Lifestyle

Nạn nhân thực sự của tuần làm việc 69 giờ ở Hàn Quốc

'Công việc bận rộn không phải cái cớ để một người mẹ có thể cho con ăn trễ hay để con đi ngủ chẳng cần tắm rửa. Nuôi dạy trẻ em không phải là việc bạn có thể dồn lại làm một lần'.

Kế hoạch tăng giờ làm việc bị người dân Hàn Quốc phản đối. Ảnh: Reuters.

Đó là chia sẻ của Kim (35 tuổi), người đang nghỉ thai sản sau khi sinh con vào năm ngoái, lúc nghe về kế hoạch cải cách hệ thống tuần làm việc của đất nước, theo The Hankyoreh.

Kim làm việc cho một tập đoàn công ở tỉnh Gyeonggi và thường bận rộn vào cuối tuần do phải giám sát các dịch vụ dân cư. Cô lo sợ rằng thời gian làm việc dài hơn sẽ khiến việc chăm sóc con cái trở nên khó khăn hơn nhiều.

Tại công ty của Kim, chỉ những phòng ban có tính cạnh tranh cao mới cho phép tự do điều chỉnh giờ làm. Nếu đề nghị làm việc linh hoạt với lý do chăm con, nhân viên sẽ không được đánh giá cao.

"Việc tôi không được trả lương thỏa đáng ngay cả khi đã làm việc hơn 52 giờ/tuần trước khi nghỉ thai sản là chuyện rất bình thường. Nếu số giờ làm việc tăng lên thì tôi không thể tưởng tượng mình sẽ đi làm kiểu gì, trong khi vẫn phải nuôi con nhỏ. Tôi thực sự đang cân nhắc nghiêm túc chuyện nghỉ việc", Kim nói.

Không có lựa chọn khác

Hôm 6/3, Bộ Lao động Hàn Quốc giải thích về kế hoạch tăng giờ làm: "Tùy thuộc vào sở thích của người lao động, có thể làm việc 4 hoặc 4,5 ngày/tuần. Trong trường hợp các cặp vợ chồng có thu nhập kép, công việc và cân bằng cuộc sống sẽ được cải thiện chẳng hạn như thông qua việc điều chỉnh thời gian đi lại để đưa con cái đến trường hoặc học viện".

Bộ trưởng Lee Jung Sik nhấn mạnh điều này sẽ mang lại cho các bà mẹ đang đi làm nhiều lựa chọn và giúp họ nuôi dạy con cái tốt hơn.

Tuy nhiên, kế hoạch ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích. Hiệp hội Phụ nữ Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố gần đây rằng "trong khi nam giới sẽ làm việc nhiều giờ và được miễn trách nhiệm chăm sóc, phụ nữ sẽ phải làm mọi thứ".

Những người lao động có con nhỏ nói rằng kế hoạch của chính phủ là "một cuộc thảo luận vô ích mà không biết cha mẹ thực sự phải trải qua những gì".

Phụ nữ là người đảm nhận phần lớn trách nhiệm chăm sóc gia đình, con cái. Ảnh: The New York Times.

Theo các bậc phụ huynh, môi trường làm việc khắc nghiệt ở xứ kim chi không phải là nơi mà một người có thể tự do lựa chọn giờ làm việc, khi cân nhắc đến hoàn cảnh nuôi dạy con cái.

Jeong (37 tuổi) là nhân viên bán hàng của một công ty dược phẩm lớn và cứ 1-2 lần/tuần, cô thường về nhà sau 22h do tính chất công việc.

Vào những ngày Jeong đi làm về trễ, chồng cô chỉ còn cách vừa làm việc ở nhà vừa chăm con 3 tuổi. "Chồng tôi rất quan tâm đến việc chăm sóc con cái và chúng tôi đang sống nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ tôi. Nhưng nếu mọi thứ tệ hơn, tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài nghỉ việc", Jeong nói.

"Con trai tôi rất đáng yêu. Đôi khi tôi muốn sinh thêm, nhưng không thể tưởng tượng được bản thân sẽ phải xoay xở như thế nào, vì vậy đã nhanh chóng từ bỏ ý định này", Jeong nói thêm.

"Ca làm việc thứ hai"

Theo các bậc cha mẹ đang đi làm, dù gửi con đi nhà trẻ hay mầm non, họ vẫn cần ít nhất 4-6 giờ/ngày để cho con ăn, tắm, mặc quần áo và đi ngủ.

Nói cách khác, làm việc 52 giờ/tuần đồng thời nuôi con sẽ dẫn đến tổng khối lượng công việc vượt quá 70 giờ/tuần.

Hơn nữa, "ca làm việc thứ hai", các công việc chăm sóc gia đình, trẻ em, chủ yếu được giao cho phụ nữ. Như vậy với kế hoạch tăng giờ làm việc lên 69 tiếng/tuần, nạn nhân cuối cùng chính là các bà mẹ.

Để có sự cân bằng thực sự giữa công việc và cuộc sống, không có cách nào khác ngoài việc giảm tổng số giờ làm việc.

Nhiều bà mẹ cân nhắc chuyện nghỉ việc sau khi nghe về kế hoạch tăng giờ làm. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, khó khăn khi vừa làm việc vừa nuôi con có thể khiến mọi người tránh kết hôn và từ bỏ hoàn toàn việc sinh con.

Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, ở mức 0,78 vào năm 2022 và 0,81 vào năm 2021.

Theo hãng tin AP, dân số Hàn Quốc lần đầu tiên giảm vào năm 2021. Xu hướng già hóa sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, vì tình trạng thiếu lao động và chi tiêu phúc lợi tăng lên.

"Trẻ em ăn uống, đi học vào một thời điểm cố định, vì vậy công việc chăm sóc con cái không bao giờ có thể linh hoạt được", Jang Ha-na, Giám đốc của tổ chức Polit Mamas, cho biết.

"Ngay cả với tuần làm việc 52 giờ hiện tại (bao gồm cả làm thêm giờ), vẫn có nhiều trường hợp cha hoặc mẹ phải nghỉ việc vì không thể nuôi con khi cả hai đều đi làm", Jang nói thêm, đồng thời kêu gọi chấm dứt kế hoạch làm việc 69 giờ/tuần vì "đi ngược lại yêu cầu của người dân".

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/nan-nhan-thuc-su-cua-tuan-lam-viec-69-gio-o-han-quoc-post1413722.html