Ngày này năm ngoái, nhân viên thiết kế Hoài Thanh (25 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) đang vi vu Thái Lan cùng đồng nghiệp. Chuyến du lịch kéo dài 4 ngày 3 đêm, được doanh nghiệp công nghệ của cô hỗ trợ 100% chi phí di chuyển và ăn ở.
Tuy nhiên, "bức tranh" team building đã hoàn toàn thay đổi trong năm nay. Trong cuộc họp đầu quý II, ban lãnh đạo công ty thông báo không tổ chức du lịch để duy trì chi phí vận hành trong giai đoạn khó khăn.
“Nếu tình hình kinh doanh khả quan hơn, doanh nghiệp sẽ cố gắng tổ chức một chuyến đi chơi ngắn ngày vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, chúng tôi không hứa hẹn điều này”, lãnh đạo của Hoài Thanh nói trong cuộc họp.
Thông tin này khiến Thanh và đồng nghiệp không tránh khỏi thất vọng. Thay vì nằm dài trên bãi biển Pattaya (Thái Lan) như năm ngoái, hiện phải tăng ca đến 20h trong một tuần gần đây.
Hoài Thanh không phải trường hợp duy nhất chứng kiến tình cảnh trái ngược này. Nhiều nhân sự cũng tỏ ra chán nản khi doanh nghiệp loại bỏ chuyến du lịch thường niên, hoãn tổ chức team building trong năm nay.
Ở chiều ngược lại, các công ty cho biết hoạt động kinh doanh khó khăn là lý do chính dẫn đến quyết định này. Hiểu rằng nhân viên không hài lòng, song lãnh đạo buộc phải cắt giảm phúc lợi để đảm bảo quỹ lương, thưởng.
Ở công ty tăng ca, tự bỏ tiền túi đi du lịch
Trong giờ nghỉ trưa tại văn phòng, kỹ sư công nghệ Anh Dũng (27 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) xem lại những tấm hình chụp cùng đồng nghiệp trong chuyến du lịch công ty đến Phượng Hoàng cổ trấn (Hồ Nam, Trung Quốc) năm ngoái.
Biết rằng công ty không ký được hợp đồng lớn từ giữa năm 2023, Dũng đoán rằng ban lãnh đạo khó đưa nhân sự đi chơi xa như năm trước. Song, anh vẫn mong đợi một chuyến team building trong nước.
“Kỳ vọng rồi thất vọng. Không những bị cắt phúc lợi du lịch, nghỉ dưỡng, chúng tôi còn phải nói lời tạm biệt với trà chiều tại văn phòng và trợ cấp đi lại trong thành phố”, Anh Dũng thở dài nói.
Ban đầu, Dũng và đồng nghiệp bức xúc khi không có cơ hội xuất ngoại cùng công ty như lời hứa năm ngoái của ban lãnh đạo. Tuy nhiên, sau khi nghe cấp trên chia sẻ về khó khăn của công ty, anh dần thông cảm, thấu hiểu hơn cho đơn vị công tác.
Không thể đi du lịch nước ngoài như mơ ước, Anh Dũng và một số đồng nghiệp thân thiết quyết định thuê một căn homestay ở ngoại thành Hà Nội để tụ tập dịp cuối tuần. Giá thành 1 đêm nghỉ ngơi tại homestay là 6 triệu đồng, được chia đều cho 6 người.
“2 đồng nghiệp của tôi dự định nghỉ việc để đi du học. Chúng tôi muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ với nhau nên đành bỏ tiền túi cho chuyến đi 2 ngày 1 đêm”, kỹ sư công nghệ 27 tuổi chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Tương tự Hoài Thanh và Anh Dũng, chuyên viên marketing bất động sản Hoàng Long (28 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà NộI) cũng tiếc nuối chuyến du lịch Hàn Quốc hụt của công ty.
