Hạ tầng

Ngã Tư Sở và đường Láng 'oằn mình' gánh xe cộ từ vành đai 2

Vành đai 2 (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở) được mở rộng quy mô lớn giúp xe cộ lưu thông dễ dàng. Tuy nhiên, lượng lớn xe cộ lại dồn về nút thắt Ngã Tư Sở và đường Láng, gây ùn tắc.

Một tuần sau khi thông toàn tuyến, xe cộ bắt đầu lưu thông nhiều hơn trên vành đai 2 (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở). Dự án này gồm hợp phần đường dưới thấp có quy mô 8-12 làn xe, rộng 53,5-63,5 m, cùng công trình đường trên cao dài hơn 5 km với 4 làn dành riêng cho ôtô, nối liền 4 quận trung tâm là Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai và Thanh Xuân.

Tuy nhiên, điểm cuối của đoạn vành đai trị giá hơn 10.000 tỷ đồng này là nút giao Ngã Tư Sở và đường Láng có quy mô nhỏ, chưa được nâng cấp mở rộng hoàn chỉnh theo quy hoạch. Do đó, lượng xe lớn dồn về 2 địa điểm này khiến tình trạng ùn tắc diễn ra bất kể thời gian trong ngày.

Đường Láng đoạn từ nút giao Lê Văn Lương - Láng Hạ hướng về Ngã Tư Sở ùn tắc cả 2 chiều lúc 15h45.

Ôtô dàn thành hàng 3-4 khiến xe máy luồn lách qua các khe để di chuyển. Trao đổi với Zing, nam tài xế tên Hải cho hay: "Không còn con đường nào khác để tới nhà khách nên tôi mới phải đi qua đây. Tôi mất gần 40 phút cho đoạn đường chưa tới 4 km".

Chiếc xe cứu thương cố gắng đi vào làn trong cùng, nhưng không thể nhanh chóng thoát ra khỏi đoạn đường này.

Sở GTVT Hà Nội cho hay đường Láng chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều; lưu lượng tối đa đáp ứng 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện lượng xe cộ qua đây đã hơn 8.000 phương tiện/giờ, nên thường xuyên ùn tắc. Trong khi đó, con đường đi bộ ven sông Tô Lịch trị giá hàng chục tỷ đồng lại bỏ hoang, không được sử dụng do dự án nhà máy nước thải Yên Xá thi công chậm tiến độ nhiều năm.

Ở chiều ngược lại của tuyến đường - hướng đi Cầu Giấy cũng là cảnh tượng xe cộ nối đuôi nhau dài hàng cây số.

Chờ đợi quá lâu, nhiều tài xế tỏ ra chán nản, một số người khác tranh thủ lấy điện thoại ra để sử dụng.

Trong văn bản phản hồi Zing, Sở GTVT Hà Nội cho hay việc mở rộng đường Láng và xây dựng đường trên cao Ngã Tư Sở - Cầu Giấy đã được nghiên cứu và đưa vào quy hoạch phát triển hạ tầng khung của thành phố. UBND Hà Nội đang chỉ đạo ban ngành nghiên cứu, đề xuất phương án khớp nối đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy dài khoảng 5 km, trong đó có việc xây dựng đường trên cao vượt nút Ngã Tư Sở.

Trong khi đó, sau 4 lần được phân luồng lại, tình hình ùn tắc tại nút giao Ngã Tư Sở không có dấu hiệu thuyên giảm.

Trong lần phân luồng mới nhất, nhiều tài xế than phiền rằng họ gặp bất tiện khi lối xuống của đường trên cao nằm ở giữa tuyến. Nếu muốn rẽ phải đi Tây Sơn hoặc rẽ trái đi Nguyễn Trãi sẽ xảy ra xung đột với luồng xe ở đường dưới thấp đang đi thẳng. Tình trạng ùn ứ vì thế thêm phần nghiêm trọng.

Ôtô từ đường trên cao nối đuôi chờ xuống đường dưới thấp do Ngã Tư Sở kẹt cứng xe cộ.

Những ngày cuối năm, người dân chở theo nhiều đồ đạc về quê, lại gặp cảnh tắc đường kéo dài khiến việc di chuyển của họ thêm khó khăn. Phan Quỳnh Mai (sinh viên Đại học Ngoại Thương) cho hay cô được nghỉ Tết cách đây một tuần nhưng cố nán lại để tiếp tục làm thêm. "Tôi không nghĩ đường lại tắc dài thế này mặc dù nhiều trường học, cơ sở kinh doanh đã bắt đầu nghỉ Tết", cô nói.

Nhiều hành khách mệt mỏi, ngủ gục trên chiếc xe khách mắc kẹt ở Ngã Tư Sở do ùn tắc.

Trời về tối, lượng xe đông dần cũng là lúc nhiều người hết kiên nhẫn chờ đợi. Mặc cho lực lượng thanh tra giao thông phân luồng, hàng chục tài xế bất chấp đi ngược chiều để thoát khỏi tắc đường.

Hệ quả là phương tiện đi đúng chiều bị xung đột dẫn đến giao thông thêm hỗn loạn.

4 cảnh sát giao thông tỏa ra các hướng để điều tiết. Tuy nhiên, khi cảnh sát chuyển qua hướng khác, tình trạng đi ngược chiều tiếp tục diễn ra.

Một tài xế chở cây quất vất vả thoát khỏi những người đi ngược chiều. Theo dự báo tình hình giao thông Hà Nội tiếp tục đông đúc và chỉ hạ nhiệt từ sáng 30 Tết (22/1).

Ngã Tư Sở và đường Láng là mảnh ghép cuối cùng chưa được hoàn thiện trên tục vành đai 2. Đồ họa: Đăng Đinh.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/nga-tu-so-va-duong-lang-oan-minh-ganh-xe-co-tu-vanh-dai-2-post1395049.html