Xu hướng

Mô hình quán cà phê kết hợp trông giữ trẻ đắt khách

Khi tới đây, các bố mẹ có không gian trò chuyện mà trẻ em vẫn có khu vực để chạy nhảy. Đồng thời, những phụ huynh cần làm việc có thể nhờ nhân viên trợ giúp trông con.

Trong 2-3 năm trở lại, mô hình kids cafe (quán cà phê, nhà hàng kết hợp với khu vui chơi trẻ em) đang ngày càng phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. Khách hàng chủ yếu là các bà mẹ, ông bố bỉm sữa có con nhỏ từ 0 đến 10 tuổi, nhóm gia đình có thu nhập trung bình trở lên.

Đặc trưng của các kids cafe là xây dựng khu vui chơi liên hoàn, với các trò chơi thích hợp với các bé ở nhiều lứa tuổi, tính cách, sở thích khác nhau. Khu vận động thường có các trò chơi như ném bóng, nhảy bạt nhún, trượt cầu trượt. Các trò mô phỏng bao gồm câu cá, đi chợ và nấu ăn, hóa trang thành nhân vật trong phim hoạt hình như công chúa Elsa, người nhện.

Giá chơi ở các kids cafe thường được tính theo giờ hoặc theo lượt, chi phí đồ ăn, đồ uống tính riêng. Vào cuối tuần, giá vé sẽ tăng thêm khoảng 10%. Chia sẻ với Zing, quản lý của Doo Doo Premium Kids Cafe (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho biết: "Trong tuần, khách thường lui tới trong khoảng 18-21h, sau khi các bé đi học về. Cuối tuần, hai khung giờ đông khách là 10-12h và 16-18h. Trung bình, các gia đình thường ngồi chơi trong vòng 2 tiếng. Ngày thường, quán cũng đón tiếp những khách hàng chỉ đến uống cà phê hoặc các gia đình nước ngoài đi du lịch".

Lần đầu dẫn con gái hơn 2 tuổi đi kids cafe, chị Trang (sinh năm 1993) chia sẻ mình biết đến mô hình này từ lâu nhưng địa điểm muốn thử nằm khá xa nhà. Sau một tiếng chơi với con, chị nhận xét so với các khu giải trí cho trẻ em trong trung tâm thương mại, điểm cộng là số lượng khách giới hạn, con nhỏ có thêm không gian vui đùa, tập trung chơi lâu hơn. "Ở những chỗ khác đông hơn, dễ có những vấn đề phát sinh như các anh, chị lớn tranh giành đồ chơi với em nhỏ, hoặc có nhiều người chơi một trò, em bé phải chờ tới lượt", chị nói.

Cũng lần đầu tiên đưa bé Ong (2 tuổi) đi kids cafe, chị Thu (sinh năm 2001) đánh giá điểm lợi của mô hình này là cha mẹ có thể dễ chơi cùng con hơn so với những không gian khác. Việc trông con cũng đỡ mệt đi đáng kể vì không cần chạy theo trẻ mọi lúc, mọi nơi. "Ngoài ra, ví dụ như trong buổi đi chơi đông thành viên như gia đình mình lần này, các chỗ tích hợp này cũng 'một công đôi việc', giúp mọi người vừa ăn uống, trẻ em được chạy nhảy mà không cần di chuyển giữa nhiều nơi", người mẹ bày tỏ.

Laurens Van Driel (đến từ Hà Lan) dẫn theo hai cô con gái nhỏ (2 và 3 tuổi) đi chơi trong lúc gia đình đến Việt Nam du lịch. Trong lúc bạn gái bận rộn làm việc từ xa, người cha đảm nhận nhiệm vụ trông con. "Hai cô bé đang háo hức vì được mặc váy công chúa, đội vương miện", anh Laurens cho hay.

