hiểu những nét văn hóa, ẩm thực địa phương hiện diện trước mặt.

"Tôi đặt xe ôm công nghệ đến Nhà thờ Đức Bà (quận 1) rồi tản bộ, ghé thăm các điểm đến nằm trong trung tâm như Bưu điện Thành phố, Dinh độc lập, Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành, thưởng thức đồ ăn tại những quán có đông người bản địa ngồi ăn...", nữ du khách kể.

Cenpai cho biết cô đã đặt chân đến hơn 10 quốc gia, phần lớn các chuyến đi đều là du lịch tự túc một mình. "Công nghệ ngày càng phát triển, nhiều ứng dụng và các nền tảng mạng xã hội ra đời giúp du lịch trở nên dễ dàng, trải nghiệm được nhiều điều thú vị hơn. Tôi chưa từng nghĩ đến việc đặt tour du lịch trọn gói, thay vào đó tôi sẽ tự do khám phá với sự hỗ trợ của những ứng dụng du lịch và các trang mạng xã hội", cô nói.

Bên cạnh những nền tảng mạng xã hội, nhiều du khách vẫn dùng cẩm nang du lịch để khám phá điểm đến. Ảnh: Linh Huỳnh.

"Vé máy bay và phòng ở là 2 thứ tôi ưu tiên đặt trước để không rơi vào trạng thái bị động khi du lịch tự túc, còn các điểm đến thì đi đến đâu tính đến đó", Cenpai chia sẻ. Cô luôn dành thời gian tìm kiếm và đặt phòng trên các ứng dụng du lịch trước khi xuất phát.

Đi ngược lại với xu hướng lên lịch trình kỹ, ngày càng nhiều du khách trẻ chuyển sang du lịch tự phát, nhiều người đặt các hoạt động du lịch, trải nghiệm chỉ sau khi đến nơi, thậm chí trước giờ xuất phát vài tiếng.

Guillermo (du khách Tây Ban Nha) cho biết: "Thay vì lên kế hoạch cụ thể và ra sức chạy để hoàn thành KPI, tôi chọn đón nhận và trân trọng mọi việc xảy đến trong hành trình xê dịch của mình". Trong lần đầu đến TP.HCM du lịch, anh đã có cơ hội trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, đón Tết Nguyên đán cùng người bạn Việt Nam anh vô tình gặp trên đường.

Những điều ngẫu hứng xảy đến mang theo những kỉ niệm đáng nhớ, niềm vui bất ngờ, biến chuyến đi trở thành hành trình khám phá đích thực. Du khách có thể thoải mái nán lại thêm nếu muốn, thậm chí thay đổi lịch trình để tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời trong chuyến du lịch.

Dành 3,5 tháng xê dịch khắp Đông Nam Á và Nam Á, Josefine và Clara (Thụy Sĩ) không lên kế hoạch chi tiết mà chỉ xác định số lượng ngày ở các địa điểm. Sau khi khám phá Hà Giang, Hà Nội, 2 nữ du khách dành 3 ngày tìm hiểu TP.HCM. Việc tự túc di chuyển từ điểm đến A đến điểm B giúp cả hai chủ động và tiết kiệm chi phí hơn.

"Sau khi tìm kiếm trên mạng, chúng tôi đã đặt tour Chợ Lớn Downtown trên website để tìm hiểu về văn hóa và cuộc sống người Hoa sống ở TP.HCM", Josefine nói.

Mạng xã hội tác động đến quyết định

Theo kết quả khảo sát Travel Pulse về những xu hướng du lịch chủ đạo trên khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương hồi tháng 1 của nền tảng du lịch và trải nghiệm trực tuyến - Klook, hơn 80% khách du lịch châu Á Thái Bình Dương đặt các dịch vụ du lịch dựa trên những đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung.

Không chỉ vậy, mỗi khách du lịch cũng chính là một nhà sáng tạo nội dung. Khảo sát trên cho thấy 96% khách du lịch châu Á Thái Bình Dương thường xuyên đăng tải và chia sẻ trải nghiệm lên mạng xã hội.

Trong đó, Facebook, TikTok, Instagram và YouTube là những mạng xã hội phổ biến, được du khách thường xuyên sử dụng để tìm cảm hứng du lịch, xem review và chia sẻ về những dịch vụ, hoạt động trải nghiệm tại điểm đến.

Bên cạnh việc tham quan các công trình biểu tượng của thành phố, Cenpai còn háo hức tìm kiếm những trải nghiệm mới trong lần đầu đến với Việt Nam. "Chỉ cần lướt TikTok một lúc là tôi có thêm hàng tá các điều thú vị muốn khám phá. Dựa trên những clip review và bình luận, tôi đang phân vân giữa việc ghé thăm Địa đạo Củ Chi hay đi land tour khám phá chợ Bình Tây", cô chia sẻ.

Du khách Hàn Quốc chọn land tour để khám phá thành phố. Ảnh: Linh Huỳnh.

Những năm gần đây, mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng, trở thành công cụ tìm kiếm và lên kế hoạch du lịch của nhiều du khách.

Cặp đôi Maria và Victoria (đến từ Ấn Độ) cho biết trước khi đến TP.HCM, cả hai đã dành nhiều ngày lướt TikTok để xem những video giới thiệu, review. "Chúng tôi liệt kê những điểm đến và cùng nhau ngồi lại chọn lọc, sắp xếp để tạo thành lịch trình phù hợp với sở thích và thời gian của cả hai", Maria nói.

Nam du khách cho rằng việc tìm kiếm thông tin du lịch trên mạng xã hội khá tiện lợi, các bài viết được cập nhật thường xuyên hơn, có nhiều địa điểm mới hơn so với tìm kiếm trên Internet hay sổ tay du lịch.

Tuy nhiên, một số du khách vẫn trung thành sử dụng bản đồ du lịch hay sổ tay hướng dẫn du lịch của những điểm đến.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, Eva (du khách Pháp) nói: "Mặc dù mạng xã hội phát triển, dễ tiếp cận thông tin điểm đến nhưng chúng tôi vẫn thích sử dụng cẩm nang du lịch hơn. Cuốn sách này khiến chúng tôi cảm thấy tin tưởng hơn những bài viết có thể là bài PR, được seeding rầm rộ trên mạng xã hội".

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/mang-xa-hoi-thanh-huong-dan-vien-khi-khach-ngoai-den-viet-nam-post1466854.html