Thị trường tiêu dùng

Nên mua vàng miếng hay vàng nhẫn ngày vía Thần Tài?

Chuyên gia cho rằng giá vàng thường tăng cao vào ngày vía Thần Tài, vì vậy chỉ nên mua số lượng nhỏ để cầu may, đồng thời ưu tiên vàng nhẫn hơn vàng miếng để tối ưu về dài hạn.

Ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) được coi là ngày xin "lộc buôn, lộc bán" lớn nhất trong năm. Nhiều người cho rằng mua vàng vào ngày này sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho cả năm.

Vì thế, việc mua loại vàng gì và mua như thế nào để vừa duy trì văn hóa tâm linh vừa đảm bảo tỷ suất đầu tư tối ưu là một câu hỏi đáng quan tâm.

Mua vàng ta hay vàng tây?

Khi mua vàng, chúng ta có hai lựa chọn phổ biến là vàng 24K (còn được gọi là "vàng ta") và vàng 8-22K (thường được biết đến là "vàng tây").

"Vàng ta" là vàng ròng, vàng nguyên chất, tức là một sản phẩm hoàn toàn được đúc từ 100% là kim loại vàng. Vàng ta được ưa chuộng trong việc đầu tư và tiết kiệm vì ít mất giá khi bán lại. Các loại vàng ta thường bao gồm nhẫn trơn 9999, vàng miếng SJC hoặc các loại miếng vàng 9999 ép vỉ có hình kim bảo, linh vật, thần tài...

Ngược lại, "vàng tây" thường được dùng để chỉ một loại hợp kim giữa vàng nguyên chất với một số kim loại khác. Sự pha trộn này giúp khắc phục được điểm yếu của vàng nguyên chất là quá mềm dẻo. Vì vậy, vàng tây thường được chú ý với mẫu mã đa dạng và thiết kế tinh xảo, thích hợp hơn cho việc sử dụng làm trang sức và trang trí.

Thông thường, người Việt ưa chuộng vàng ta để mua cầu tài lộc trong ngày vía Thần Tài.

Mua vàng "lấy vía" sao cho hiệu quả?

Từ quan điểm tài chính cá nhân, Chuyên gia tài chính Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại CTCP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT đánh giá việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài không hẳn là một lựa chọn tốt.

"Việc xuất hiện một lực cầu ngắn hạn có thể sẽ làm tăng giá vàng bán ra, khiến việc mua vàng vào ngày này trở nên đắt đỏ hơn mức bình thường. Vì vậy, đối với những người không đặt nhiều niềm tin vào ngày vía Thần Tài mà chỉ tìm kiếm vàng như một kênh đầu tư dài hạn thì nên tránh việc mua vàng vào ngày này", ông nhận định.

Nếu muốn mua vàng cầu may trong ngày vía Thần Tài mà vẫn tránh được tác động tiêu cực do giá vàng tăng, người dân có thể mua lượng nhỏ, mang tính chất tượng trưng. Ảnh: Y Kiện.

Còn nếu vẫn muốn mua vàng để cầu may nhưng lại muốn tránh các tác động tiêu cực do giá vàng tăng, ông cho rằng người dân có thể xem đây như một hoạt động mang tính chất tượng trưng, tức là chỉ mua vàng vào ngày vía Thần Tài với một lượng rất nhỏ.

Theo quan niệm dân gian, vàng Thần Tài 1 chỉ là cầu Lộc, vàng Thần Tài 2 chỉ là cầu Phát, vàng Thần Tài 5 chỉ là cầu Tài. Trên thị trường hiện có nhiều mẫu mã vàng đáp ứng tiêu chí "vừa đủ" này.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn An Huy, hiện giá vàng miếng SJC đang cao hơn vàng nhẫn tròn trơn 9999 khoảng 14 triệu đồng/lượng.

"Đây là một mức chênh lệch rất lớn, là sự không hợp lý của thị trường vàng trong nước do tác động của Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012", ông đánh giá.

Theo vị chuyên gia, từ lúc ra đời, Nghị định 24 là vũ khí hữu hiệu chống vàng hóa kinh tế. Tuy nhiên, quy định về quản lý, kiểm soát nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng tại Nghị định này bắt đầu xuất hiện vấn đề bất cập khi nhu cầu vàng miếng trong nước tăng mạnh.

Vì vậy trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ xem xét sửa đổi, điều chỉnh quy định về nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng miếng, hoặc thay đổi tính độc quyền của vàng miếng SJC.

Việc này có thể rút ngắn chênh lệch giữa giá vàng SJC và vàng nhẫn trơn 9999.

Thời điểm hiện tại, mua vàng nhẫn trơn 9999 là lựa chọn tối ưu hơn về dài hạn khi giá đang chênh lệch lớn mà chất lượng hai loại vàng lại hoàn toàn giống nhau

Ông Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại FIDT

"Thời điểm hiện tại, mua vàng nhẫn trơn 9999 là lựa chọn tối ưu hơn về dài hạn khi giá đang chênh lệch lớn mà chất lượng hai loại vàng lại hoàn toàn giống nhau", ông Huy đưa lời khuyên.

Vị chuyên gia này cho rằng việc mua vàng là một trong những phong tục truyền thống được nhiều người Việt Nam tuân theo với niềm tin vào may mắn và tài lộc. Tuy nhiên, từ quan điểm tài chính, việc này cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính hợp lý và hiệu quả của quyết định đầu tư.

"Quan trọng nhất, mỗi người cần hiểu rõ về tài chính của mình và đưa ra quyết định dựa trên kiến thức và sự hiểu biết chứ không nên chỉ dựa trên niềm tin tín ngưỡng", chuyên gia tài chính này nhấn mạnh.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/cii-thu-11-ty-dong-phi-bot-trong-ngay-nguoi-dan-tro-lai-thanh-pho-post1460653.html