Ngoài quy định cho mỗi khu vực, nhân viên chăm sóc sẽ đứng ngoài bao quát, sắp xếp lại đồ chơi để khung cảnh không lộn xộn. "Trẻ nhỏ hiếu động, dễ va chạm trong lúc đùa giỡn, nhiệm vụ của mình là tránh không cho sự cố nào xảy ra. Nếu các em khóc, mình cũng kiêm luôn phần việc dỗ nín. Những lúc vắng khách, mình có thể ngồi chơi cùng luôn với các bé", Linh - nhân viên của quán - chia sẻ.

Khu vực ăn uống thường được thiết kế ngay cạnh khu trò chơi để tiện cho người lớn dễ quan sát con nhỏ. "Mô hình cà phê kết hợp khu vui chơi trẻ nhỏ phù hợp cho các bố mẹ, gia đình muốn gặp gỡ, trò chuyện mà trẻ em vẫn có không gian chạy nhảy, không lo trẻ làm phiền tới những người xung quanh. Ngoài ra, những phụ huynh đi một mình, cần vừa làm việc vừa trông con có thể nhờ các bạn nhân viên trợ giúp", quản lý của Babiland Kids Cafe (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), cho hay.

Mẹ con chị Trinh (sinh năm 1993) thường ghé kids cafe trong 3-4 tiếng vào cuối tuần. "Dẫn các bé đi ra ngoài, mình muốn con được vui vẻ, thoải mái ở một nơi an toàn, dịch vụ tốt. Con có thể chơi từ sáng tới chiều, không bị giới hạn thời gian. Nhờ đó, bản thân mình cũng thấy yên tâm mà không bị stress, căng thẳng khi cùng lúc trông 2 con nhỏ. Trong lúc chơi mệt, trẻ nhỏ vẫn có chỗ nghỉ giải lao, ăn uống. Mức giá chi trả cao hơn trung bình nhưng mình thấy đáng bỏ tiền".

Từng dẫn hai người con đi nhiều địa điểm vui chơi trẻ em trong thành phố, chị Ngọc (sinh năm 1990) đánh giá tiêu chí cá nhân để chọn chỗ chơi cho trẻ bao gồm: mức độ vệ sinh có đảm bảo, đồ chơi liệu có cũ, không gian phải dễ quan sát được con nô đùa. Trung bình, mỗi buổi đi kids cafe của gia đình 4 người nhà chị hết khoảng 500.000-600.000 đồng, nằm trong khả năng chi trả. "Mình hay dẫn con đi chơi từ sớm nhằm tránh đông đúc. Mục đích chính của mình là cho con có thời gian chơi đúng nghĩa, không tiếp xúc với điện thoại, TV", người mẹ nói.

Các kids cafe hiện còn là nơi nhiều ông bố, bà mẹ thuê làm nơi tổ chức sinh nhật cho con trẻ, với những bữa tiệc muốn mời đông khách gia đình, bạn bè tới chung vui.

Ngoài những trò chơi thông thường, khu vui chơi còn có thể có thêm ngựa quay, máy gắp thú hay dịch vụ vẽ nail, sơn móng tay cho bé gái. Vào thứ 7 và chủ nhật, các gia đình muốn chắc chắn có chỗ ngồi thường gọi điện đặt bàn trước để tránh cảnh phải chờ đợi lâu.

"Trung bình, một ca sẽ có khoảng 5 nhân viên (thu ngân, pha chế, bếp, phục vụ) để vận hành quán. Cuối tuần, số lượng sẽ tăng lên 9-11 người, phụ thuộc vào việc quán có thêm sự kiện hay không. Sức chứa tối đa trong khu vui chơi là 120 bé, đông vui nhất ở khu nhà bóng, cầu trượt. Để tránh quá tải, quán thường nhận tối đa 50 bé trong một khung giờ", quản lý chia sẻ thêm.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/mo-hinh-quan-ca-phe-ket-hop-trong-giu-tre-dat-khach-post1409532.html