Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng 2, toàn thị trường Việt Nam ghi nhận tổng doanh số 11.633 xe. Trong số này, nhóm ôtô du lịch thu về doanh số 8.099 xe, giảm 45% so với số liệu bán hàng từng ghi nhận được ở kỳ báo cáo đầu năm.
Sức mua MPV giảm hơn một nửa
Nếu ở tháng đầu năm, toàn phân khúc MPV bình dân tại Việt Nam thu về tổng doanh số 3.249 xe thì sang tháng 2, lượng tiêu thụ nói trên đã giảm hơn một nửa.
Cụ thể, doanh số chung của 8 mẫu xe thuộc phân khúc MPV cỡ nhỏ trong tháng 2 đạt 1.512 xe, thấp hơn 1.737 xe so với tháng đầu năm và tương đương mức sụt giảm gần 54%.
Trong số này, Mitsubishi Xpander vẫn là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc dù đánh mất hơn 50% doanh số. Hãng xe Nhật Bản cho biết đã bàn giao thành công 641 xe Xpander cho khách hàng Việt Nam trong tháng 2, bao gồm 55 xe lắp ráp trong nước và 586 xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia.
Trong khi đó, Toyota Veloz Cross - đối thủ quen mặt của Xpander trên đường đua doanh số - dường như đang có một khởi đầu khá khó khăn khi sức bán dừng lại ở 146 xe trong tháng 2. Tại kỳ báo cáo trước, mẫu MPV cỡ nhỏ của Toyota cũng chỉ thu về doanh số 253 xe, xếp sau cả Honda BR-V hay Suzuki Ertiga Hybrid về lượng tiêu thụ.
Trái ngược với Toyota Corolla Cross, Suzuki XL7 bất ngờ tỏa sáng trong giai đoạn đầu năm khi tạm thời là mẫu MPV bình dân bán chạy thứ nhì toàn thị trường. Thành tích này có thể được nhìn nhận như một màn lội ngược dòng khá ấn tượng của Suzuki XL7 bởi trong năm ngoái, lượng tiêu thụ mà XL7 sở hữu thậm chí xếp dưới cả “tân binh” Honda BR-V hay các đối thủ Hàn Quốc như Kia Carens và Hyundai Stargazer.
Kia Carens cũng đang có một khởi đầu tương đối thuận lợi ở giai đoạn đầu năm. Mẫu MPV mang dáng dấp SUV của thương hiệu Kia đạt doanh số 201 xe trong tháng 2, nâng tổng thành tích bán hàng trong năm tính đến thời điểm hiện tại đạt 505 xe, tốt thứ ba toàn phân khúc.
Xe nhập gặp khó, xe hybrid cũng giảm doanh số
Là một trong 2 mẫu xe sở hữu mức giảm doanh số cao nhất phân khúc MPV bình dân, lượng tiêu thụ của Honda BR-V tại thị trường Việt Nam trong tháng 2 dừng lại ở 127 xe, con số vừa đủ để mẫu MPV nhập khẩu từ Indonesia xếp trên Toyota Avanza Premio (85 xe).
Hyundai Stargazer - mẫu xe nhập khẩu duy nhất của thương hiệu Hyundai ở thời điểm hiện tại - cũng đang gặp phải khởi đầu không mấy thuận lợi. Doanh số hàng tháng của Stargazer kể từ đầu năm luôn thấp hơn 100 xe khiến mẫu MPV này đang tạm thời là cái tên bán chậm nhất phân khúc.
Hiện, nhiều đại lý Hyundai tại Việt Nam cho biết đã bắt đầu nhận cọc Hyundai Stargazer X và sẽ giao xe trong quý II. Nhiều khả năng đây là một trong những nguyên nhân khiến Stargazer sở hữu doanh số không mấy ấn tượng tại thị trường xe Việt trong giai đoạn đầu năm.