Năm ngoái, anh tham gia hoạt động team building 5 ngày 4 đêm đến Singapore - Malaysia và ghi lại nhiều kỷ niệm đẹp với các cộng sự. Trở về từ chuyến đi, lãnh đạo cấp cao hứa tổ chức chuyến du lịch đến Hàn Quốc cho nhân viên trong năm nay.
Song, lời hứa này không được hiện thực hoá. Lý do công ty của Hoàng Long đưa ra là ngân sách năm nay chưa đủ đưa toàn bộ nhân sự đến Hàn Quốc.
Doanh nghiệp cũng không muốn tổ chức chuyến đi tạm bợ hoặc chỉ dành chế độ đãi ngộ này cho cấp quản lý, nên đành huỷ bỏ hoạt động mang tính gắn kết, đợi đủ nguồn lực rồi thực hiện lời hứa.
“Ngày này năm ngoái, chúng tôi háo hức chuẩn bị trang phục đi Singapore. Năm nay, tôi ‘mắc kẹt’ với deadline tại văn phòng cả cuối tuần. Khối lượng công việc vẫn thế, chỉ có phúc lợi giảm đi”, chuyên viên marketing 28 tuổi nói.
Doanh nghiệp không thể gồng gánh chuyến đi
Về phía doanh nghiệp, Phúc Hoàng (35 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội), lãnh đạo cấp cao của một công ty logistic, cho biết công ty của anh đã nỗ lực tổ chức chuyến du lịch đến Bali (Indonesia) cho 50 nhân sự vào mùa hè năm ngoái.
Tuy nhiên, tình trạng kinh doanh ngày càng khó khăn không cho phép doanh nghiệp của Phúc duy trì chế độ đãi ngộ này. Quyết định huỷ bỏ hoạt động team building được đưa ra sau 3 buổi họp của ban lãnh đạo.
Nhận nhiệm vụ truyền tải thông tin này đến nhân viên, Phúc Hoàng ái ngại khi nghe tiếng thở dài của nhân sự. Sau khi xin lỗi và giải thích về quỹ vận hành eo hẹp hiện tại, anh cũng chấn chỉnh lại tinh thần, thái độ của cấp dưới.
“Tôi muốn các bạn hiểu rằng nếu chúng tôi gồng gánh chuyến du lịch này, lương, thưởng của các bạn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Đây là nỗ lực của ban lãnh đạo trong việc đảm bảo thu nhập cho 50 người lao động”, Phúc nói.
Từ đầu tháng 4, trưởng phòng hành chính - nhân sự Phương Mai (30 tuổi, quận 8, TP.HCM) đã được nhân sự hỏi han về hoạt động du lịch thường niên của công ty. Điểm đến, thời điểm tổ chức, lịch trình chuyến đi là những thắc mắc của cán bộ, nhân viên.
Tuy nhiên, Phương Mai không thể giải đáp những câu hỏi này khi chưa nhận được chỉ đạo, kế hoạch của cấp trên. Trước sự háo hức của người lao động, cô chỉ có thể giữ im lặng, nói rằng chưa nhận được chỉ thị.
Khi ban lãnh đạo đưa thông tin huỷ bỏ hoạt động team building xuống phòng nhân sự, Phương Mai lại rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Cô phải đứng giữa cấp trên và nhân viên, vừa nhận trách nhiệm báo tin, vừa phải xoa dịu đội ngũ nhân sự.
“Cấp trên yêu cầu tôi thông báo một cách khéo léo, tránh gây phẫn nộ, khiến tinh thần làm việc đi xuống. Tôi hiện vẫn chưa nghĩ ra cách truyền tải thông tin hợp lý”, Mai nói.
Trưởng phòng này dự định trích một khoản trong ngân sách liên hoan, tổ chức sự kiện nội bộ, hiếu hỉ để mua một số voucher khách sạn, vé máy bay bù đắp cho nhân sự. Nếu không thể đáp ứng hoạt động team building như những năm trước, Phương Mai vẫn muốn tạo cơ hội cho người lao động thực hiện chuyến du lịch với bạn bè, gia đình.