Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Những chiêu trò lừa đảo nổi bật gồm nâng hạn mức thẻ tín dụng, cho vay nặng lãi và thu phí xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Bị lừa nâng hạn mức thẻ tín dụng
Ngày 4/1, Công an phường Đức Giang, quận Long Biên (TP. Hà Nội) nhận đơn trình báo của chị H. (SN 1975, ngụ quận Long Biên) bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, chị H. nhận cuộc gọi của đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng, tư vấn nâng hạn mức thẻ tín dụng. Chúng yêu cầu nạn nhân gửi thông tin căn cước công dân (CCCD), thẻ tín dụng và mã OTP.
Sau khi cung cấp thông tin, chị H. phát hiện thẻ tín dụng bị trừ gần 90 triệu đồng nên đến cơ quan công an trình báo.
Dù được cảnh báo nhiều lần, tình trạng bị lừa nâng hạn mức thẻ tín dụng vẫn xảy ra. Theo Cục ATTT, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về an toàn trực tuyến.
Ngoài ra, tuyệt đối không cung cấp số CMND, CCCD, thẻ tín dụng hay mã OTP cho người khác dưới mọi hình thức để giảm nguy cơ bị lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản.
Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, cần báo cáo cho cơ quan công an gần nhất để giải quyết theo quy định.
Cho vay nặng lãi mượn danh cơ sở cầm đồ
Công an tỉnh Bình Dương cho biết Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ và Công an TP Thuận An để triệt phá, tạm giữ nhóm đối tượng nhằm điều tra hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Mạnh (SN 1993, tạm trú tại Khu dân cư Việt Sing, tỉnh Bình Dương) cầm đầu. Tên này chủ mưu cho vay nặng lãi núp bóng dưới dạng cơ sở cầm đồ, kết hợp online lẫn offline.
Trên Internet, Mạnh tạo website vaytienmatbinhduong247.com, trang Facebook “F88hotro247” và “Cầm đồ Kim Phát” để đăng nội dung cho vay, hỗ trợ tài chính nhằm tìm kiếm khách hàng, nhắm đến người dân địa phương hoặc khu vực giáp ranh.
Để điều hành hoạt động cho vay nặng lãi, Mạnh thuê 6-8 người khác (từ 23-30 tuổi), nuôi ăn ở, trả lương 8 triệu đồng/tháng để phát tờ rơi quảng cáo, tìm người có nhu cầu vay, tiếp xúc cho vay và thu tiền lãi, tiền góp.
Sau điều tra, các đối tượng khai nhận từ tháng 6/2022 đến nay, Mạnh cho một bị hại vay tiền 29 lần, gồm 7 lần vay đứng (lãi suất 730%/năm) và 22 lần vay góp (lãi suất 365%/năm). Cơ quan điều tra xác định 49 người vay tiền của nhóm đối tượng, tổng số tiền khoảng 24 tỷ đồng.
Cục ATTT khuyến cáo người dân tìm các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc công ty tài chính hợp pháp. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên website hoặc ứng dụng không đáng tin cậy.
Khi cài đặt ứng dụng lên điện thoại, đặc biệt nếu app liên quan đến tài chính, cần kiểm tra kỹ các quyền mà ứng dụng yêu cầu, đọc kỹ điều khoản và chính sách. Nếu phát hiện hành vi đáng ngờ, lập tức gỡ cài đặt ứng dụng.
Cảnh báo lừa xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tại Việt Nam nhận được thông tin từ khách hàng Trung Quốc, yêu cầu nộp giấy chứng nhận doanh nghiệp của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đóng phí từ 100-1.000 USD để cấp mã xuất khẩu.
Những website được đưa ra gồm www.gacc.app và www.aqsiq.net. Trên thực tế, chúng có dấu hiệu giả mạo, lừa đảo doanh nghiệp khi sử dụng tên viết tắt (tiếng Anh) của các cơ quan thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trước tình trạng trên, Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định Tổng cục Hải quan Trung Quốc không yêu cầu loại giấy tờ này. Ngoài ra, không có chuyện thu phí trực tuyến để cấp mã xuất khẩu và cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.
Cục ATTT khuyến cáo các doanh nghiệp tìm hiểu kỹ, chỉ nên truy cập website chính thức của đối tác nước ngoài. Với khách hàng Trung Quốc, tên miền thường có đuôi .cn. Ngoài ra, cần cảnh giác những yêu cầu bất thường khi giao thương với đối tác.
Nếu có khách hàng gửi yêu cầu như trên, đề nghị các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan đầu mối quốc gia (Văn phòng SPS Việt Nam) để được hỗ trợ.