Riêng đối với Suzuki Ertiga Hybrid, sau tháng đầu năm tương đối khả quan khi doanh số đạt 427 xe thì đại diện duy nhất trong phân khúc sở hữu động cơ lai điện đã phải chứng kiến doanh số sụt giảm khá mạnh. So với tháng đầu năm, lượng tiêu thụ của Suzuki Ertiga Hybrid đã thấp hơn 389 xe, tương đương mức sụt giảm hơn 91%.
Dù vậy nếu tính từ đầu năm, tổng doanh số lũy kế của Suzuki Ertiga Hybrid đã đạt 464 xe. Thành tích này giúp mẫu MPV cỡ nhỏ của Suzuki chen chân vào top 4 mẫu xe bán chạy nhất toàn phân khúc, sau Mitsubishi Xpander (1.925 xe), Suzuki XL7 (668 xe) và Kia Carens với 505 xe bán ra sau 2 tháng.
Những khó khăn phía trước
Nhìn chung, đà sụt giảm của phân khúc MPV bình dân là tương đồng với diễn biến chậm chạp của toàn thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 2. Xu hướng mua sắm ôtô phục vụ nhu cầu chơi Tết nhiều khả năng là nguyên nhân khiến sức mua ngả nhiều vào tháng đầu năm, qua đó khiến thị trường trở nên khá đìu hiu ở tháng giữa quý I.
Dù vẫn đang sở hữu mẫu xe bán chạy nhất thị trường ôtô Việt là Mitsubishi Xpander, nhóm các xe MPV bình dân được đánh giá sẽ phải chịu không ít áp lực từ những mẫu xe thuộc phân khúc SUV đô thị.
Những diễn biến đầu năm cho thấy phân khúc SUV đô thị là nhóm xe đang được các hãng ưu ái khi hàng loạt động thái khuyến mại hoặc điều chỉnh giá niêm yết được tung ra. Hyundai Creta và Mitsubishi Xforce sau điều chỉnh đang có giá khởi điểm dưới 600 triệu đồng, còn Toyota Yaris Cross cũng được giảm giá niêm yết cao nhất 80 triệu đồng.
Mức giá khởi điểm của Creta hay Xforce sau điều chỉnh đang khá tương đương với phiên bản AT của Mitsubishi Xpander, mẫu xe bán chạy thứ nhì toàn thị trường đồng thời là MPV bình dân được ưa chuộng nhất.
Chi tiết về số liệu bán hàng do VAMA công bố cũng cho thấy các phiên bản sử dụng hộp số tự động của Mitsubishi Xpander luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh số của mẫu xe này. Như vậy nếu xét trong phân khúc ôtô dưới 600 triệu đồng, rất có khả năng Mitsubishi Xpander sẽ bị đe dọa bởi sự có mặt của các đối thủ SUV đô thị như Hyundai Creta, Mazda CX-3 hay chính "người đàn em" Mitsubishi Xforce.
Dù vậy nếu nhìn nhận một cách khách quan, phân khúc MPV cỡ nhỏ vẫn được đánh giá đang có đôi chút lợi thế nhờ sở hữu không gian sử dụng tương đối rộng rãi. Thậm chí không ít mẫu xe trong phân khúc này còn sở hữu ngoại hình mang hơi hướm SUV như Mitsubishi Xpander Cross, Toyota Veloz Cross, Suzuki XL7, Kia Carens hay sắp tới đây có thể là Hyundai Stargazer X.
Sau khi chinh phục được khách hàng Việt và gần như thành công chiếm lấy thị phần của nhóm sedan cỡ B và xe hạng A, các xe thuộc phân khúc MPV bình dân nói chung và Mitsubishi Xpander nói riêng dường như đã tìm ra đối thủ mới đến từ nhóm SUV đô thị.
Phân khúc SUV cỡ B cũng đang trở nên đông đúc hơn trong năm nay, phản ánh nhu cầu của thị trường và định hướng phát triển của các hãng xe, tương tự những diễn biến từng bắt gặp ở phân khúc MPV giá rẻ. Bên cạnh Mitsubishi Xforce, phân khúc SUV đô thị trong năm nay dự kiến có thêm sự góp mặt của Omoda C5 và Haval Jolion, hai mẫu xe đến từ các thương hiệu ôtô Trung Quốc.